QĐNĐ Online - Lễ trao giải thưởng “Quả cầu vàng” 2007 dành cho thanh niên có đóng góp to lớn và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ đã được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sáng ngày 16-12.

Trong số 10 thanh niên được vinh danh trong buổi Lễ do có những nghiên cứu, ứng dụng CNTT xuất sắc, có một sỹ quan quân đội. Đó là kỹ sư, Thượng uý Lê Ngọc Tú, chàng trai xứ Nghệ, hiện đang là trợ lý nghiên cứu Viện Công nghệ Thông tin – Trung tâm Khoa học Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn với Thượng uý Lê Ngọc Tú:

Phóng viên: Xin anh cho biết cảm tưởng của mình sau khi nhận được Giải thưởng “Quả cầu vàng”?

Thượng uý Lê Ngọc Tú: Tôi rất vinh dự được làmột trong số 10 tài năng trẻ xuất sắc của Việt Nam năm 2007 trong lĩnh vực CNTT. Mặc dù vậy, tôi cũng cảm thấy mình rất may mắn khi được nhận giải thưởng vì trong quân đội còn có rất nhiều sỹ quan trẻ rất giỏi về CNTT.

Phóng viên: Anh đã có những công trình nghiên cứu, ứng dụng gì để Ban Tổ chức có thể trao giải thưởng cho anh?

Thượng uý Lê Ngọc Tú: Ngoài những nghiên cứu, ứng dụng CNTT phục vụ quân đội trong các năm 2004, 2005 và 2006 như: “Ứng dụng CNTT trong quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu” cho Bộ Tư lệnh Biên phòng, 2 phần mềm thuộc dự án CNTT của Cục Tác chiến, phần mềm lập lịch thi đấu, tính thành tích cho “Giải bắn súng quân dụng 10 nước ASEAN – 2006”. Tôi vừa hoàn thành công trình “Quản lý nhân sự” cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.

Phóng viên: Là một kỹ sư CNTT trẻ, anh có ước mơ và kỳ vọng gì về ngành CNTT cũng còn rất non trẻ của nước nhà?

Thượng uý Lê Ngọc Tú: Hiện nay, Đảng, Nhà nước và Quân đội đang rất quan tâm tới việc phát triển ngành CNTT, đặc biệt là phát triển phần mềm. Theo tôi, CNTT chính là chìa khoá tri thức, đòn bẩy kinh tế, là nhân tố quan trọng trong quá trình CNH và HĐH đất nước. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi mơ ước nước ta sớm trở thành điểm sáng trên bản đồ CNTT thế giới. Tuy nhiên, để đến với thành công trong lĩnh vực CNTT, tôi nghĩ thế hệ trẻ cũng phải nâng cao khả năng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Đơn giản là vì hầu hết các tạp chí, sách, nghiên cứu về CNTT đều được viết bằng tiếng Anh, hơn thế nữa nếu chúng ta muốn xuất khẩu phần mềm thì đương nhiên phải thông thạo ngoại ngữ.

Là một thanh niên, tôi rất tin tưởng vào năng lực và nhiệt huyết của thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng CNTT. Song để trở thành một cường quốc về công nghệ thông tin, cần phải tăng cường hơn nữa đầu tư đào tạo cả chiều rộng và chiều sâu để có được một đội ngũ đông đảo kỹ sư, công nhân có kiến thức, chuyên môn về CNTT.

Phóng viên: Anh vừa đề cập tới nguồn nhân lực CNTT, anh đánh giá như thế nào về đội ngũ CNTT trong quân đội?

Thượng uý Lê Ngọc Tú: Học viện Kỹ thuật Quân sự, một trong một số ít trường của quân đội đào tạo kỹ sư CNTT, hằng năm đều bổ sung những kỹ sư-sỹ quan trẻ cho đội ngũ những người làm CNTT trong quân đội. Thêm vào đó, tôi được biết, Bộ Quốc phòng thường xuyên tuyển dụng những sinh viên giỏi tại các trường đại học dân sự để phục vụ công tác trong quân đội. Vì vậy có thể nói, nguồn nhân lực CNTT trong quân đội rất mạnh, có lẽ không thua kém các ngành khác.

Phóng viên: Theo anh, việc phát triển CNTT trong quân đội có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thượng uý Lê Ngọc Tú: Ở đâu cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Chẳng hạn, là quân nhân chúng tôi sẽ có ít cơ hội giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp dân sự khác. Nhưng bù lại, chúng tôi có môi trường làm việc, nghiên cứu lý tưởng, có tính kỷ luật và chuyên nghiệp cao. Cấp trên luôn khuyến khích, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho chúng tôi, đào tạo và truyền cho chúng tôi những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, giúp chúng tôi trưởng thành rất nhanh. Hơn nữa, hiện nay cấp trên đang dành ưu tiên phát triển ngành CNTT và đội ngũ kỹ sư CNTT nên rất nhiều sỹ quan trẻ chúng tôi được gửi ra nước ngoài học tập. Tôi cũng sẽ là một trong số đó.

Tôi cũng xin nói thêm rằng phần thưởng ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy các cấp, sự đóng góp của các đồng nghiệp và một phần hỗ trợ rất quan trọng từ vợ tôi, người luôn bên cạnh động viên, quán xuyến gia đình để tôi chuyên tâm vào việc nghiên cứu.

Phóng viên: Xin chúc mừng và cảm ơn anh!

Thu Hùng