“Lần đầu cán bộ, chiến sĩ nhà giàn được đón đoàn nhà báo khá “hùng hậu” của hơn 10 cơ quan báo, đài. Còn gần hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Dần, nhưng với chúng tôi, Tết đã đến từ hôm nay và chúng ta sẽ cùng đón giao thừa”-Thiếu tá Bùi Văn Tài, Chính trị viên Nhà giàn DK1/10 “chào Xuân mới” bằng những lời xúc động như vậy.

“Cầu hàng không” đón khách

Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng B Hải quân vạch một đường theo hình cánh cung trên tấm bản đồ rồi nói với chúng tôi: “Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình từ biển Vũng Tàu đến lô 1/10, điểm xa nhất trong hệ thống Nhà giàn DK1 rồi sau đó sẽ ngược chiều sóng về với Côn Đảo”. Đi cùng đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng B Hải quân là các nhà báo, phóng viên của hơn 10 cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương và các cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ, thay cho đồng đội về đất liền đón Tết. Sau 2 ngày 2 đêm vượt sóng gió cấp 5, cấp 6, tàu HQ 624 được mệnh danh là “chiến mã” của biển Tây Nam, do Đại úy Lê Minh Giang làm thuyền trưởng thả neo tại khu Bãi Cạn. Việc đưa người, hàng hóa từ tàu xuống xuồng rồi vận chuyển lên nhà giàn trong điều kiện sóng to gió lớn hết sức gian nan. Tin từ Bộ chỉ huy Vùng B Hải quân cho hay, hướng thứ nhất đi các nhà giàn ở các bãi Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Ba Kè… trên tàu HQ 609 do sóng quá lớn, nên chỉ đưa các nhà báo lên được một số nhà giàn, khiến chúng tôi lo lắng.

“Cầu hàng không” đưa người, hàng hóa lên nhà giàn.

“Cưỡi” sóng ra đến đây  mà đành đứng từ boong tàu nhìn lên nhà giàn thì tiếc quá. Cuối cùng, trước sự tha thiết và nhiệt huyết của anh em báo chí, cán bộ chiến sĩ nhà giàn đã “phát minh” ra một hình thức hết sức độc đáo, gọi vui là “cầu hàng không”. Chúng tôi xuống xuồng, tiếp cận nhà giàn vào buổi sớm, khi sóng gió có phần nhẹ hơn. Một sợi dây to, dài và đủ chắc chắn được thả từ gác 2 nhà giàn, đầu dây buộc một thanh gỗ. Các chiến sĩ ở xuồng đặt chúng tôi “ngồi” vào thanh gỗ, cài chéo hai chân; hai tay bám chắc vào sợi dây cho 5 chiến sĩ khỏe mạnh kéo lên. Cứ thế, trong một  buổi sáng, các anh đã lần lượt đưa hết cán bộ trong đoàn công tác và hàng hóa lên nhà giàn. Các thùng quà Tết của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ chỉ huy Vùng B hải quân… cùng với lương thực, thực phẩm, nước ngọt, hàng tiêu dùng… đều được bảo quản cẩn thận chuyển lên nhà giàn an toàn.

Tiệc tất niên giữa biển khơi

Một con lợn hơn 70kg, anh em nuôi 8 tháng nay, những “vườn rau” xanh tươi được che chắn kĩ lưỡng trên nóc nhà giàn kết hợp với lương thực, thực phẩm vận chuyển từ đất liền ra, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 cùng các thành viên trong đoàn cùng xắn tay chuẩn bị tiệc tất niên. Không khí vui như hội. Bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cây mai vàng nở hoa rực rỡ, cành đào chúm chím nụ… Căn phòng chỉ huy trên đỉnh nhà giàn trở nên ấm cúng, sang trọng. Chúng tôi cùng kính cẩn dâng hương lên bàn thờ Tổ quốc. Khói hương trầm tỏa lan ngào ngạt.

Tết đã về. Mặt trời lặn xuống biển. Đêm giao thừa chung chiêng sóng gió mây trời. Các cánh cửa nhà giàn được đóng kín, nhưng gió vẫn lùa, rít qua khe cửa tạo nên thứ âm thanh mà những người lính quen gọi là “trời huýt sáo”. Chúng tôi cùng nắm tay múa hát. Xoong, nồi, xô, chậu… và tiếng đàn ghi-ta hòa cùng tiếng “sáo trời” làm nên bản hòa tấu âm nhạc cho các giọng ca giữa biển trời. Thiếu tá Bùi Văn Tài tâm sự: Sau bữa tiệc tất niên và lễ đón “giao thừa” này, một số cán bộ, chiến sĩ sẽ được theo tàu về đất liền đón Tết. Thực hiện nhiệm vụ thay cho các anh là những đồng đội vừa từ đất liền ra. Một đợt ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm. Tất cả cán bộ, chiến sĩ ở đây đều có ít nhất 2 đến 3 lần ra nhà giàn. Thiếu tá Bùi Văn Tài tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị năm 1994 và đã có hơn 10 lần ra nhà giàn. Quanh năm gắn bó với biển trời, điều tế nhị khó nói đối với các anh là việc tìm bạn đời. “Mặc dù lấy vợ muộn, nhưng tôi thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Trong một lần về quê đón Tết, gặp được cô giáo trường làng, thế là yêu và cưới nhau luôn”-Tài chia sẻ. Bây giờ thì vợ chồng anh đã có hai con gái xinh xắn, học giỏi. Cán bộ của đơn vị đã lập gia đình phần lớn đều để vợ con ở quê, mỗi năm về một lần; còn lại đều đang là “lính phòng không”. “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, chỉ huy nhà giàn thay phiên nhau bám sát vị trí trực đài quan sát, trực SSCĐ để tất cả anh em đều được hưởng Tết sớm mang hơi ấm đất liền...

Chưa có đêm nào ngắn mà vui như đêm nay. 24 giờ trôi qua quá nhanh. Một ngày mới lại bắt đầu. Đại tá Trương Công Thế lại phát lệnh cho đoàn rời nhà giàn bằng “cầu hàng không”. Con tàu chồm lên những lớp sóng bạc đầu hướng về Côn Đảo, tiếp tục cuộc hành trình chở mùa Xuân từ đất liền ra hải đảo và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc...

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN