Tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, trận mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc làm bờ hữu sông Soài Rạp thuộc địa phận huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) bị sạt lở 216m2. Ngay khi xảy ra sự cố, Ban CHQS huyện Nhà Bè đã điều động 35 cán bộ, chiến sĩ kịp thời có mặt tại hiện trường tiến hành gia cố, khoanh vùng, làm rào chắn, bảo đảm an toàn cho hoạt động dân sinh; đồng thời chủ động rà soát những đoạn bờ sông xung yếu để phòng tránh sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra. Tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, trận mưa lớn, lốc xoáy làm tốc mái nhiều ngôi nhà của người dân. Nhờ chủ động các phương án, 30 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS quận 12 đã kịp thời có mặt hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, ổn định cuộc sống.

Trên đây là hai trong số 11 sự cố thiên tai mà LLVT thành phố triển khai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả) trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai từ đầu năm 2024 đến nay, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

leftcenterrightdel

 LLVT TP Hồ Chí Minh khắc phục hậu quả cây đổ trên đường phố do mưa lớn. Ảnh: HỮU TÂN

Dự báo mùa mưa bão năm nay, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. TP Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao; nhiều công trình tầng hầm, ngầm, cao ốc, cơ sở kinh tế lớn và nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, triều cường, sập đổ công trình, cháy, nổ...

Đại tá Phạm Đức Châu Trần, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trên cơ sở nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, cùng với nhiều biện pháp, chúng tôi chủ động xây dựng phương án, tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn”.

Thực hiện phương châm này, Bộ tư lệnh thành phố đã tham mưu, chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT, tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống; bảo đảm phòng ngừa và khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu khi sự cố xảy ra để giảm thiểu thiệt hại. Từ đầu năm 2024 đến nay, ban chỉ huy các cấp đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập, trọng điểm là diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó bão mạnh kết hợp triều cường, tìm kiếm cứu nạn; tác động của thiên tai gây sự cố rò rỉ hóa chất độc hại, tràn dầu... 

Đặc biệt là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp thành phố vừa được tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7, đã đưa vào vận hành, diễn tập nhiều nội dung liên quan đến công tác này. Thông qua diễn tập, Ban chỉ huy các cấp đã cập nhật, bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch và tổ chức luyện tập thuần thục; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ, năng lực chỉ huy, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong chỉ huy, ứng phó với những loại hình thiên tai, sự cố cụ thể.

Về xây dựng lực lượng tại chỗ, thành phố tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ cấp huyện hơn 10.000 người và lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Các lực lượng được tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực, kiến thức toàn diện, sử dụng thành thạo trang bị kỹ thuật và các phương pháp, phương án cứu hộ, cứu nạn; đồng thời được bảo đảm chế độ, chính sách khi tham gia thực hiện nhiệm vụ. Hiện, thành phố đã xây dựng được hơn 300 đội xung kích PCTT cấp xã với hơn 21.000 người, có phương án tại chỗ sát từng địa bàn. Trường hợp khẩn cấp, thành phố phối hợp huy động tăng cường lực lượng dân quân cơ động, dự bị động viên và lực lượng, phương tiện của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn theo hiệp đồng.

10 năm qua, thành phố đầu tư mua sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng hiện đại sát yêu cầu nhiệm vụ như máy quét thủy âm Sonar, thiết bị thông tin liên lạc dưới nước, ca nô chỉ huy tìm kiếm cứu nạn... Các đơn vị làm tốt việc kiểm kê, bảo dưỡng, vận hành, bảo đảm phương tiện, trang thiết bị đạt hệ số kỹ thuật.

Thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại, từng địa phương có phương án chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống tập kết tại những địa điểm sơ tán, di dời dân, khu vực xảy ra thiên tai, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của nhân dân khi có tình huống. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế cấp xã đều có phương án huy động lực lượng y tế tham gia cứu nạn, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong PCTT. Thành phố tăng cường phối hợp học tập diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó thiên tai; trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Theo Đại tá Phạm Đức Châu Trần, từ thực tiễn nhiệm vụ, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ban, ngành rà soát, bổ sung, quán triệt kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chế, cơ chế, chính sách, định mức sử dụng phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng PCTT và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân...

DUY HIỂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.