QĐND Online - Tướng 4 sao David Howell Petraeus được biết đến là người can trường với một đời binh nghiệp đầy vinh quang. Súng đạn ở chiến trường Iraq và Afghanistan không ngăn nổi con đường thăng tiến lên vị trí mơ ước của ông. Dẫu thế, ông tướng này không vượt nổi lời nguyền: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, và đã bị “hạ gục” chỉ bởi một bóng hồng.
“Trai anh hùng…”
Sinh năm 1952, tướng David Howell Petraeus là một chính khách và tướng lĩnh có vai trò chủ chốt trong các cuộc chiến của Mỹ ngoài biên giới. Ông từng giữ chức Tổng tư lệnh Lực lượng Đa quốc gia ở Iraq, tham gia chỉ huy các chiến dịch ở Afghanistan và cuối cùng là giữ chức Giám đốc thứ 20 của Cục Tình báo Trung ương (CIA).
 |
Tướng Petraeus còn từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush. Ảnh: reuters.com |
Thời đi học, Petraeus cũng có một bảng thành tích đáng nể. Ông là người chiến thắng Giải thưởng của tướng George C. Marshall và tốt nghiệp hàng đầu Cao đẳng Tổng tham mưu và Chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ năm 1983. Đến năm 1985, ông nhận được bằng cấp Thạc sĩ Hành chính công mà hầu hết những chính khách, quan chức cấp cao của Mỹ đều phải sở hữu, và bằng tiến sĩ năm 1987 về Mối quan hệ quốc tế từ Trường công và quan hệ quốc tế Woodrow Wilson tại Đại học Princeton.
Sau đó ông làm Trợ lý Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ và cũng hoàn thành một học bổng tại Đại học Georgetown. Ngoài ra, ông cũng có một bằng Cử nhân Khoa học từ Học viện Quân sự Hoa Kỳ năm 1974-nơi ông tốt nghiệp bằng sinh viên trường sĩ quan đặc biệt (đứng đầu 5% trong lớp).
 |
Chàng sĩ quan trẻ Petraeus và hôn phu Holly Knowlton trong ngày anh tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ năm 1974. Ảnh: Bettmann/ CORBIS |
Tháng 4-2003, tướng Patraeus cầm quân tiến vào miền Nam Iraq và chiếm được Baghdad vài giờ sau đó. Vào lúc thành phố Moussoul ở miền Bắc Iraq trong tình thế hỗn loạn, chính tướng Patraeus được điều tới để tái thiết trật tự, mở lại trường học, và cũng là “ông trùm tương lai” của CIA được giao trọng trách đào tạo cho quân đội Iraq thời hậu Saddam Hussein.
Năm 2007, tướng Patraeus trở lại Iraq vào thời điểm quân đội Mỹ đang sa lầy, và ông đã kiểm soát được tình hình chỉ vài tháng sau. Thành công đó khiến ông trở thành tổng tư lệnh điều hành mọi chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ ở khắp vùng từ Trung Đông đến Trung Á.
Tháng 10-2008, tướng Petraeus được bổ nhiệm làm Chỉ huy Trưởng Bộ Tư lệnh miền Trung Hoa Kỳ. Hai năm sau, Thượng viện Mỹ phê chuẩn Tướng Petraeus làm Tư lệnh Chiến tranh ở Afghanistan với hy vọng ông sẽ “tỏa sáng” để bình ổn cuộc chiến “hao tiền tốn của” mà Mỹ phát động. Đến tháng 9-2011, Washington bổ nhiệm Patraeus là đứng đầu cơ quan tình báo CIA. Tuy nhiên, chỉ ngồi “ghế nóng” được hơn 1 năm thì đến ngày 9-11-2012, ông đệ đơn từ chức và được Tổng thống B. Obama chấp thuận.
Là một trong số ít người còn “trụ lại” từ thời Tổng thống G. W. Bush, ông Petraeus được coi là một trong những vị tướng được dư luận Mỹ ngưỡng mộ nhất. Thậm chí, người ta còn cho rằng ông là một ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống vào năm 2016.
