* Đã thông báo cho khoảng 4000 tàu thuyền với 30.000 ngư dân

QĐND - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều qua (30-11), vị trí tâm bão DURIAN ở vào khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 123,6 độ kinh đông, cách phía nam đảo Luzông (Phi-lip-pin) khoảng 240 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 15.
Bão DURIAN mạnh cấp 15 nên mắt bão (chấm đen) nhìn sắc nét (ảnh: VnExpress).

Dự báo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Như vậy, khoảng trưa hôm nay (1-12), bão sẽ vượt qua phía nam đảo Luzông vào khu vực phía đông Biển Đông. Đến 13 giờ chiều nay (1-12), vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 120,3 độ kinh đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 - 350 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 2-12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,3 độ vĩ bắc; 118,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690km về phía đông nam. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km. Do ảnh hưởng của bão, hôm nay (1-12) ở vùng biển phía đông Biển Đông, gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

Các địa phương không có báo cáo về việc chuẩn bị phòng, chống bão Durian sẽ bị kỷ luật

Hôm qua (30-11), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (BCĐPCLBTƯ-UBQGTKCN đã có Công điện khẩn gửi: BCHPCLB -TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và Kiên Giang; BCHPCLB- TKCN một số Bộ, ngành, trong đó yêu cầu: Thông báo vùng nguy hiểm có tọa độ từ vĩ độ 12 đến vĩ độ 17 và từ kinh độ 115 đến giáp quần đảo Phi-líp-pin cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, yêu cầu họ phải thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tàu thuyền ở khu vực khác không được đi vào khu vực này.

Toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển phải nắm ngay số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; số lượng tàu thuyền đang ở trong vùng nguy hiểm (liên lạc được và chưa liên lạc được) để báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện về BCĐ PCBLTƯ. Các địa phương không có báo cáo, BCĐ PCBLTƯsẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kỷ luật theo các mức độ. Bộ Ngoại giao phải có Công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để giúp đỡ ngư dân trú, tránh bão.

Trước đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống cơn bão DURIAN với Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và đại diện nhiều Bộ, ban, ngành có liên quan. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, diễn biến của cơn bão số DURIAN còn phức tạp, hướng đi khó lường vì vậy các địa phương phải trực ban theo dõi, kiểm tra chặt chẽ và chuẩn bị phương án phòng chống bão.

Lực lượng quân đội chuẩn bị sẵn sàng

Để chủ động phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão Durian có thể gây ra, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) đã có công điện cảnh báo bão gửi các tỉnh ven biển. Uỷ ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, phối hợp với Bộ đội biên phòng, Sở Thuỷ sản các tỉnh nắm số lượng tàu, thuyền đánh bắt hải sản và có biện pháp thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ có biện pháp phòng tránh.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các đài thông tin Duyên hải cập nhật thông tin về bão, thường xuyên thông báo cho các chủ tàu, thuyền hoạt động trong khu vực bị ảnh hưởng của bão để kịp thời phòng tránh và chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia TKCN khi có lệnh.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, Bộ Tổng tham mưu đã có điện chỉ đạo các quân chủng, binh chủng và các đơn vị trong vùng bão có khả năng ảnh hưởng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra.; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để thông báo cho chủ các phương tiện làm ăn trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Quân chủng Phòng không-Không quân triển khai lực lượng, máy bay sẵn sàng bay báo bão và TKCN khi có lệnh.

Quân chủng Hải quân tiến hành rà soát toàn bộ các tàu đang hoạt động trên biển trong vùng chịu ảnh hưởng của bão đồng thời sẵn sàng bắn pháo hiệu khi có lệnh; triển khai 9 tàu và các phương tiện khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN, có tàu ứng trực tại các địa bàn trọng điểm.

BTL Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và 4 Hải đoàn biên phòng theo dõi sát diễn biến của bão, đồng thời bổ sung hoàn thiện kế hoạch phòng chống lụt bão, phối hợp với chính quyền địa phương thống kê báo cáo toàn bộ số tàu, thuyền đã vào bờ tránh bão và đang còn hoạt động trên biển; đến sáng 30-11 đã thông báo được hơn 4000 tàu với hơn 30.000 ngư dân hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão.

QUỲNH DƯƠNG- THU THỦY- TTXVN