* Công điện của Thủ tướng Chính phủ

* Quảng Ninh có ít nhất 17 người chết và mất tích, nhiều người bị thương

* Thiệt hại vật chất khoảng 160 tỷ đồng

* Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam gửi lời thăm hỏi và ủng hộ vật chất những người bị nạn

* LLVT tích cực tham gia khắc phục hậu quả

QĐND - Vào lúc 7 giờ sáng ngày 21-11, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã bất ngờ xảy ra một trận dông, lốc mạnh kèm theo mưa đá. Sức gió lên trên cấp 12 làm nhiều cây cối trên các tuyến đường phố bị gãy đổ, nhiều nhà ở, cửa hàng, trụ sở làm việc của các cơ quan bị tốc mái, vỡ cửa kính, nhiều biển quảng cáo và cột điện bị đổ gây mất điện cục bộ ở một số tuyến phố. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, trận dông, mưa đá này làm ít nhất 17 người chết và mất tích (13 người chết, 4 người mất tích).

Đường phố Hạ Long (Quảng Ninh) tràn ngập cây đổ (ảnh: Vnexpress).

Trao đổi bằng điện thoại với phóng viên báo Quân đội nhân dân chiều tối qua (21-11), ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngoài số người chết và mất tích còn có 55 người bị thương, trong đó 21 người bị thương nặng vẫn đang được điều trị tại bệnh viện (nhưng ít khả năng nguy hiểm đến tính mạng). Ông Hòa chưa hết bàng hoàng: lốc chỉ diễn ra trong vòng 15 phút nhưng có sức tàn phá khủng khiếp. Hai cần cẩu, mỗi chiếc nặng mấy trăm tấn còn bị gió vặn rồi quật đổ xuống biển. Hầu hết người chết là do bị lật thuyền khi đang ở trên biển, chỉ có hai người trên bờ (do bị đổ nhà và cần cẩu đổ đè lên người). Cũng theo ông Hòa, hiện chưa thể có kết luận cuối cùng thiệt hại về người bởi Vịnh Hạ Long rất rộng, có nhiều thuyền nhỏ của ngư dân hoạt động.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơn mưa dông kèm mưa đá xảy ra trên địa bàn TP Hạ Long với tốc độ gió lớn (từ 28 đến 35 mét/giây). Mưa đá với những hòn đá đường kính từ 3 đến 5cm. Lốc đã làm đắm tàu du lịch Hải Long QN 1250 khi trên tàu đang có 3 người (tất cả đều là nhân viên nhà tàu, không có khách du lịch). Lực lượng chức năng đã cứu được hai người, hiện một người vẫn mất tích.

Theo Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão Quảng Ninh, đã phát hiện được các xác chết trôi dạt vào bờ ở các khu vực: bến tàu Hòn Gai, Cảng tàu du lịch Bãi Cháy, Sa Tô (phường Cao Xanh), phường Cao Thắng, bến phà Bãi Cháy. Tại phường Hà Khẩu, mưa dông cũng làm đổ một ngôi nhà làm chết một người. Khu vực tổ chức Hội chợ Thương mại Hạ Long lần thứ IX-2006 tại Cung văn hóa lao động Việt-Nhật cũng bị gió lốc làm đổ sập 36 gian hàng, các gian còn lại số thì bị tốc mái, số thì ướt hết hàng hóa. Mưa dông kèm mưa đá, gió lốc đã làm đổ nhiều cây cối trên địa bàn, gây mất điện, ách tắc giao thông, ngập úng trên một số tuyến phố, nhiều thiệt hại về tài sản và hoa màu. Hàng trăm nhà cấp 4 bị tốc mái. Hàng chục tàu, thuyền, mủng của ngư dân hoạt động trên biển bị đắm.

Tại khu vực bến tàu của Công ty cổ phần khách thủy Quảng Ninh, tàu QN 26 đang trên đường chở 20 công nhân của cảng Hải Phòng đi làm việc tại khu vực cảng Cửa Dứa bị gió lốc làm đắm và 4 người bị mất tích. Tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy có một tàu du lịch bị chìm và một người bị kẹt ở bên trong. Tàu du lịch Biển Ngọc nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long thuộc khu vực đảo Ti Tốp đã bị chìm, rất may toàn bộ số hành khách trên tàu đã được chuyển sang tàu khác để vào bờ an toàn. Trong cơn dông, nhiều tàu vận tải chở hàng, vận chuyển than trên vịnh đã bị chìm.
Giàn cẩu tại cảng Cái Lân cũng bị lốc xoáy quật đổ (ảnh: Vnexpress).

Dông, lốc, mưa đá sáng 21-11 đã làm đổ hai cẩu giàn tại bến số 5 và 7, cả hai cẩu 16 tấn tại bến số 1 của Cảng Cái Lân, ước trị giá của 4 cẩu này khoảng 10 triệu USD. Cẩu đổ đã làm chết một công nhân và làm bị thương một công nhân đang vận hành. Theo Ban giám đốc cảng Quảng Ninh, hệ thống cẩu giàn này bị hỏng sẽ khiến cho hoạt động bốc xếp container tại đây sẽ bị ngừng trệ trong thời gian dài. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trục vớt hai cần cẩu bị đổ xuống biển để giải phóng luồng lạch, bởi hai cần cẩu này quá nặng, tỉnh không đủ phương tiện để trục vớt.

