Sớm phân nhóm, lượng hóa tư tưởng
Ở các đơn vị huấn luyện, SSCĐ hiện nay, hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất thân từ nhiều vùng, miền khác nhau; phong tục, tập quán, môi trường sống không đồng nhất; trình độ văn hóa và khả năng nhận thức chênh lệch nhất định... Những đặc điểm này tác động không nhỏ đến công tác quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội.
 |
Tuổi trẻ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 chăm sóc bồn hoa, cây cảnh đón Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: TRUNG HIẾU
|
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 312, một trong những biện pháp được các đơn vị trong toàn sư đoàn triển khai thực hiện, là làm tốt công tác rà soát chất lượng chính trị, tư tưởng của chiến sĩ mới ngay từ khi nhập ngũ. Các khâu, các bước trong rà soát được chỉ huy các đơn vị, nhất là cán bộ cấp phân đội thực hiện thành hệ thống theo một quy trình chặt chẽ, nhưng không xơ cứng.
Chia sẻ về cách làm của đơn vị, Thiếu tá Đặng Văn Thương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận chiến sĩ nhập ngũ, chúng tôi nhanh chóng biên chế về các trung đội và tổ chức nắm ngay trích ngang, lý lịch, sở trường, sở đoản, trình độ học vấn của anh em; đồng thời sơ bộ phân loại chất lượng tư tưởng bộ đội. Chỉ huy trung đoàn yêu cầu cán bộ đại đội, trung đội hướng dẫn chiến sĩ viết vào phiếu “tự bạch” tất cả những mối quan hệ cá nhân và công việc trước khi nhập ngũ. Cán bộ phải nắm được số điện thoại của gia đình, tài khoản mạng xã hội của chiến sĩ để có biện pháp quản lý tư tưởng ngay từ đầu”.
Thực hiện chỉ đạo của trên và hướng dẫn của cơ quan chính trị, các trung đội trưởng áp dụng đúng quy trình “tròn khâu”, từ tiếp nhận, ghi chép trích ngang sơ bộ... đến biên chế, phân loại tư tưởng ban đầu. Thiếu úy Vi Văn Vũ, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, chia sẻ cụ thể về công việc: “Sau khi ổn định tổ chức biên chế, tôi tìm hiểu chất lượng chính trị, tư tưởng của chiến sĩ mới bằng nhiều kênh khác nhau, như: Tìm hiểu qua mạng xã hội mà chiến sĩ sử dụng, liên hệ với gia đình, địa phương, bạn bè, đồng hương và qua thái độ, hành vi, biểu hiện, nếp sống sinh hoạt của bộ đội.
Sau đó, tôi phân loại chiến sĩ theo từng nhóm. Đối với chiến sĩ thuộc nhóm “cá biệt”, tôi chủ động gặp gỡ, tìm hiểu thêm thông tin để có biện pháp uốn nắn, động viên, giúp đỡ, đồng thời báo cáo cấp trên phân công cán bộ theo dõi, kèm cặp, không để bị động trước những diễn biến tư tưởng tiêu cực xảy ra”.
Hiện nay, nhiều đơn vị trong toàn quân đã thống nhất biên soạn các tình huống tư tưởng thường gặp và cách xử lý, in thành cuốn sổ cấp cho cán bộ cơ sở để vận dụng. Đây được coi là cuốn “cẩm nang” giúp cán bộ phân đội, nhất là trung đội trưởng tham khảo, xử lý hiệu quả các tình huống tư tưởng phát sinh trong thực tiễn.
Phát huy vai trò “tai mắt”
Ở đơn vị cơ sở, các chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận, tổ 3 người... được coi là “tai mắt” giúp trung đội trưởng kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng, kỷ luật và những dấu hiệu bất thường trong đơn vị. Nói về vấn đề này, Trung úy Nguyễn Thế Đạt, Trung đội trưởng Trung đội Thông tin vô tuyến điện, Đại đội Chỉ huy thuộc Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh), nhớ lại: "Năm 2020, trung đội tôi có đồng chí Nguyễn Minh Nhật bất ngờ nảy sinh biểu hiện khác lạ, buồn bã, thích ngồi một mình, ít nói. Lúc đầu tôi chưa phát hiện được thì Binh nhất Đỗ Hữu Nhân, chiến sĩ bảo vệ của trung đội chủ động gặp tôi, báo cáo: “Người yêu của Nhật vừa vào đại học liền đòi chia tay, cắt mọi liên lạc với Nhật”.