“…Gái thuyền quyên”
Sau khi chuyện tình “ngoài luồng” của tướng Petraeus được phơi bày ra ánh sáng, người ta mới chú ý đến “mỹ nhân” nào có thể hạ gục cả một vị tướng lẫy lừng đang như “diều gặp gió” trên chính trường.
 |
Broadwell, ảnh chụp tại Afghanistan, từng có thâm niên hơn 10 năm phục vụ trong quân ngũ. Ảnh: paulabroadwell.com |
Paula Dean Broadwell, sinh năm 1972, là một phụ nữ xinh đẹp và giỏi giang, đã có chồng là chuyên gia chụp X-quang Scott Broadwell và 2 con, hiện sống tại Charlotte, Bắc Carolina (Mỹ).
Cựu Thiếu tá này từng tốt nghiệp Học viện Quân sự nổi tiếng West Point với bằng bằng cử nhân Địa lý- Chính trị và Kỹ sư Hệ thống vi tính năm 1995, bằng Thạc sĩ Văn chương về An ninh Quốc tế ở Đại học Denver năm 2006. Broadwell phục vụ hơn 10 năm trong quân đội, lên tới quân hàm Thiếu tá trước khi rời quân ngũ để theo học Đại học Harvard và tốt nghiệp môn Quan hệ Công chúng tại đại học này năm 2008.
Năm 2006, trước khi gặp gỡ Petraeus, Broadwell đã nộp đơn xin việc vào Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Một nhân viên FBI đã nghỉ hưu cho biết ông từng lưu ý với lãnh đạo của FBI rằng họ sẽ rất ấn tượng với kiến thức cũng như kinh nghiệm của Broadwell. Tuy nhiên, sau khi FBI đồng ý thì Broadwell lại quyết định theo học Đại học Harvard.
“Mối nhân duyên”
Theo Paula Broadwell viết trong quyển “All in: The Education Of Gen. David Petraeus” (tạm dịch là "Con đường học vấn của Tướng David Petraeus") thì bà gặp tướng Petraeus lần đầu tiên vào năm 2006 khi vừa tốt nghiệp môn Công quyền tại Học viện Kennedy của Đại học Harvard.
 |
Broadwell gặp tướng Petraeus lần đầu tiên vào năm 2006. Ảnh: paulabroadwell.com |
Hôm đó, ông Petraeus đến Harvard diễn thuyết về kinh nghiệm chỉ huy Sư đoàn Dù 101 của Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003 và chiến thuật chống chiến tranh nổi dậy do ông khai triển. Broadwell cùng một số sinh viên khác được mời dự bữa dạ tiệc khoản đãi diễn giả.
“Tôi được mời đến cũng là nhờ kiến thức quân sự khá vững của mình. Trong bữa ăn, tôi giới thiệu mình với ông Petraeus – lúc đó là Trung tướng – và cho ông biết về niềm đam mê nghiên cứu của mình. Ông ấy đã đưa cho tôi danh thiếp và đề nghị nối liên lạc cho tôi với một số nhà nghiên cứu khác đang làm việc trong những đề tài tương tự”, Broadwell nhớ lại.
Năm 2008 khi tiếp tục theo đuổi học vị tiến sĩ, Broadwell quyết định thực hiện luận án nghiên cứu về phong cách lãnh đạo chỉ huy của tướng Petraeus và bắt lại mối liên lạc.
 |
Tướng David Petraeus bắt tay với Paula Broadwell trong một ảnh chụp năm 2011. Ảnh: AP
|
“Sau nhiều email trao đổi qua lại, tướng Petraeus – khi đó là Chỉ huy Trưởng Bộ Tư lệnh miền Trung Hoa Kỳ - mời tôi đến Washington để thảo luận về đề tài đó trong một buổi chạy thể dục ven bờ sông Potomac”, Broadwell cho biết thêm.
Broadwell chuyển ý định nghiên cứu trên sang mục đích hoàn thành một quyền sách về tiểu sử sự nghiệp của vị tướng tài. Tướng Petraeus đồng ý và cho phép cô tháp tùng trong khoảng sáu-bảy chuyến công tác sang Afghanistan để chứng kiến các sinh hoạt của ông và đơn vị, phỏng vấn các sĩ quan trong bộ tham mưu cũng như các cấp chỉ huy ngoài chiến trường.
