Đây là khẳng định của nhiều đồng chí cán bộ có kinh nghiệm khi chúng tôi hỏi về bí quyết để “biến” những thanh niên đang quen với lối sống thoải mái, tự do, được gia đình chăm lo về mọi mặt thành người chiến sĩ có ý thức tự giác rèn luyện, phấn đấu, đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ.
Làm cho chiến sĩ... thích nghiêm
Đang quen nhàn hạ, tự do, thoải mái nên ngại rèn luyện, sợ nghiêm khắc là tâm lý chung của hầu hết CSM. Do đó, theo nhiều đồng chí cán bộ đã nhiều năm quản lý bộ đội, “bí quyết” đầu tiên là phải làm cho CSM... thích nghiêm, nghĩa là thấy được sự cần thiết phải rèn luyện, thực hiện nghiêm túc các chế độ, nền nếp, quy định trong sinh hoạt, công tác, huấn luyện của quân đội và đơn vị.
 |
Cán bộ Đại đội 6, Tiểu doàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, rút kinh nghiệm đối với chiến sĩ mới sau khi thực hành loạt bắn phân đoạn. Ảnh: DUY ĐÔNG. |
Đại tá Trần Bình Trọng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chia sẻ: “Khi CSM về đơn vị, cán bộ các cấp phải tổ chức sinh hoạt, giáo dục, quán triệt nhiệm vụ thật sâu kỹ. Không chỉ làm cho CSM hiểu rõ yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị và mỗi quân nhân mà còn phải làm cho bộ đội thấy được vì sao quân đội phải có kỷ luật thép và nền nếp chính quy, vì sao mỗi đơn vị và quân nhân đều cần phải rèn luyện nghiêm túc. Đặc biệt, khi giáo dục nhiệm vụ cần chú ý phân tích cho chiến sĩ thấy rằng, việc rèn luyện nghiêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một quân nhân có ý nghĩa rất thiết thực đối với chính mình để qua đó mỗi chiến sĩ trưởng thành, có đủ những phẩm chất, năng lực, sức khỏe phục vụ lập thân, lập nghiệp sau khi xuất ngũ, đồng thời được mọi người tôn trọng, quý mến. Ngược lại, nếu không rèn luyện nghiêm thì hậu quả sẽ ra sao đối với bản thân và đơn vị nói riêng, quân đội nói chung; lấy ví dụ để chứng minh cho bộ đội thấy rõ. Khi tư tưởng đã thông thì chiến sĩ sẽ có động lực và quyết tâm rèn luyện”.
 |
Chiến sĩ mới Đại đội 3, Tiểu đoàn 865, Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân tham gia trò chơi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: HỮU MÙI. |
Cùng quan điểm trước hết cần phải làm cho CSM... thích nghiêm, Thiếu tá Lê Hải Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn 864 (Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân) nêu kinh nghiệm: Thực tế cho thấy, nhiều CSM rất lo lắng, sợ mình không đủ sức vượt qua những khó khăn, gian khổ, sự nghiêm khắc trong môi trường quân ngũ. Đội ngũ cán bộ phải hướng dẫn, lấy ví dụ cho anh em thấy tất cả các chế độ, nền nếp, công việc, nhiệm vụ không có gì quá khó khăn, ai cũng làm được vì đơn vị sẽ cho làm quen và rèn luyện dần. Khi vượt qua những khó khăn, vất vả thì chúng ta sẽ thấy mình có thêm sức mạnh, sự tự tin và thêm uy tín với mọi người.
Nhiều đồng chí cán bộ cho biết, lúc mới nhập ngũ, CSM thường lúng túng, vụng về trong thực hiện các chế độ, nền nếp, công việc ở đơn vị, thậm chí đi đứng còn yếu ớt. Vì vậy, đội ngũ cán bộ càng phải thể hiện tư thế, tác phong làm việc nghiêm túc, chững chạc, nhất là động tác điều lệnh nghiêm trang, lối sống đàng hoàng, đồng thời duy trì đơn vị bảo đảm sự nền nếp, chính quy, hùng mạnh, thống nhất. “Điều đó tạo ấn tượng rất tốt cho CSM, qua đó, bộ đội tự thấy mình cần phải phấn đấu rèn luyện nghiêm túc để có được những phẩm chất, tác phong, năng lực tốt như vậy. Cùng với đó, cần khơi dậy tinh thần tự hào, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội và đơn vị, quê hương, gia đình; khích lệ bộ đội quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Bùi Văn Chung, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) khẳng định.