Nắm được nguyên nhân, Trung úy Nguyễn Thế Đạt gọi Nhật vào phòng trò chuyện, động viên, chia sẻ câu chuyện của chính mình và hỏi Nhật: “Một cô gái mà vừa vào đại học, tiếp cận môi trường mới, bạn mới liền quên mình ngay. Liệu cô gái đó có đáng tin cậy, có đáng để mình yêu thương, gửi gắm trái tim không?”. Nhật im lặng giây lát rồi nói: “Có lẽ cô ấy đã thay đổi”...
Tối hôm sau, lúc Nhật vừa đi gác, chiến sĩ bảo vệ Đỗ Hữu Nhân lại gặp Trung úy Nguyễn Thế Đạt, báo cáo: “Nhật có ý định trốn về để giải quyết chuyện tình cảm”. Nghe tin, anh Đạt liền chạy ra vọng gác đưa Nhật về phòng. “Tôi gọi điện cho bố Nhật hỏi rõ hơn về mối quan hệ tình cảm giữa Nhật với người yêu và đề nghị gia đình phối hợp động viên Nhật. Về phần mình, ngoài giờ huấn luyện, tôi tổ chức các hoạt động vui chơi để Nhật tham gia cùng đồng đội”, anh Đạt kể lại.
Dần dần, bằng tình cảm và sự thương yêu của cả đơn vị, Nhật đã quên chuyện cũ, phấn chấn tinh thần, luyện giỏi, rèn nghiêm, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đơn vị. Hơn 3 năm đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Đạt rút ra kinh nghiệm: Phải dựa vào “tai mắt” trong đơn vị để nắm bắt và quản lý tốt tư tưởng, kỷ luật bộ đội.
Cũng với kinh nghiệm dựa vào “tai mắt”, Trung úy Phạm Công Trình, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) chia sẻ về trường hợp của chiến sĩ mới Vũ Thắng Việt. Nhập ngũ được ít ngày, Việt nhận được tin báo bố đẻ bị tràn dịch màng phổi, phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Từ hôm đó, Việt rất buồn và lo lắng. Thấy vậy, chiến sĩ Cao Thành Đạt, Tổ trưởng “Tổ 3 người” (trong đó có chiến sĩ Việt) liền báo cáo với Trung đội trưởng Phạm Công Trình về hoàn cảnh gia đình Việt.
Trung đội trưởng Trình trực tiếp liên lạc với người thân của Việt để xác minh thông tin. Biết rõ sự tình, Trung đội trưởng chủ động gặp gỡ, chia sẻ nỗi lo và thông báo cho Việt về ý định sẽ đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho Việt nghỉ tranh thủ về thăm bố sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Nhận thấy sự quan tâm của trung đội trưởng cùng đồng đội, Việt hứa quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị mà chúng tôi khảo sát đều xác định phát huy vai trò “Tổ 3 người”, chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận... là một trong những biện pháp hữu ích để nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng bộ đội. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện để “Tổ 3 người”, chiến sĩ dân vận, chiến sĩ bảo vệ... hoạt động hiệu quả; thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác cho tổ trưởng và các chiến sĩ “chuyên trách”.
Riêng với “Tổ 3 người”, đây không chỉ là “tai mắt” của người chỉ huy mà còn là nơi để các chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới giãi bày tâm tư, tình cảm, những vướng mắc trong sinh hoạt, học tập; bảo ban, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, có trách nhiệm với đơn vị, với mọi người. Theo Đại tá Trần Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh), quản lý tư tưởng cán bộ, chiến sĩ là việc làm không đơn giản.
Đối với cấp trung đội, ngoài kỹ năng, kiến thức CTĐ, CTCT được trang bị, trung đội trưởng cần dựa vào các tổ chức, các thành phần có trong biên chế của trung đội để thuận tiện nắm bắt tư tưởng, hành vi kỷ luật của bộ đội; từ đó có biện pháp xử lý, hoặc báo cáo cấp trên chỉ đạo, giúp đỡ xử lý kịp thời, dứt điểm các tình huống về tư tưởng, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị.
(còn nữa)
TẤN TUÂN - HOÀNG THÀNH - VŨ DUY - ĐÀO LÂM