QĐND - Chính thể Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam vào giữa những năm 50 của thế kỷ XX để thực hiện cuộc chiến tranh thực dân mới, nhằm chia cắt lâu dài Nam-Bắc Việt Nam và ngăn chặn làn sóng “Cộng sản” lan xuống khu vực Đông Nam châu Á. Khi Mỹ rút khỏi miền Nam theo Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, và con đường ngoại giao được viện đến như là cứu cánh cho sự tồn vong…
Những cam kết hờ từ “người bạn tốt”
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đối sách ngoại giao của VNCH cố nhiên vẫn hướng về phía Mỹ, nơi cung cấp viện trợ trực tiếp, chủ yếu và quan trọng nhất đối với sự tồn vong của miền Nam Việt Nam. Mặc dù quân viễn chinh Mỹ và Đồng minh đã phải rút về nước theo các điều khoản của Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) nhưng VNCH vẫn nhận được sự trợ giúp của Mỹ. Trước khi phải rời khỏi ghế Tổng thống vì vụ Watergate, Ních-xơn đã mạnh mẽ tuyên bố sự ủng hộ đối với chính quyền Thiệu.
Trong bức thư ngày 10-8-1974, người kế nhiệm Ních-xơn là Gê-ran Pho (Gerald Ford) cũng nhấn mạnh: “Những cam kết mà quốc gia chúng tôi đã lập ra vẫn luôn luôn có giá trị và sẽ được tôn trọng đầy đủ trong chính quyền của tôi”. Vị tân Tổng thống khi viết bức thư này không nắm được thực chất nội dung những cam kết với chính quyền VNCH dưới thời Ních-xơn. Ông chỉ xem đây là lời tuyên bố ủng hộ chung chung như những người tiền nhiệm đã làm đồng thời cũng không biết được rằng điều này thực sự trở thành niềm khích lệ to lớn đối với Tổng thống VNCH.
Ngày 8-1-1975, sau sự kiện Phước Long, Báo “Daily Telegraph” của nước Anh đã bình luận về khả năng trở lại Việt Nam của Mỹ: ‘Quốc hội Mỹ đã thông qua luật không cho can thiệp nữa. Mỹ sẽ làm gì nếu phía Quân Giải phóng có vẻ như có thể chiếm được toàn cõi Việt Nam Cộng hòa? Có lẽ, Mỹ sẽ không làm gì cả ngoại trừ việc dùng áp lực ngoại giao qua Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa”.
 |
Nguyễn Văn Thiệu trong một lần tiếp Đại sứ Mỹ H. Ca-bốt Lốt (H. Cabot Lodge) tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu |
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sức trấn an tinh thần tướng sĩ rằng sẽ tìm cách chiếm lại Phước Long nhưng lại không có động thái tích cực nào như đã tuyên bố. Bên cạnh đó, Chính quyền Thiệu còn gửi hàng loạt thư, công hàm đến chính phủ các nước không thuộc phe xã hội chủ nghĩa để “tố cáo” miền Bắc Việt Nam vi phạm Hiệp định Pa-ri, tiến hành xâm lược miền Nam, ẩn sau đó là mong muốn nhận được viện trợ. Đáp lại nguyện vọng của chính quyền Thiệu, chỉ có những lời động viên, an ủi.
Ở thời điểm tàn cuộc của ván cờ mà kẻ thắng người bại đã được định sẵn, Chính phủ Mỹ mong muốn điều gì ở miền Nam Việt Nam? Đó là sự trở về an toàn của binh lính Mỹ và những người đã tận tâm, tận lực phục vụ cho chính sách của quốc gia hơn hai thập kỷ, là uy tín, danh dự của nước lớn. Khi miền Nam Việt Nam đang nhấp nhổm trên đống lửa, một phái đoàn Quốc hội Mỹ được cử sang Sài Gòn để thẩm định tình hình trước khi xem xét có nên tiếp tục phân bổ khoản viện trợ bổ sung nữa hay không.
Trớ trêu thay, phái đoàn này lại có sự góp mặt của nhiều thành viên chống chiến tranh Việt Nam. Phái đoàn Quốc hội Mỹ về nước chôn vùi cả niềm hy vọng về khoản viện trợ bổ sung và dẫn đến nguy cơ chấm dứt hoàn toàn nguồn quân viện của Mỹ cho chính quyền VNCH.
Thể hiện là “người bạn thủy chung” với miền Nam Việt Nam, Tổng thống Gê-ran Pho không ngừng đề nghị Quốc hội Mỹ chuẩn y 300 triệu USD nguồn viện trợ bổ sung cho chính quyền VNCH và ông cũng nhấn mạnh trong quyền hạn của mình chỉ có thể làm được đến thế. Tuy nhiên, điều này không giúp gì nhiều cho chính quyền Thiệu, đặc biệt là khi các thành viên phái đoàn Quốc hội Mỹ trở về từ Đông Dương đã kịch liệt lên án chính sách sai lầm của Tổng thống Gê-ra Pho.
Tháng 3-1975, những thắng lợi dồn dập của Quân giải phóng miền Nam khiến cho chảo lửa chiến trường miền Nam sôi sục. Trong tình hình hết sức khẩn cấp, Nguyễn Văn Thiệu đã cử phái đoàn gồm nhiều dân biểu Quốc hội sang Oa-sinh-tơn tìm cách vận động Quốc hội Mỹ tăng thêm quân viện. Cuối tháng 3-1975, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Đại tướng Phơ-rê-đơ-rích C. Uây-en (Frederick C.Weyand) cùng một số chuyên gia về Việt Nam được cử sang xem xét tình hình Sài Gòn và trở về với đề nghị 722 triệu USD ngân sách viện trợ bổ sung để giúp VNCH có được thế phòng thủ tối thiểu chống lại sự tấn công của Quân giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, bản phúc trình được chuẩn bị chu đáo của tướng Ph.C. Uây-en đã không thỏa mãn Quốc hội Mỹ.
Câu trả lời từ Quốc hội Mỹ
Tháng 4-1975, trước vòng vây của Giải phóng ngày càng khép chặt quanh Sài Gòn, Tổng thống Thiệu lại vội vã cử người sang cầu cứu Mỹ. Rũ bỏ trách nhiệm, Tổng thống Thiệu đã đổ lỗi những thất bại liên tiếp vừa qua là do thiếu viện trợ Mỹ chứ không phải quân đội Sài Gòn yếu kém: “Phân nửa viện trợ thì quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ có thể giữ phân nửa lãnh thổ mà thôi… Nhân dân Mỹ ngày nay cũng như Quốc hội Mỹ phải làm cái gì cho nhân dân Việt Nam Cộng hòa để khỏi mang tiếng là đã phản bội nhân dân Việt Nam Cộng hòa”.
Đáp lại, Tổng thống Gê-ran Pho nhiều lần gửi thư đến Tổng thống Chính quyền VNCH với lời lẽ động viên, ngợi ca nỗ lực của miền Nam Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn và khẳng định chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ tích cực, tối đa trước hết là về mặt tinh thần. Tuy nhiên, những cố gắng của Thiệu nhằm tạo điều kiện cho Mỹ đưa quân trở lại Việt Nam hoặc ít nhất cũng tăng cường khoản viện trợ đều không nhận được sự đồng thuận của Quốc hội Mỹ.
Không đạt được mục đích mong muốn, Thiệu thay đổi sách lược chuyển từ xin sang vay, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao tranh thủ ngoại viện. Tổng thống Thiệu cử Ngoại trưởng Vương Văn Bắc sang tiếp xúc với Quốc vương A-rập Hêu Crao (Haled Crown) tìm kiếm sự đồng thuận và nhận được lời hẹn về khoản viện trợ sẽ được Chính phủ nước này xem xét.
Nhưng Thiệu cho rằng nếu chờ đợi nguồn viện trợ này phải mất vài tháng, khi đó tình hình đã xoay chuyển theo chiều hướng bất lợi. Chính vì vậy, Tổng thống Sài Gòn vẫn trông cậy vào ân huệ cuối cùng mà “quan thầy” Mỹ sẽ ban cho mình và cử Bộ trưởng Kế hoạch và phát triển kinh tế Nguyễn Tiến Hưng sang thuyết phục Mỹ cho vay viện trợ. Để bảo đảm khả năng trả nợ, Tổng thống Thiệu đã lấy nguồn lợi tài nguyên dầu khí, tiềm năng xuất khẩu gạo, lời hứa về khoản viện trợ của Vua A-rập cùng 16 tấn vàng dự trữ trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm điều kiện trao đổi. Quyết định dốc túi để đánh canh bạc cuối, Thiệu đặt niềm tin hoàn toàn vào danh dự của Đồng minh lớn và hiện tại cũng không còn lựa chọn nào khả thi hơn. Trong bức thư cầu viện, Thiệu ra sức “thức tỉnh lương tri” của Mỹ: “Chúng tôi kêu gọi lương tâm và lòng thương của nhân dân Mỹ đối với cảnh ngộ của đất nước chúng tôi, một người bạn đồng minh trung thành của nhân dân Mỹ suốt 20 năm sóng gió này... Một dân tộc như vậy xứng đáng với lòng thương cảm và sự giúp đỡ”. Nhưng nỗ lực sau cùng đã quá muộn, ngày 18-4-975, Quốc hội Mỹ quyết định chấm dứt việc tăng quân viện cho miền Nam Việt Nam.
Giờ đây, Quốc hội Mỹ đủ sáng suốt để không tiếp tục trả giá cao cho một kết cục đã được báo trước. Sài Gòn hoa lệ vốn tồn tại phụ thuộc vào nguồn ngân sách viện trợ của Chính phủ Mỹ đang dần lụi tàn theo bước chân hồi hương của đoàn quân viễn chinh và sự quay lưng của Đồng minh.
LÊ MINH NAM
Bài 2: Thất bại tất yếu