"Luỹ thép" trước mưa bom, bão đạn
Phần thứ hai của Hội thảo với chủ đề "Vai trò của Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Trong kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh kiên cường đánh trả nhiều cuộc tập kích phá hoại của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương và làm tròn nghĩa vụ huy động sức người, sức của chi viện cho các chiến trường. Trình bày tham luận "Phát huy kinh nghiệm xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước" đồng chí Nguyễn Đình Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: "Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là hậu phương trực tiếp của chiến trường Bình - Trị - Thiên, Khu 5, Bắc Tây Nguyên và Trung - Hạ Lào, vừa giữ vai trò “tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa”. Với vị trí chiến lược quan trọng, Hà Tĩnh trở thành địa bàn bị địch đánh phá ác liệt. Quân và dân Hà Tĩnh đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng vạn người con ưu tú của Hà Tĩnh đã xung phong ra tiền tuyến. Quân và dân Hà Tĩnh bám trụ quê hương, kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, chi viện đắc lực cho các chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm về xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, tập trung tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là trong các tầng lớp nhân dân. Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh; tiếp tục củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các địa phương nước bạn Lào; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện để doanh nghiệp, sản phẩm của Hà Tĩnh vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bản thiên anh hùng ca về chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh, là một trong những trang sử vàng chói lọi, hào hùng nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của con người Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến này, công tác hậu cần, kỹ thuật của Quân khu 4 đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sức mạnh và khả năng chiến đấu của quân đội, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đại tá Phan Gia Thuận, Chính uỷ Cục Hậu cần - Kỹ thuật phân tích để làm rõ vấn đề này qua tham luận “Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
    |
 |
Đại tá Phan Gia Thuận, Chính ủy Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 4 phát biểu. |
Đại tá Phan Gia Thuận, Chính ủy Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 4 khẳng định: Sự lớn mạnh, trưởng thành và phục vụ hiệu quả của ngành Hậu cần Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm, Quân khu 4 đã tổ chức sản xuất tại chỗ với việc phát triển các vùng lúa, hoa màu, chăn nuôi; vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm; thiết lập hệ thống thu mua, dự trữ và phân phối; xây dựng các “vùng lương thực” ở hậu phương. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, hình thành các mô hình vườn rau, ao cá, con gà, hũ gạo, bó củi dự trữ ở từng gia đình. Đối với công tác bảo đảm quân trang, quân dụng, Quân khu 4 đã tổ chức sản xuất tại các xưởng may, xưởng giày; huy động sản xuất từ các cơ sở dân sự; tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ; khuyến khích tái sử dụng, sửa chữa.
Ngành quân y Quân khu 4 trong giai đoạn này có sự phát triển mạnh cả về quy mô, lực lượng, cường độ hoạt động. Đáng chú ý, Bệnh viện Quân y 4 từ quy mô 400 giường bệnh đã chuyển thành bệnh viện hậu phương thời chiến có quy mô hơn 500 giường, có lúc đến 700-800 giường.
Một thành tựu quan trọng khác trong giai đoạn này là việc hoàn thành tuyến đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.000km từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường do Cục Xăng dầu và Đoàn 559 thi công. Nhiều tuyến đường ống được thi công vượt qua các địa bàn của Quân khu 4. Nhờ đó, đã cấp phát được gần 7.500 tấn xăng dầu, bảo đảm cho mọi hoạt động của tuyến chiến lược. Về công tác bảo đảm kỹ thuật, Quân khu 4 đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản vũ khí từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa; tổ chức sản xuất vũ khí, đạn dược tại chỗ… bảo đảm cung cấp kịp thời cho các đơn vị chiến đấu ở các chiến trường… Đại tá Phan Gia Thuận cũng đã đề cập đến những giải pháp xây dựng ngành Hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Bình, sự chỉ đạo của Quân khu 4, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã mở nhiều tuyến đường quan trọng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men cho chiến trường miền Nam, đóng góp thiết thực cho cách mạng. Cùng với đó, hàng nghìn người con ưu tú của quê hương Quảng Bình cũng lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần vào Đại thắng Mùa xuân 1975.
Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, người con của quê hương Quảng Bình đã đem đến Hội thảo những câu chuyện sinh động của quân và dân tỉnh Quảng Bình những ngày kháng chiến chống Mỹ.
Những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ Quảng Bình, sự chỉ đạo của Quân khu 4, của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân tỉnh Quảng Bình - tuyến đầu của Quân khu 4, đã mở ba tuyến đường - có tuyến là thí nghiệm. Đó là tuyến đường bộ từ Tây Nam huyện Lệ Thuỷ vào Làng Ho - Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 và chuyển hàng chục tấn hàng vào đây để Bộ đội Đoàn 559 chuyển tiếp vào Trị - Thiên, Quân khu 5. Đó là tuyến đường biển, xuất phát từ thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch chở vũ khí, thuốc men vào Nam Trung Bộ nhưng không thành, để lại những bài học quí báu, xương máu cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục mở đường Hồ Chí Minh trên biển thắng lợi. Đó là đường hàng không với chuyến bay thử nghiệm lấy hàng từ sân bay Đồng Hới đẩy hàng xuống đúng địa điểm Tây Nam huyện Lệ Thuỷ thành công.
Cùng với công việc mở những tuyến đường huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, và đưa các đơn vị bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, hàng trăm, hàng ngàn những người con trai khoẻ mạnh, yêu quí của quê hương Quảng Bình được lựa chọn từ các đơn vị bộ đội Quân khu 4 dự huấn luyện đi B bổ sung, chi viện cho chiến trường Trị - Thiên góp phần quan trọng hình thành và phát triển lực lượng Quân giải phóng tại Chiến trường Trị - Thiên làm nên những chiến công vang dội, mà điển hình là chiếm giữ Thành phố Huế 26 ngày đêm trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 và Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26-3.
Những mẩu chuyện của Thiếu tướng Phan Khắc Hải là những mảnh ghép đầu tiên, tuy chưa đầy đủ, của một bức tranh hoành tráng, chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Quân khu 4 anh hùng nhưng cũng đã góp phần nói lên quyết tâm, tình cảm của quân và dân tỉnh Quảng Bình: Hậu phương vững chắc của chiến trường Trị - Thiên khói lửa.
* Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Ngự Bình (Sư đoàn 324) là đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc, gắn liền với những trận đánh vang dội trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Đại tá Nguyễn Văn An, Chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4 trình bày tham luận với chủ đề “Đoàn Ngự Bình anh hùng với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
    |
 |
Đại tá Nguyễn Văn An, Chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4 trình bày tham luận với chủ đề “Đoàn Ngự Bình anh hùng với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. |
Từ năm 1966 - 1975, Sư đoàn 324 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cơ động chiến đấu ở chiến trường miền Nam; là đơn vị đầu tiên của Quân khu 4 tham gia mở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh và từ đó liên tục hoạt động trên các chiến trường Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên với hơn 3.500 trận lớn nhỏ, trong đó có nhiều chiến thắng vang dội, tiêu biểu.
Trận đánh A Bia (năm 1969) làm chấn động nước Mỹ, chiến thắng đã đi vào trang sử vàng truyền thống đầu tiên của Sư đoàn và là mốc son mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế 3 vùng chiến lược sau Xuân Mậu Thân 1968.
Trận đánh cao điểm 935 (năm 1970) là một trong những chiến thắng vang dội của Sư đoàn được ví như một trận Điện Biện Phủ thu nhỏ. Lần đầu tiên trên chiến trường Trị Thiên, một căn cứ Mỹ cấp tiểu đoàn được xây dựng kiên cố trên điểm cao đã bị Sư đoàn 324 tiêu diệt, (1.700 tên địch, băn rơi 97 máy bay và phá hủy 16 khâu pháo các loại...)
Tiếp nối thắng lợi đó, Sư đoàn 324 đã giành được thắng lợi to lớn ở Coóc Bai với 61 ngày đêm liên tục chiến đấu, đã đánh 205 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt hơn 2.000 tên Mỹ - nguỵ, bắn rơi 92 máy bay, phá huỷ 14 khẩu pháo, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 ngụy quân.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Sư đoàn đã góp công lớn tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên địch trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng...
Với những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác, qua đó góp phần xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung dũng, kiên cường, liên tục tiến công, đoàn kết, chiến thắng”.
* Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào, nguyên chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trong kháng chiến đã cùng đơn vị chốt giữ cao điểm 595, tiêu diệt 205 tên địch. Riêng đồng chí Trần Hữu Bào tiêu diệt 78 tên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đường tiếp tế và hạn chế máy bay vận tải của địch xuống sân bay Tà Cơn. Tại hội thảo, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân chia sẻ kỷ niệm sâu sắc nhất của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua những câu chuyện chiến đấu kiên cường, quả cảm đã làm nổi bật những chiến công của quân và dân Quân khu 4.
    |
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào kể chuyện chiến đấu. |
Phát huy giá trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trải qua các giai đoạn lịch sử hào hùng, Quân khu 4 không chỉ là một chiến trường ác liệt mà còn là biểu tượng sáng ngời của tinh thần kiên cường, ý chí bất khuất và sự đoàn kết quân - dân bền chặt. Những giá trị lịch sử, truyền thống quý báu ấy không chỉ thuộc về quá khứ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong hiện tại và tương lai. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc phát huy những bài học lịch sử, vận dụng sáng tạo truyền thống của Quân khu 4 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một yêu cầu tất yếu. Ở phần 3, các tham luận của các đại biểu đã phân tích sâu sắc về nội dung này.
Đồng chí Đặng Quốc Vũ, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, trình bày tham luận "Phát huy giá trị Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ" Tại Hội thảo đồng chí Đặng Quốc Vũ, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng mong muốn các công trình, di tích lịch sử - văn hóa sẽ trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Theo đồng chí Đặng Quốc Vũ để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, Ban quản lý các Khu di tích lịch sử - văn hóa cần tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cho viên chức, người lao động trong công tác phục vụ, đón tiếp, hướng dẫn du khách về dâng hương, tưởng niệm và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại Khu di tích…
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua hành trình đến với địa chỉ đỏ đặc biệt là tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, từ đó giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn và đầy đủ để tự nguyện, tự giác hành hương và tham gia các hoạt động tại Khu di tích, tạo sự lan tỏa tới đông đảo các tầng lớp thanh thiếu nhi và cộng đồng xã hội.
Đồng chí Đặng Quốc Vũ mong muốn các Ban, bộ, ngành tăng cường tham mưu, xây dựng các chính sách, các thiết chế cho địa chỉ đỏ nói chung và Khu di tích nói riêng để phát huy vai trò, ý nghĩa của địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi; tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa triển khai duy tu, bảo dưỡng các công trình tại Khu di tích, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu tại Khu di tích để mỗi lần thế hệ trẻ đến với Khu di tích sẽ được trải nghiệm một hành trình ấn tượng, hấp dẫn, sinh động, thu hút, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Sau 4 tháng chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học “Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc” đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Hội thảo nhận được gần 50 tham luận tâm huyết, khoa học của lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên địa bàn; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu khoa học, công phu, làm sáng tỏ vai trò to lớn, những đóng góp quan trọng của quân và dân Quân khu 4 trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hội thảo khẳng định, Quân khu 4 có vị trí địa lý, chính trị, quân sự đặc biệt quan trọng, là địa bàn chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 vừa là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam. Đây là vùng đất gánh trên vai trọng trách nặng nề với hai đầu đất nước nhưng cũng đầy vinh quang: Chi viện sức người, sức của cho chiến trường, đồng thời trực tiếp đối đầu với những trận đánh ác liệt do kẻ thù leo thang phá hoại.
Kết luận Hội thảo, Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 khẳng định: Với vị trí địa chính trị đặc biệt, Quân khu 4 là “cánh cửa thép” bảo vệ hậu phương miền Bắc, là hành lang huyết mạch kết nối Bắc - Nam, nơi vận chuyển binh lực, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong những năm kháng chiến, kẻ thù hiểu rõ vai trò của Quân khu 4, vì vậy đã tập trung đánh phá ác liệt, đặc biệt là các trọng điểm giao thông, kho tàng, bến cảng và các cơ sở sản xuất. Đặc khu Vĩnh Linh, tuyến lửa Quảng Bình, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng… trở thành những địa danh huyền thoại gắn liền với sự kiên cường, bất khuất của quân và dân Quân khu 4 trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Quân khu 4 đã phát huy truyền thống cách mạng, kiên trì bám trụ, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa chi viện tối đa cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn Quân khu đã huy động hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục vạn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hàng vạn con em ưu tú đã lên đường chiến đấu, và rất nhiều người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Hội thảo cũng làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng LLVT Quân khu 4 vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân. Trước những đòn đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ, LLVT Quân khu 4 đã tổ chức phòng thủ vững chắc, bảo vệ hậu phương miền Bắc, đồng thời tích cực đánh địch, bảo đảm cho tuyến chi viện chiến lược được thông suốt. Các đơn vị phòng không, pháo binh, bộ binh, dân quân tự vệ của Quân khu 4 đã lập nên nhiều chiến công vang dội, bắn rơi hàng nghìn máy bay địch, bảo vệ an toàn các tuyến đường huyết mạch chi viện cho các chiến trường.
Cùng với những nội dung trên, Hội thảo cũng làm rõ những bài học nghệ thuật quân sự đặc sắc mà quân và dân Quân khu 4 đã vận dụng trong chiến tranh nhân dân. Đó là nghệ thuật kết hợp tiến công và phòng ngự, tạo thế trận liên hoàn giữa quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Ngay trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Quân khu 4 vẫn giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tổ chức lực lượng phòng không ba thứ quân, thực hiện chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh”, vừa chiến đấu bảo vệ địa bàn, vừa chủ động tiến công tiêu diệt địch, làm thất bại các âm mưu chiến tranh phá hoại của Mỹ. Những trận đánh tại Vĩnh Linh, Đường 9 - Nam Lào, Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, cùng các trận địa pháo cao xạ bảo vệ tuyến chi viện chiến lược đã khẳng định vai trò to lớn của Quân khu 4 trong thế trận chung của cả nước.
Hội thảo cũng khẳng định vai trò đặc biệt của Quân khu 4 trong xây dựng hậu phương vững chắc, bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Phát huy tinh thần đoàn kết quân dân, Quân và dân Khu 4 đã huy động cao nhất sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả công tác tuyển quân, huấn luyện, bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong những thời điểm cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Các tham luận cũng thống nhất khẳng định rằng, từ thực tiễn lịch sử đấu tranh của Quân khu 4, những bài học về tổ chức lực lượng và chỉ huy tác chiến; sự kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân - bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thời kỳ mới, nhất là khi Trung ương quyết định điều chỉnh tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và địa giới hành chính trong cả nước. Theo đó, thế bố trí quốc phòng, tổ chức Quân đội, trọng tâm là tổ chức quân sự địa phương của Quân khu 4 cần được nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Hội thảo cũng chỉ ra rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và những thách thức an ninh phi truyền thống, Quân khu 4 cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tác chiến điện tử, xây dựng LLVT thích ứng với chiến tranh hiện đại.
Từ những bài học rút ra, hội thảo nhấn mạnh trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc phát huy truyền thống anh hùng của quân và dân Quân khu 4, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Nội dung, thông điệp, ý nghĩa, bài học từ Hội thảo khoa học hôm nay chính là chất liệu, nguồn cảm hứng để Quân khu 4, Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí tiếp tục khai thác, sử dụng, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trong thời gian tới, nhất là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 4 (15-10-1945 / 15-10-2025). Đây cũng chính là nguồn tư liệu quý giúp các cơ quan, đơn vị của Quân khu đẩy mạnh giáo dục truyền thống, xây dựng tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ.