Dự phiên họp thứ nhất tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban chỉ đạo; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban chỉ đạo...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: QUANG THIỆN

Phiên họp được tổ chức theo hình trực tiếp và trực tuyến kết nối đến 34 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố và hơn 3.300 điểm cầu ở xã, phường trong cả nước. Tại điểm cầu Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chủ trì.

Mở đầu phiên họp, ban tổ chức công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 23-7-2025 về tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vào chiều 19-7 và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Luật Phòng thủ dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) và việc tổ chức hệ thống chính quyền 2 cấp, phiên họp nhằm thống nhất kiện toàn lực lượng, phân công, phân định nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đánh giá kết quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đầu năm 2025 đến nay, phương hướng thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG THIỆN

Tại hội nghị, thay mặt Bộ Quốc phòng, Đại tướng Nguyễn Tân Cương báo cáo làm rõ thêm một số kết quả lãnh đạo công tác phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng năm 2024, những tháng đầu năm 2025. Về phương hướng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Đại tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt việc quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Duy trì nghiêm chế độ ứng trực về phòng thủ dân sự ở các cấp; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình; kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành trực tiếp, trực tuyến về hoạt động phòng thủ dân sự trong mọi trường hợp; tham mưu điều động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục và tìm kiếm, cứu nạn, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Kiện toàn Ban chỉ huy phòng thủ dân sự ở các cấp theo quy định; xây dựng quy chế hoạt động, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, đáp ứng thực tiễn, phù hợp với cơ cấu tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với nâng cao khả năng chống chịu sự cố, thiên tai, thảm họa bảo đảm an toàn cho người dân; kiện toàn tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, thống nhất, đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, huấn luyện, diễn tập; cải tạo nâng cấp hệ thống thao trường huấn luyện, diễn tập cho cơ quan, đơn vị, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; đưa tình huống mới, phức tạp, trang thiết bị vào tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả tai nạn, sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động phòng thủ dân sự, các kỹ năng, ý thức trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với các tình huống tai nạn, sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường. Chủ động hợp tác cùng các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực; làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết về hoạt động phòng thủ dân sự.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG THIỆN

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn hết sức cam go, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất rất lớn.

Từ thực tế trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong hoạt động PTDS phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần. Đặc biệt, trước những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng Quân đội, Công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân. Dẫn chứng nội dung này, Thủ tướng lấy ví dụ, đến chiều 24-7, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ Quốc phòng đã tổ chức 6 chuyến bay với 18 tấn hàng được đưa tới các xã của Nghệ An và các chuyến bay sẽ được tiếp tục.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của toàn thể nhân dân và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ to lớn, kịp thời của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng cho biết, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 25 triệu USD cùng với hơn 220 tấn hàng cứu trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đã huy động nguồn lực xã hội hóa lên tới gần 3 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 sẽ rất phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành thay đổi căn bản về tư duy: Dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm “4 tại chỗ”.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao nhiêm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực PTDS các cấp, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác dự báo; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về PTDS; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành , địa phương xây dựng, triển khai hệ thống tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; tổ chức xây dựng lực lượng PTDS chuyên trách, kiêm nhiệm tinh, gọn, mạnh; đổi mới công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu nhiệm vụ và vùng miền.

SƠN BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.