“Giấu đầu hở đuôi”
Thời gian Broadwell cùng đi với tướng Petraeus đến Afghanistan cũng làm nhiều người dị nghị. Họ cho là ông đã mất cảnh giác và thiếu thận trọng, bỏ quên một số nguyên tắc của chính ông khi giao du và để cho Broadwell làm việc tại bộ Tư lệnh chiến trường Afghanistan.
 |
Ảnh trái: Paula Broadwell đã có chồng và 2 người con. Ảnh phải: Vợ chồng tướng Petraeus và bà Holly đã chung sống cùng nhau được 38 năm và cũng có 2 người con. Ảnh: paulabroadwell.com, getty.com |
Tướng Petraeus vẫn được tiếng là người cẩn trọng về hình ảnh của mình trước công chúng. Ông giới hạn sự tiếp xúc chỉ trong vòng một số nhà báo ít ỏi. Thế nhưng, đối với Broadwell thì ông dường như để hở mọi nguyên tắc cẩn mật của chính mình. Một phụ tá cho biết mối quan hệ ấy đầy vẻ không bình thường về mặt tinh thần cảnh giác an ninh của ông, khi người phụ nữ không vướng qua “bộ lọc” cẩn trọng mà ông luôn đặt ra cả với các phụ tá thân cận.
Tuy nhiên, dù hai người rất gần gũi thân cận, các sĩ quan tham mưu của tướng Petraeus đến nay vẫn nói rằng việc hai người có “tình yêu” với nhau vào lúc đó là điều không ai nghĩ tới. Lý do là vì tướng Petraeus luôn chứng tỏ mình là một người nghiêm cẩn, cao thượng và một là một người yêu quý gia đình. Một sĩ quan cấp dưới của ông nói rằng chưa bao giờ nghe ông bình phẩm một lời về vẻ đẹp hay sức hấp dẫn của một người phụ nữ nào.
 |
Jill Kelly (tứ hai từ phải sang) chụp ảnh chung với vợ chồng tướng Petraeus. Ảnh: bagnewsnotes.com |
Tưởng chừng những hoài nghi về mối quan hệ Petraeus- Broadwell sẽ lùi vào dĩ vãng thì một “nhân tố mới” lại nảy sinh. Vụ việc liên quan đến bà Jill Kelley. Bà là liên lạc viên xã hội thiện nguyện, thường giúp quân đội tổ chức tiếp tân tại căn cứ quân sự ở Tampa - tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh miền Trung Hoa Kỳ và là một người bạn của gia đình ông Petraeus và vợ Holly sau khi tướng Petraeus giữ chức Chỉ huy Trưởng Bộ Tư lệnh miền Trung Hoa Kỳ năm 2008. Vợ chồng bà Jill Kelly là khách mời thường xuyên trong các bữa tiệc do cựu Giám đốc CIA chủ trì. Bản thân bà Jill Kelly và chồng cũng thừa nhận mối quan hệ bạn bè với ông David Petraeus và yêu cầu mọi người tôn trọng sự riêng tư của họ.
Sẽ chẳng có gì quan trọng cho đến khi bà Kelly nhận được hàng loạt thư điện tử nặc danh hăm dọa, có chỗ viết là “Tôi đã biết hết những gì cô làm!”, khiến gia đình bà lo lắng và quyết định phải báo cho FBI bảo vệ và điều tra làm rõ sự việc. Không mấy khó khăn, FBI đã “phanh phui” nguồn gốc thư nặc danh trên, và đó chính là Paula Broadwell !!!. Trong quá trình khai thác email riêng của Broadwell, cơ quan điều tra đã tìm ra những thư từ “đầy mùi mẫn” của người đẹp này với tướng Petraeus.