 |
Tổ chức "sinh nhật đồng đội" cho cán bộ, chiến sĩ ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Ảnh: HUY MINH. |
Trao đổi với các CSM về những điều đội ngũ cán bộ chia sẻ, chúng tôi thấy anh em rất tâm đắc. Binh nhì Nguyễn Thanh Thủy (Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1) thổ lộ: “Khi mới về đơn vị, tôi hay bị ức chế vì thấy có những việc không cần thiết phải quá nghiêm khắc, chặt chẽ, khắt khe. Nhưng khi được chỉ huy phân tích rõ ý nghĩa, tác dụng của những việc đó, ví dụ như trước lúc tập thể dục buổi sáng phải chạy tại chỗ để khởi động, đồng thời hô to “một, hai, ba, bốn”-đây không chỉ là quy định thống nhất trong quân đội, nhằm rèn luyện sức khỏe, khẩu khí mà việc chạy cao chân còn có tác dụng chống lắng cặn trong thận gây bệnh sỏi, hô to và rõ để cho khí độc trong phổi thoát ra ngoài... Tôi đã được đả thông tư tưởng và tự giác thực hiện. Đặc biệt, tôi nhận ra mình cần phải rèn luyện, coi việc vượt qua gian nan, thử thách là niềm tự hào của thanh niên-chiến sĩ. Nếu lười rèn luyện thì chẳng được lợi gì mà chỉ tự làm hại mình, lại còn bị phê bình, mọi người không yêu quý”.
Rèn luyện dần trên tinh thần yêu thương, giúp đỡ
Đó là quan điểm chỉ đạo của các đơn vị trong công tác quản lý, huấn luyện bộ đội, đồng thời cũng là mong muốn của tất cả chiến sĩ.
Khẳng định việc quân nhân cần phải rèn luyện về mọi mặt là tất yếu, bởi có như vậy mới đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt của quân đội luôn đòi hỏi ngày càng cao, nhưng các đồng chí cán bộ nhiều kinh nghiệm trong quản lý, huấn luyện bộ đội đều lưu ý: Việc luyện quân cũng giống như tôi thép. Rèn luyện CSM phải tiến hành dần dần, từng bước; không được nóng vội “đốt cháy giai đoạn”, vì như thế sẽ phản khoa học, phản tác dụng.
Thực tế cho thấy, khá nhiều đồng chí cán bộ trung đội mới ra trường và tiểu đội trưởng thường mắc sai lầm khi đặt ra yêu cầu cao, muốn rèn luyện nghiêm CSM ngay từ ngày đầu vào đơn vị khiến CSM bị áp lực lớn, dẫn đến lo sợ, mất tự tin. “Để khắc phục tâm lý nóng vội, muốn “đốt cháy giai đoạn” của các đồng chí cán bộ trẻ, chúng tôi yêu cầu phải uốn nắn, rèn luyện từng bước bài bản gắn với quan tâm động viên, kiên trì hướng dẫn để CSM dần thích nghi, quen với các nền nếp, chế độ quy định. Đặc biệt, việc rèn luyện bộ đội phải trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, giúp đỡ cấp dưới tiến bộ; tuyệt đối không quát mắng, tạo sức ép căng thẳng”, Thượng tá Nguyễn Văn Huy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 (Bộ CHQS TP Hải Phòng) cho biết.
 |
Cán bộ, chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tập văn nghệ sau giờ huấn luyện. Ảnh: DUY VĂN.
|
Tìm hiểu tại Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh), chúng tôi thấy trong doanh trại bố trí nhiều khẩu hiệu “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu” và đơn vị triển khai thực hiện mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau” rất hiệu quả trong quản lý, huấn luyện CSM. Theo Thiếu tá Trần Phong Phú, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Gia Định, “3 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội; “2 trước, 2 sau” là cán bộ phải dậy trước, làm trước và ngủ sau, về sau chiến sĩ. Thực chất mô hình này nhằm phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, sâu sát giúp đỡ và thấu hiểu, thương yêu bộ đội của đội ngũ cán bộ với mục tiêu rèn luyện bộ đội vào nền nếp để trưởng thành. Khi cán bộ được chiến sĩ coi như người anh, người chị, người bạn thân thiết, "đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi" thì sẽ tăng cường mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, bộ đội có ý thức tự giác phấn đấu.
