Rằng bấy lâu, truyền thông và nhiều người thế hệ trước vẫn khuyên bảo chúng ta phải đọc thật nhiều sách; đọc càng nhiều càng tốt, vì sách là tri thức nhân loại. Lời khuyên ấy cơ bản là đúng đắn. Thế nhưng, kỳ lạ ở chỗ, không nhiều người góp ý, khuyên chúng ta nên đọc sách thế nào?
Có bận tôi cầm cả chồng sách kinh điển, mang theo trong một kỳ nghỉ. Thấy vậy, một bác cựu chiến binh (CCB) tỏ ý muốn xem qua, rồi nói bâng quơ nhưng hàm ý thật sâu sắc: “Đọc 100 cuốn sách, chưa hẳn đã hay bằng việc hiểu một trang sách. Nếu chỉ đọc để thưởng thức thì tùy hứng, tùy thích, còn đọc để học lại hoàn toàn khác”.
 |
Ảnh minh họa. (Nguồn: baobacgiang.com.vn) |
Người CCB biện minh, thay vì đọc cùng lúc nhiều cuốn sách, tài liệu, chỉ đọc cái đang cần, đang thiếu... thì ấy mới là cái đích của việc đọc. Hay nói cách khác, chẳng ai cấm mỗi người đọc 100 cuốn sách, nhưng sẽ thật quý nếu bạn hiểu từng trang sách của số sách ấy. Có nghĩa là hãy đi từ việc hiểu một trang sách, đến hiểu từng cuốn sách và nhiều cuốn sách. Trong đó, để hiểu từng trang sách bạn cần nắm chắc cả về tư tưởng, nội dung, ngữ nghĩa; tường rõ thủ thuật đặt câu, dùng từ; cách thể hiện dấu phẩy, dấu chấm, ngữ pháp; cách xuống dòng, liên kết đoạn... Đọc tới khi nào hiểu đến tận cùng thì mới chuyển sang trang khác!
Thấy tôi vẻ phân vân, bác CCB nêu lên một ví dụ: Ngày trước, khi chuẩn bị được kết nạp Đảng, thì việc chúng ta tự nguyện viết đơn xin vào Đảng sẽ minh chứng cho điều đó. Có thể chỉ là một trang giấy ngắn gọn, nội dung lá đơn không quá cầu kỳ, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ được viết đi, viết lại rất nhiều lần. Người giới thiệu vào Đảng sẽ luôn yêu cầu: Viết như thế này chưa đạt, phải sửa lại thế này, thế kia... Và cứ thế, lá đơn bạn đã viết sẽ bị can thiệp nhiều chỗ, nhiều lần với sự cẩn trọng của người giới thiệu vào Đảng hoặc bí thư cấp ủy. Cho đến tận khi lá đơn phải đẹp về mẫu mã, hình thức; chữ viết được nắn nót bằng tất cả sự cẩn trọng; câu từ phải đúng, đủ, rõ, vừa tầm mức và nhất là thể hiện được khát vọng vào Đảng để cống hiến bằng động lực mạnh mẽ, động cơ trong sáng... thì mới nhận được sự đồng ý cuối cùng. Và sau nhiều lần viết đơn, cũng chính là cơ hội tốt để mỗi người trải nghiệm, hiểu và thấm ngấm đầy đủ, sâu sắc từng câu chữ, nội dung trong chính lá đơn của mình; nó tạo nên bước chuyển hóa rất lớn trong nhận thức và cả thái độ, hành vi của người xin vào Đảng.
Đọc sách cũng vậy, nếu hời hợt lướt qua thì cái chúng ta thu nhặt chỉ đơn thuần là thông tin, chứ chưa phải là tri thức đúng nghĩa. Hay nói theo cách khác, vì sách là tri thức, nên mục đích của đọc sách không gì khác là tiếp cận, lĩnh hội tri thức; cho nên, nếu chỉ đọc vội, tiếp nhận thông tin hời hợt bên ngoài thì hẳn là chúng ta chưa hề đọc sách. Đây là lý do dẫn đến hiện tượng, có người thật sự là “mọt sách”, nhưng tri thức tích lũy không được nhiều, chưa thực chất. Có người ngồi đâu cũng trích kinh điển, rao giảng triết lý, nhưng cái mà anh ta đúc rút, vận vào cuộc sống để làm người có ích và sống tốt lại không được như những chân lý mà sách mang lại.
Hãy ngẫm thật kỹ về câu chuyện ấy, mới thấy hết triết lý của việc đọc sách. Chúng ta đã đọc bao nhiêu cuốn sách không quan trọng bằng việc đã hiểu bao nhiêu trang sách. Vậy nên, hãy tự ngẫm, tự điều chỉnh lại phương cách đọc sách của chính mình.
NGUYỄN TẤN TUÂN