Ước tính thiệt hại ban đầu của Quảng Ninh do trận mưa đá, lốc đó gây ra khoảng 160 tỷ đồng (riêng cảng Cái Lân khoảng 130 tỷ đồng). Ngay sau khi xảy ra cơn lốc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long và các ban ngành liên quan huy động người và phương tiện, thiết bị, tập trung tìm kiếm những người mất tích, trục vớt các phương tiện bị đắm, đảm bảo an ninh trật tự, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long hỗ trợ gia đình có người chết và bị thương: 3 triệu đồng/người chết, 800.000đ/người bị thương.

Hiện tượng mưa dông kèm theo mưa đá là do bất ổn định về độ ẩm và do hội tụ dòng chảy gió tây trên cao gây ra. Tuy nhiên, hiện tượng kể trên thường chỉ xảy ra vào đầu mùa hè, dịp tháng 4 tháng 5. Vì thế, trận mưa dông kèm mưa đá xảy ra sáng 21-11 tại Quảng Ninh là hết sức bất thường không thể dự báo trước.

Trước thiệt hại to lớn về người và tài sản của Quảng Ninh, ngày 21-11-2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủy sản; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn; Tổng cục Du lịch…

Công điện viết: Được tin lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 11 năm 2006 trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra lốc xoáy và mưa đá làm 13 người chết và 4 người mất tích, 21 người bị thương, một số tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn.

1. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo việc tìm kiếm số người hiện còn mất tích; tổ chức động viên, thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn.

2. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các cơ quan liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Tổ chức rút kinh nghiệm để phòng, tránh và hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Hôm qua (21-11), Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã gửi tới gia đình các nạn nhân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lời thăm hỏi ân cần và sự cảm thông sâu sắc. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, Ban thường trực gửi tới các gia đình có người bị nạn 2 triệu đồng/người chết hoặc mất tích, 1 triệu đồng/người bị thương để góp phần khắc phục hậu quả.

Hôm qua (21-11), Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện khẩn gửi: Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và TKCN tỉnh Quảng Ninh và BCHPCLB-TKCN các Bộ, ngành: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tổng cục Du lịch yêu cầu triển khai mọi biện pháp để tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa những người bị thương; tổ chức chu đáo việc mai táng những người bị thiệt mạng; hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương; giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về nhà ở để nhanh chóng ổn định chỗ ở; giúp các gia đình có tàu thuyền bị chìm trục vớt để sửa chữa.

Nhận được thông tin về thiệt hại do mưa lốc gây ra, Ủy ban Quốc gia TKCN đã chỉ đạo cơ quan thường trực PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ninh, bộ đội Biên phòng, Quân khu 3, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả. Chiều 21-11, Ủy ban Quốc gia TKCN đã cử đoàn công tác đến hiện trường nắm tình hình, chỉ đạo công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả.

Trung tá Trần Văn Tuất, cán bộ Ban tác huấn, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cho biết: ngay sau khi mưa lốc xảy ra, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân thuộc Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thành phố Hạ Long, Đoàn M70 Hải quân, Hải đội 2 biên phòng, đồn Biên phòng cảng Quảng Ninh, đơn vị Phòng không H13... đã huy động tổng số gần 10 tàu, xuồng tham gia cứu nạn, tìm kiếm người chết, mất tích và khắc phục một số thiệt hại trên bờ.

* Tại tỉnh Phú Thọ, ban CHQS các huyện chỉ đạo lực lượng dân quân cơ động, tại chỗ của các xã khẩn trương cùng chính quyền địa phương giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; thu dọn các công trình bị hư hỏng, cây đổ gây cản trở giao thông…

* Hôm qua (21-11), mưa đá cũng đã xuất hiện tại Hải Phòng và Hải Dương. Tại Hải Phòng, mưa đá xuất hiện trên diện hẹp tại khu vực phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên và phường Máy Chai, quận Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng). Người dân ở khu vực này cho biết: khoảng hơn 6 giờ sáng, trời bỗng tối sầm lại và kèm theo mưa rất to. Ít phút sau, bắt đầu xuất hiện mưa đá. Những hạt mưa to bằng hoặc nhỏ hơn ngón tay cái. Do thời gian mưa đá ngắn (khoảng 10 phút) nên không gây thiệt hại gì.

Từ lúc 17 giờ 40 phút đến 18 giờ ngày 21-11, tại thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) và các vùng lân cận đã xuất hiện mưa đá. Mưa đá ở đây diễn ra dồn dập với lượng đá khá lớn, đá rơi trắng đường, có những hạt đá to tới vài cm. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, thiệt hại do mưa đá, lốc ngày 19-11 xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau: 30 nhà bị tốc mái; 207ha hoa màu bị hư hại; 31 cột điện hạ thế bị đổ; 42 tấn chè bị ướt... Tổng thiệt hại ước tính 1,5 tỷ đồng. Thiệt hại do lốc xoáy xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong hai ngày 19 và 20-11 là: 22 nhà dân bị tốc mái, 13ha lúa và 22,5ha hoa màu bị hư hại thuộc huyện Ba Bể và Ngân Sơn; 80% nhà dân thuộc 3 bản Mạ, Khuổi Đàm, Là Cà, thuộc xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn bị tốc mái.

QUANG PHƯƠNG, ANH QUÂN và TTXVN