 |
Vườn rau tăng gia tập trung của tiểu đoàn 1,đoàn B82( QK1). Ảnh Phúc Thắng
|
Thời gian qua, giá cả liên tục biến động theo chiều hướng tăng, nền kinh tế đất nước và đời sống của nhân dân ở nhiều vùng miền gặp khó khăn… đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bộ đội. Mặc dù Nhà nước, quân đội đã điều chỉnh mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, chiến sĩ bộ binh đạt mức 22.0000 đồng/người/ngày nhưng số tiền đó mang ra chợ thì chắc chắn bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ sẽ “vơi đầy” theo giá chợ. Thậm chí, ở một số đơn vị, địa phương, có tiền cũng không thể mua nổi và điều đó sẽ tác động đẩy giá thị trường lên cao. Chính vì thế, TGSX tạo nguồn lương thực, thực phẩm chính là loại “vũ khí” đặc biệt để giữ vững ổn định, từng bước cải thiện đời sống bộ đội. Và ở tầm cao hơn, đó chính là một trong những biện pháp tích cực góp phần thực hiện mục tiêu chống lạm phát.
Điều đáng mừng là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống toàn quân nói chung và các đơn vị Quân khu 1 nói riêng vẫn giữ vững ổn định, nhiều nơi tiếp tục được cải thiện. Nhiều năm nay, kể từ khi TGSX phát triển, cơ cấu bữa ăn hằng ngày của bộ đội liên tục thay đổi. Hiện tại, thực đơn hằng ngày của phần lớn các đơn vị thuộc Quân khu 1 theo cơ cấu 2-4-4, nghĩa là bữa sáng có 2 món thức ăn và bữa trưa, chiều có ít nhất 4 món. Với 22.000 đồng một ngày ăn, chỉ bằng giá một bát phở tại Hà Nội mà bộ đội được ăn no, ăn ngon. Cán bộ các sở, ban ngành địa phương về dự lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Quân sự Quân khu 1 đã rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến mâm cơm bộ đội. Cơm chia theo định suất nhưng sức trai trẻ ăn no, món ăn thay đổi theo thực đơn hằng ngày, bữa cơm hằng ngày ngoài cá, thịt, có giò, chả… là chuyện bình thường. Ngoài ra bếp nào cũng có 3 lọ gia vị để phục vụ người ăn theo nhu cầu. Mới đây, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Ngô Huy Hồng, Chủ nhiệm TCHC đi kiểm tra đột xuất công tác TGSX và chất lượng bữa ăn ở Đoàn Sao Vàng, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang và Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn. Thượng tướng nhận xét, trong tình hình trượt giá chung mà chất lượng bữa ăn của bộ đội vẫn được giữ vững, thậm chí vượt tiêu chuẩn là rất đáng biểu dương... Chúng tôi được biết, bữa ăn sáng của bộ đội nhiều đơn vị Quân khu 1 giờ đã có 3 món ăn (có thịt, cá, rau), bữa chính có 5 món thức ăn (3 món đạm và 2 món rau), tất cả đều nhờ sản phẩm của TGSX. Trung tá Nguyễn Văn Luân, Chủ nhiệm Hậu cần Đoàn B82 cho biết, đơn vị anh thừa thịt lợn để sử dụng, hằng ngày phải hợp đồng với bên ngoài để bán bớt phần nội tạng và thịt thủ bởi bộ đội đã “chán món lòng lợn” vốn nhiều năm trước còn là món “ăn tươi”, “cải thiện” hấp dẫn. Do nuôi giống gà lôi tại khu chăn nuôi tập trung nên mỗi tuần, cán bộ, chiến sĩ của đoàn có một bữa ăn "đặc sản". Hạ sĩ Lê Hiếu Trình, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, Trung đội 2 (Phân đội 1, Đoàn B82) tâm sự: “Bố mẹ em là công nhân, ở nhà em không biết trồng rau, thế mà vào bộ đội lại trồng giỏi. Chúng em rất mừng là tự mình tạo ra sản phẩm và sản phẩm đó phục vụ chính người chiến sĩ như chúng em.Trung tá Ngô Trọng Hoàn, Phó trưởng phòng Hậu cần (Bộ Tham mưu) dẫn chúng tôi thăm khu chế biến giò, chả, giá đỗ, đậu phụ… thấy hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm và vệ sinh-an toàn thực phẩm. “Ta làm ta ăn” nên sản phẩm vừa ngon, vừa sạch lại vừa rẻ. Trung bình, giá thịt lợn rẻ hơn so với thị trường 2.000 đồng/kg. Một số loại rau, củ như mướp Nhật Bản, thỏ Niu Di-lân, nhím… cũng đã cho thành phẩm. Một số đơn vị đặc thù như nhà trường, kho, trạm, xưởng của quân khu so với các đơn vị SSCĐ có khó khăn hơn về quỹ đất, nguồn nhân lực nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào TGSX, tạo nguồn thu đưa vào phục vụ đời sống. Như ở Kho K21, từ lãi của TGSX, đơn vị đã mua sắm mới giường, tủ cá nhân (bằng gỗ) cho 100% cán bộ, chiến sĩ. Ngoài chi ăn các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn trong năm, kho còn có thêm tiền để đầu tư, xây dựngcác công trình phúc lợi cho sinh hoạt, học tập hằng ngày và cải tạo cảnh quan, môi trường. Ở các trung đoàn bộ binh, nguồn thu từ TGSX còn “chi viện” cho mua sắm, sửa chữa bổ sung đồ dùng huấn luyện, chủ động nguồn thực phẩm phục vụ diễn tập, huấn luyện dã ngoại...Tại buổi trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình TGSX, các ý kiến tham dự đều khẳng định: “Bộ đội làm ra sản phẩm, bộ đội phải được hưởng sản phẩm đó”. Thượng tá Phạm Hòa Hiệp, Phó đoàn trưởng Đoàn B82; Trung tá Trần Quang Thanh, chỉ huy trưởng Phân đội 1 (Đoàn B82); Trung tá Nguyễn Xuân Hinh, Chính trị viên Phân đội 3 (Đoàn phòng không H10);… và nhiều ý kiến đều khẳng định: TGSX là để tạo sản phẩm cải thiện đời sống bộ đội, cán bộ các cấp phải trên quan điểm “ba cùng”: Cùng làm (với bộ đội); cùng biết (dân chủ, công khai minh bạch trong sử dụng quỹ vốn, quản lý và sử dụng sản phẩm); cùng hưởng (bình đẳng như nhau, không có “đặc quyền, đặc lợi”). Trên dưới cùng một mục đích duy nhất: bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống bộ đội, chăm lo chu đáo cho cán bộ, chiến sĩ cả về vật chất và tinh thần.
TGSX hiệu quả ở Quân khu 1 không chỉ giúp ổn định đời sống bộ đội mà sản phẩm tăng gia từ bàn tay chiến sĩ đã đến với nhân dân. Ngoài các đơn vị tự điều tiết lượng rau, củ quả, thịt cá sử dụng không hết, Cục Hậu cần quân khu đã tổ chức “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm” TGSX ra thị trường. Với sản phẩm rau sạch, thịt ngon, giá rẻ lại bảo đảm an toàn-vệ sinh thực phẩm, cửa hàng đang tạo ra sức hút mạnh với người tiêu dùng trong khu vực. Quân khu 1 là đơn vị đầu tiên trong toàn quân tổ chức mô hình này. Nếu có điều kiện, mời các bạn ghé thăm cửa hàng tại Phân đội vận tải S51, khu chợ Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ở tầm cao hơn, phong trào TGSX của LLVT Quân khu 1 còn góp phần cùng địa phương đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đại tá Trần Xuân Quang, Chủ nhiệm Chính trị cho biết, qua khảo sát tình hình kinh tế ở địa bàn các tỉnh miền núi cho thấy các quân nhân sau khi xuất ngũ về địa phương tổ chức gia đình lao động sản xuất rất hiệu quả, nhiều người đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi. Khi được hỏi anh em đều cho rằng, đó là nhờ những kiến thức, kinh nghiệm TGSX học tập, tích lũy được trong thời gian tại ngũ.
KIM LÂN và ANH THU