Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sinh trưởng ở Hải Phòng, có thời gian ông học Cao đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội. Ông viết nhạc, sáng tác bài hát từ năm 16 tuổi và những tác phẩm "đầu tay" được nhiều thanh niên, học sinh đương thời mến mộ. Những năm sau đó, ông lôi cuốn công chúng bằng những nhạc phẩm trữ tình tuyệt diệu, được yêu thích mãi đến nay, như
Thiên Thai, Bến Xuân, Suối Mơ... Đến năm 1943, hướng theo phong trào cách mạng, với các nhạc phẩm sôi động lòng yêu nước, Văn Cao không chỉ thành công về nhạc trữ tình mà cả tráng ca, như các nhạc phẩm
Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Bắc Sơn... Từ năm 1944, Văn Cao trở thành "chiến sĩ Việt Minh".
Trong không khí sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, rất cần một ca khúc cách mạng, cổ vũ, lôi cuốn, mạnh mẽ quần chúng, mang nhịp điệu, tiết tấu của một ca khúc quân hành... Theo hồi ký của nhạc sĩ, vào đầu tháng 10-1944, đồng chí Vũ Đức Quý, trong Ban cán sự Đảng Hà Nội đến gặp ông, đề nghị viết một bài hát cho Trường Quân chính kháng Nhật. Buổi tối, nhạc sĩ đi bộ dọc nhiều phố trung tâm Hà Nội, ven hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến cảnh nhiều người dân lả đi vì nạn đói... Một ý nhạc bật ra, ông về nhà viết ngay được những dòng đầu tiên của bài Tiến quân ca. Nhà của nhạc sĩ lúc đó là căn gác xép của ngôi nhà số 45 phố Mong-rand (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền). Đó cũng chính là nơi ra đời bài hát Tiến quân ca, mà sau này, Quốc hội khóa 1 (Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chọn làm bài Quốc ca.
Bài Tiến Quân ca được công bố trên số báo Độc lập đầu tiên (Cơ quan của Đảng Dân chủ, thành viên của Mặt trận Việt Minh) do chính tác giả kẻ khuôn, viết nhạc lên bản đá để in li-tô tại một cơ sở bí mật thuộc làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Suốt hơn 60 năm qua, bài Tiến quân ca luôn vang vọng, hùng tráng, thiêng liêng trong trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam.
HÀ ANH (sưu tầm)