Duy trì chấp hành nghiêm từ những việc nhỏ nhất để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Trên mũ bảo hiểm của bộ đội Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) đều dán phiên hiệu của đơn vị.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Đại tá Đinh Văn Tuynh, Phó cục trưởng Cục Xe máy (Tổng cục Kỹ thuật) nhấn mạnh: “Có 4 nhóm nguyên nhân liên quan đến an toàn giao thông (ATGT), đó là: Cơ sở hạ tầng; phương tiện; con người; công tác quản lý nhà nước và các điều kiện tự nhiên, môi trường, thời tiết. Trong đó, ngành xe máy tập trung giải quyết hai nhóm liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn là phương tiện và con người tham gia giao thông. Qua đánh giá, phân tích, cho đến nay chưa có vụ tai nạn giao thông nào trong quân đội do lỗi từ công tác kỹ thuật, điều đó minh chứng cho thấy công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật tại chỗ trong toàn quân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả”.

Cùng với đó, ngành xe máy duy trì đội ngũ bảo dưỡng, sửa chữa các cấp nhằm nâng cao tình trạng kỹ thuật xe, máy; tập trung làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kể cả giấy tờ xe, lệnh công tác để tạo tâm lý yên tâm cho lái xe. Một nguyên nhân khác làm giảm tai nạn giao thông có thể xảy ra là lái xe trong quân đội được đào tạo cơ bản trong 6 tháng liên tục, hiểu biết luật và có thể sửa chữa hỏng hóc vừa phải khi xe gặp sự cố. Không những thế, dù tốt nghiệp ở trường với các bài kiểm tra khắt khe, khi về đơn vị cũng chưa giao xe cho lái ngay mà phải có thời gian bổ túc, làm quen với chủng loại xe được phân công điều khiển và cung đường có thể sẽ thực hiện nhiệm vụ, thậm chí có lái xe cũ kèm cặp làm quen với chủng loại phương tiện trang bị,… Đây là kinh nghiệm quý để các cơ quan, đơn vị ngoài quân đội có thể tham khảo, áp dụng.

Trung tá Nguyễn Tiến Dương, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 214 (Quân khu 3) chia sẻ: “Do đặc thù đơn vị, hằng tháng phải cơ động xe, pháo nhiều lại thường xuyên hành quân đêm, ánh sáng hạn chế nên để bảo đảm yêu cầu tác chiến, các xe đều lắp đèn gầm, chiếu sáng gần. Từ thực tế đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trình độ lái xe và đòi hỏi lái xe phải tập trung cao độ khi hành quân. Chỉ tính trong năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019, đơn vị thực hiện cơ động hơn 200.000km an toàn; 8 năm liên tục không để xảy ra tai nạn với các loại phương tiện, từ xe đơn vị đến xe cá nhân”.

Một biện pháp khác có thể áp dụng với mô tô, xe máy, đó là ngoài dán phiên hiệu đơn vị trên mũ bảo hiểm còn ghi tên người điều khiển, thậm chí số điện thoại đơn vị để tăng cường quản lý, giám sát với quân nhân tham gia giao thông, đồng thời người điều khiển cũng luôn ý thức giữ gìn hình ảnh quân đội và sự an toàn của chính họ. Trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn thì từ thông tin đó, người dân có thể thông báo sớm nhất để đơn vị tìm biện pháp hỗ trợ, như điều động xe cứu thương, đưa lên tuyến trên hay huy động tiếp máu nếu bị thương,...  

Với xe đặc chủng hoạt động trong điều kiện ánh sáng hạn chế đòi hỏi lái xe phải có trình độ và kinh nghiệm.

Để lan tỏa nét đẹp trong văn hóa tham gia giao thông

Nhận thức đúng đắn cùng sự quan tâm sát sao của người chỉ huy từng cơ quan, đơn vị là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm ATGT. Theo Thượng tá Bùi Xuân Thắng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395, Quân khu 3): “Hằng năm, các cơ quan, phân đội xây dựng kế hoạch, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền Luật GTĐB phù hợp với tình hình thực tế nhiệm vụ được giao, như: Sân khấu hóa nội dung tuyên truyền về ATGT, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin từng phân đội, bổ sung pa nô, áp phích để truyền các thông điệp về ATGT một cách trực quan sinh động”...

“Từ nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng, bởi thực tế ở Trung đoàn 50 (Bộ CHQS TP Hải Phòng), nhờ làm tốt việc tuyên truyền nên mỗi khi ra khỏi doanh trại, 100% quân nhân tự giác mang mặc đúng quy định, khi tham gia giao thông chấp hành nghiêm luật lệ. Tự thân mỗi quân nhân đều nhận thấy, an toàn chính là hạnh phúc của họ, là văn hóa mà đơn vị nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua”, Thượng tá Vũ Văn Đông, Chính ủy Trung đoàn 50 nêu quan điểm.

Đại tá Đinh Văn Tuynh cũng cho rằng, mỗi quân nhân cần gương mẫu và vận động người thân, người dân chấp hành nghiêm Luật GTĐB. Bản thân mỗi quân nhân phải trở thành tấm gương mẫu mực, là hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong bảo đảm trật tự ATGT.

Trước bối cảnh hệ thống giao thông đường bộ của nước ta đang từng bước được hoàn thiện, trong khi các cơ quan, đơn vị đóng quân rải rác, rộng khắp trên nhiều địa bàn thì việc tuyên truyền Luật GTĐB cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện chặt chẽ, coi trọng nâng cao ý thức tự giác để việc chấp hành Luật GTĐB trở thành thói quen, nếp sống và nét đẹp của mỗi quân nhân khi tham gia giao thông.

Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI