QĐND - Thiếu tá Trần Thị Mai Anh tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 2005, hiện là Phó chủ nhiệm Khoa Phụ sản Bệnh viện 105, Tổng cục Hậu cần. Đôi tay chị đã đỡ không dưới 500 cháu bé chào đời. Tại Hội thi báo cáo viên giỏi 2013 của Tổng cục Hậu cần, trong vòng 30 phút, chị đã chinh phục cử tọa gần như tuyệt đối về “Sự cần thiết ban hành Luật Biển Việt Nam, nội dung cơ bản của luật này và chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

- Việt Nam là một quốc gia ven biển, nằm ở phía Tây của Biển Đông, có bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam... Với việc ban hành Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý tổng hợp có hiệu lực cao quy định một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến biển... - Chị bắt đầu nói, cũng là bắt đầu cuốn hút người nghe bởi ánh mắt và chất giọng cha mẹ truyền cho, không bắt chước, không cường điệu mà trong sáng, truyền cảm đặc biệt. Chị nhìn thẳng vào mắt người nghe, như trò chuyện với từng người. Chị phân câu, chiết cú, nhóm các chi tiết đồng dạng và khái quát. Chỗ nói chậm thì nhẩn nha như nhắn gửi. Chỗ nói nhanh, nói thật nhanh thì không hề bị vấp váp. Âm sắc, ngữ điệu linh hoạt, phù hợp ngữ cảnh khiến người nghe rất tập trung theo dõi…

Kết thúc bài thi, mọi người chúc mừng và hỏi chị: “Vì sao chị chuyên đỡ đẻ mà lại tuyên truyền về Luật Biển hiệu quả như vậy?”. Chị cười hiền hậu và trả lời thành thực: “Đối với tôi, biển đảo của nước mình gần gũi như chính nơi tôi đang công tác. 22 năm rồi, Bệnh viện 105 liên tục làm tốt công tác y tế tại đảo Sinh Tồn Đông và có 9 tổ quân y, 30 đồng chí luân phiên chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Có những bác sĩ, vợ đang bụng mang dạ chửa, vẫn sẵn sàng ra đảo... Tuy chưa được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại Trường Sa, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn có ý thức đóng góp công sức của mình xây dựng biển đảo quê hương, để Luật Biển Việt Nam được thực thi trên thực tế”. 

Hỏi chị: “Nghề đỡ đẻ có mối liên hệ gì với việc tuyên truyền về Luật Biển?”. Chị nhìn xa xăm như nghĩ đến điều gì thiêng liêng, rồi nói: “Tôi được làm đúng nghề mình mơ ước: Nghề "mẹ tròn con vuông". Và tôi nghĩ, đỡ đẻ là đỡ quyền được sống ngay từ phút đầu tiên của mỗi con người. Điều đó khiến tôi yêu Tổ quốc mình, yêu biển đảo quê hương như yêu chính những chủ nhân tương lai của nó!”. 

PHẠM XƯỞNG