Thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) là địa bàn có nhiều hồ đập, đặc biệt là hồ Vực Mấu là hồ thuỷ lợi lớn nhất tỉnh này. Khi có lượng mưa lớn và dài ngày, nước từ thượng nguồn đổ về, cộng với hồ đập xả tràn, thị xã Hoàng Mai thường xảy ra ngập lụt cục bộ. Năm 2022, một số địa bàn dọc sông Mai Giang như Quỳnh Thiện, Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Trang bị ngập nặng.

leftcenterrightdel
Lực lượng dân quân thị xã Hoàng Mai gia cố đường giao thông. 

Trung tá Nguyễn Hồng Anh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự (CHQS) thị xã Hoàng Mai cho biết: “Ngay từ đầu năm, Ban CHQS thị xã chủ động xây dựng kiện toàn các kế hoạch liên quan đến chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đơn vị đã tiến hành ký kết phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn như Lữ đoàn 215 (Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp); Đồn Biên phòng Quỳnh Phương; ký kết với các công ty như Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Công ty Tôn Hoa Sen về phối hợp phòng, chống thiên tai. Theo đó, trong trường hợp có mưa lũ xảy ra, lực lượng bộ đội thường trực sẽ phối hợp với các đơn vị này để tăng cường lực lượng, hỗ trợ thêm phương tiện ứng phó”.

Một trong những khó khăn trong hoạt động phòng, chống mưa lũ đó là phương tiện còn thô sơ. Ở thị xã Hoàng Mai hiện nay chỉ mới được cấp 1 chiếc xuồng máy công suất nhỏ, chỉ đủ để thực hiện công tác tuần tra chứ không đáp ứng được nhu cầu để ứng cứu người gặp nạn, chuyên chở đồ dùng tiếp tế. Các phương tiện dùng để hộ đê như máy múc, máy ủi chưa có. Vì thế, tại các phường, xã đã chủ động phối hợp các hộ dân có phương tiện để điều động khi có yêu cầu. 

Được biết, thị xã Hoàng Mai đã chủ động phòng, chống mưa lũ từ rất sớm. Khi tổ chức huấn luyện dân quân, xã phường, Ban CHQS thị xã Hoàng Mai kết hợp với các đơn vị huấn luyện phối hợp với nhân dân tổ chức khơi thông kênh mương; giúp đỡ một số trường học chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ như chằng néo trụ sở trường học, gia cố đường giao thông.

leftcenterrightdel
Ban CHQS thị xã Hoàng Mai giúp các trường học trên địa bàn củng cố cơ sở vật chất. 

Phường Quỳnh Thiện là vùng trũng nhất của thị xã Hoàng Mai, có 9km Quốc lộ 1A đi qua. Khi mưa lớn dài ngày, các hồ đập xả tràn, nước không thoát kịp, địa bàn phường sẽ ngập 0,8-1m, hầu như các đoạn đường không thể lưu thông.

Đồng chí Trần Đăng Chín, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Quỳnh Thiện cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, lực lượng dân quân của 10 khối phố với 133 đồng chí hằng tuần phối hợp với các lực lượng đoàn thể của địa phương tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” vừa làm sạch khối phố vừa khơi thông kênh mương, cống rãnh để chủ động phòng, chống mưa lũ”.

Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có 8 xã nằm dọc theo đê sông Lam, cơ bản là vùng trũng. Khi mưa lớn, nước sông dâng cao, không thoát nước kịp nên gây lũ lụt. Đặc biệt có 4 xã “trọng điểm” ngập lụt: Xã Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Thành, Xuân Lam.

Căn cứ tình hình địa bàn, hằng năm, Ban CHQS huyện tham mưu cho huyện thành lập Ban chỉ đạo, chia theo cụm, mỗi cụm 4 xã, phân công nhiệm vụ cụ thể. Thời gian qua, Ban CHQS huyện Hưng Nguyên thường xuyên rà soát các địa điểm xung yếu như đê kè, cầu cống, các điểm nguy cơ sạt lở. Mới đây, đơn vị đã tổ chức kiểm tra tuyến đê kênh thấp tại xã Hưng Đạo, đã xảy ra vỡ đê trong đêm vào năm 2022.

leftcenterrightdel
Xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên sẵn sàng các phương tiện, vật chất phòng, chống mưa lũ. 

Thượng tá Nguyễn Văn Hướng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hưng Nguyên nói: "Trong năm, huyện Hưng Nguyên đã tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho quân và dân xã Hưng Lợi, thực hành các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên sông, di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt; tập huấn các kỹ năng phòng, chống mưa lũ như lái tàu xuồng cao tốc, sơ cứu người bị nạn”.

Có mặt tại xã Hưng Lợi, chúng tôi thấy trong kho vật chất huấn luyện, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã, các vật chất như xuồng máy, thuyền cứu sinh, áo phao, phao cứu sinh được sắp xếp gọn gàng, chính quy, sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Các phương tiện thường xuyên được bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

Đồng chí Lê Ngọc Lâm, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hưng Lợi cho biết: “Đặc thù của xã có hơn 400 hộ dân sinh sống phía ngoài đê. Tâm lý người dân vẫn là “nước đến chân mới nhảy”, do vậy, cứ đến mùa mưa lũ, khó khăn nhất vẫn là việc vận động tuyên truyền người dân sơ tán. Chúng tôi đã được diễn tập các phương án sát phòng, chống mưa lũ với thực tế địa bàn nên khi có tình huống, các lực lượng sẽ cơ động và xử lý được nhanh”.

leftcenterrightdel
Ban CHQS huyện Hưng Nguyên kiểm tra phương tiện, vật chất phòng, chống mưa lũ. 

Trong những ngày này, thời tiết tại Nghệ An có mưa to, đến rất to. LLVT tỉnh Nghệ An, đặc biệt là bộ đội thường trực, dân quân tự vệ đang phát huy vai trò “tại chỗ” của mình, chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ; kịp thời nắm bắt tình hình, giúp đỡ nhân dân khi có tình huống xảy ra.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.