Chủ trì tọa đàm có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh, phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng định hướng “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”.

Đồng thời, các Nghị quyết đã đề ra các giải pháp cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, “Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết: Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an triển khai xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Quá trình triển khai bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua kết quả xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan và thẩm định của Bộ Tư pháp đều thống nhất cao với tính đầy đủ của các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về sự cần thiết phải ban hành văn bản, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật. Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp cho nội dung dự thảo Luật.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phát biểu tại tọa đàm. 

GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá dự án luật đã chuẩn bị rất sâu sắc và đầy đủ. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, sự nghiệp quốc phòng là sự nghiệp toàn dân nên cần huy động trí tuệ của toàn dân mà không chỉ riêng trong lực lượng vũ trang; cần bổ sung quyền sở hữu trí tuệ của nhiệm vụ khoa học vào trong luật. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh cần ghi rõ “trong và ngoài lực lượng vũ trang được hưởng cơ chế khuyến khích”.

GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý tại tọa đàm. 

PGS, TS Hoàng Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét: “Qua nghiên cứu, chúng tôi rất tâm đắc với các điểm mới tại mục 3, điều 18 về “hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ”, cụ thể như việc “khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, các nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp” tại khoản d, điểm 1; “nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản; làm chủ công nghệ nền giải mã và phát triển công nghệ lõi, các công nghệ chế tạo sản phẩm” tại khoản đ, điểm 2. Điều này nói lên vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị quốc phòng hay thậm chí ở trong và ngoài nước đều cần được huy động, trọng dụng tối đa”.

Toàn cảnh tọa đàm. 

Tại tọa đàm, 12 ý kiến góp ý của các đại biểu đều thống nhất và nhất trí cao sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu kết luận tọa đàm. 

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các ý kiến góp ý tại tọa đàm rất sâu sắc, tập trung vào các nội dung rất quan trọng của Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thượng tướng Phạm Hoài Nam đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp tục cho ý kiến đóng góp gửi về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.