 |
Vợ chồng tướng Petraeus ngoài đời thường. Ảnh: getty.com |
Đáng lưu ý là phương thức mà tướng Petraeus và Broadwell thể hiện tình cảm đầy chất...tình báo và “mới lạ” khiến dư luận thấy rất "phấn khích" về cách gục ngã của một vị anh hùng trước mỹ nhân này. Hai người liên lạc với nhau bằng tài khoản Gmail giả, đều có mật khẩu của tài khoản này. Đấy là điều bình thường. Tuy nhiên, điểm “độc đáo” là ở chỗ, người này sẽ viết thư cho người kia nhưng thay vì gửi đi, họ lưu lại trong mục thư nháp để người kia đọc được. Đây là phương pháp "giả chết" mà các điệp viên hay làm, họ để lại thông tin tại một hộp thư mật ở địa điểm trung lập, người cần liên lạc sẽ tìm đến, đọc và hủy đi bức thư trước khi để lại tin nhắn mới.
Thế nhưng, Broadwell đã phá vỡ nguyên tắc "tình báo" này, khiến mọi chuyện vỡ lở. Có thể do ghen tuông, Broadwell lại sử dụng chính tài khoản email này để gửi thư nặc danh đe dọa Kelley?!
“Cái kết” cho đời binh nghiệp lẫy lừng
Không có ảnh nóng nào bị phơi bày, nhưng sự việc trên cũng đủ để phá nát sự nghiệp và gia đình của vị tướng 4 sao. Trên cương vị Giám đốc CIA chưa bao lâu, chưa thể hiện được nhiều vai trò đối với cơ quan tình báo này, tướng Petraeus phút chốc biến sự nghiệp hào quang của mình thành một vở kịch đầy bóng tối.
 |
Tổng thống B. Obama đã mất đi một người thân tín sau khi tướng Petraeus từ nhiệm vị trí Giám đốc CIA. Ảnh: AP |
Việc một người đứng đầu cơ quan trung ương lớn như CIA dính vào rắc rối với "mỹ nhân" khiến dư luận Mỹ càng lo ngại về những chuyện xa xôi như lộ bí mật quốc gia, trúng kế người đẹp hay một cuộc sắp xếp có chủ ý từ các đối thủ ẩn danh... Thế nên, đích thân Tổng thống Obama phải lên tiếng về vụ này ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai: "Tôi không thấy bằng chứng nào về việc các thông tin mật bị rò rỉ, gây tác động tiêu cực đến anh ninh quốc gia. Tướng Petraeus có một sự nghiệp lừng lẫy, nhưng theo sự đánh giá của cá nhân mình, ông nhận thấy bản thân không đáp ứng được những chuẩn mực cần thiết của một giám đốc CIA nên ông đã đệ đơn từ chức.”
 |
Tướng Petraeus và cô Broadwell tại văn phòng. Ảnh: paulabroadwell.com |
Cuối tháng 3-2013, trong một bài phát biểu trước giới quân đội ở Los Angeles (Mỹ), tướng Petraeus đã nói lời xin lỗi vì những “sai lầm” dẫn tới việc ông phải từ chức năm ngoái. “Tôi ý thức rõ ràng rằng những gì tôi đã trải qua gần đây là do tự tôi gây ra. Vì vậy, cho phép tôi nhắc lại tôi hối tiếc sâu sắc ra sao và xin lỗi vì gây ra đau đớn cho gia đình, bạn bè và những người ủng hộ tôi. Tôi cam kết sẽ sửa chữa sai lầm với những ai tôi đã làm tổn thương và làm thất vọng”, ông Petraeus mở đầu bài phát biểu. Đây là lần đầu ông phát biểu trước công chúng kể từ khi buộc phải từ nhiệm do vụ bê bối ngoại tình.
Câu chuyện không chỉ dừng lại trên mặt báo chí hay phát ngôn, mà còn nhanh chóng trở thành chủ đề nóng hổi được các chương trình truyền hình khai thác. Bên cạnh đó, các nhà làm phim Hollywood đã có ý định đưa câu chuyện sốt dẻo này lên màn ảnh rộng, nhưng khó khăn về quyền chuyển thể vẫn chưa được giải quyết đã “ngăn bước” họ. Có lẽ, phải chờ cho sự việc mờ đi trong ký ức khán giả rồi họ mới khơi gợi lại vấn đề cho thêm phần hấp dẫn và thi vị.
VĂN HIẾU (Tổng hợp)