“Ở đâu bộ đội được rèn luyện nghiêm túc gắn với quan tâm chăm lo thì ở đó hoàn thành tốt nhiệm vụ” là khẳng định của nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Vì thế, phương châm “Xây dựng đơn vị là nhà/ Cán bộ, chiến sĩ như là anh em” và “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu” luôn được các đơn vị chú trọng thực hiện. Trong chuyến khảo sát tại hàng chục sư đoàn, lữ đoàn thuộc nhiều loại hình đơn vị, chúng tôi không chỉ được chứng kiến những suất ăn được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm cho bộ đội được ăn đủ, ăn ngon và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; doanh trại sáng-xanh-sạch-đẹp và phòng ngủ của bộ đội sạch sẽ, khang trang, có đủ quạt mát; các đơn vị đều có bình nước uống, nước muối súc miệng cho chiến sĩ... mà còn tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống văn hóa-tinh thần cho bộ đội, như: Tổ chức sinh nhật đồng đội kết nối livestream (phát trực tiếp) qua điện thoại với gia đình chiến sĩ; duy trì đều đặn các hoạt động vui chơi, thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ; tạo điều kiện hợp lý cho chiến sĩ gọi điện thoại; phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong đơn vị và địa phương tổ chức hoạt động “tiếp sức thao trường”...
Binh nhì Hà Tuấn Tú (Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) bộc bạch: “Lúc mới nhập ngũ, chúng tôi rất lúng túng trong thực hiện các chế độ nền nếp cũng như trong huấn luyện, nhưng chỉ huy các cấp kiên trì hướng dẫn, tận tình chỉ bảo. Vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, đơn vị có nhiều hoạt động chăm lo cho chiến sĩ, như tổ chức thi hát, giao lưu bóng đá, bóng chuyền, sinh nhật đồng đội...; cán bộ, chiến sĩ gần gũi trò chuyện, đàn hát, cùng làm các công việc khiến chúng tôi cảm thấy vui vẻ, ấm cúng và thực sự yên tâm”.
Tuy nhiên, qua trò chuyện với CSM ở các đơn vị, chúng tôi được biết, hiện vẫn có một số cán bộ trung đội chưa thực sự quan tâm, gần gũi bộ đội trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ vì mải "lướt web" hoặc chơi trò chơi trên điện thoại thông minh. Điều này dẫn đến các CSM cảm thấy ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ thì mình như bị "bỏ rơi", ít được tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Việc cán bộ phân đội ít gần gũi CSM trong ngày nghỉ, giờ nghỉ thì cũng khó nắm bắt tâm tư, tình cảm để kịp thời làm công tác tư tưởng, động viên, khích lệ bộ đội...
Trong nhiều cuộc trao đổi về công tác quản lý, huấn luyện CSM, chúng tôi rất tâm đắc với chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Ngọc Luân, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1): Khi chiến sĩ thấy cán bộ quan tâm chăm lo cho mình, nghiêm khắc cũng chính vì sự tiến bộ của mình và tập thể đơn vị thì chắc chắn anh em sẽ tâm phục khẩu phục, dù khó khăn, vất vả thế nào cũng không quản ngại. Ngược lại, nếu cán bộ chỉ chú ý rèn chiến sĩ, không để ý đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, nhất là những lúc chiến sĩ bị ốm mệt, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, hoặc trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ thì bộ đội dễ chán nản, không tự giác phấn đấu và kết quả huấn luyện, rèn luyện sẽ hạn chế.
Về những biện pháp để nâng chất lượng huấn luyện CSM, chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đơn vị, chúng tôi thấy ai cũng thống nhất quan điểm “bộ đội cần phải rèn luyện nghiêm”. Tuy nhiên, không ít chiến sĩ thẳng thắn bày tỏ: Khó khăn, gian khổ thế nào cũng không quản ngại mà điều đáng ngại nhất là kiểu “nghiêm khắc nửa vời”, thiếu công bằng, có sự thiên vị, “chỗ nghiêm chỗ không”; đặc biệt là hiện tượng một số cán bộ chưa gương mẫu, khiến chiến sĩ không tâm phục khẩu phục, dẫn đến chán nản, thiếu ý chí phấn đấu. Đây là những điểm chú ý mà các đồng chí cán bộ cần thường xuyên tự soi, tự sửa để làm tốt công tác quản lý, huấn luyện bộ đội. |
(còn nữa)
QUANG ĐÔNG - HÙNG VĂN - THÀNH HIỂN