Kính thưa đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; các đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể các đồng chí!
Trong niềm vui, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2019, hôm nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (QUTƯ, BQP), Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn và trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Binh đoàn 12, Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
QUTƯ, BQP trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến; các đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí đã tới dự buổi lễ trọng thể hôm nay.
 |
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đọc diễn văn kỷ niệm. |
Trong giờ phút trang trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu-Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu nơi tuyến lửa vô cùng ác liệt Trường Sơn.
Chúng ta xúc động tưởng nhớ và mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của hàng vạn người con ưu tú, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
Chúng ta trân trọng tri ân công lao của các cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến cùng nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã đổ bao mồ hôi, xương máu để cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện cho được khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước; mãi mãi khắc ghi công ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh thành, nuôi dưỡng những người con ưu tú, anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên những chiến công xuất sắc của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Chúng ta xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế đã giúp đỡ chí nghĩa, chí tình đối với quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh nói riêng.
Kính thưa các đồng chí!
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mặc dù phải đương đầu, đối phó với nhiều kẻ thù hung bạo với vũ khí trang bị mạnh hơn ta, song nhân dân ta đã anh dũng, bất khuất, kiên cường, đoàn kết chiến đấu, lập nên nhiều kỳ tích, thắng lợi vĩ đại mang tầm vóc thời đại. Trong đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta, một kỳ tích của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hòa bình, độc lập và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, thực hiện dã tâm xâm lược, thiết lập chính quyền tay sai, ra sức đàn áp, tàn sát nhân dân và lực lượng kháng chiến, áp đặt chế độ thống trị bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Cách mạng miền Nam chịu những tổn thất hết sức nặng nề và đứng trước muôn vàn khó khăn. Quân và dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” luôn một lòng, một dạ hướng về Đảng, Bác Hồ, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), tiếp tục đấu tranh anh dũng, kiên cường, bền bỉ chống xâm lược, chia cắt đất nước của đế quốc Mỹ.
Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, nhằm bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để đáp ứng nhu cầu chi viện nhân tài, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt chính thức được Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559; sau này được đổi tên thành Bộ tư lệnh 559, rồi Bộ tư lệnh Trường Sơn.
Ngày 19-5-1959 đã trở thành mốc quan trọng, đánh dấu mở đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, đồng thời là Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Trong 16 năm hoạt động, Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; Đường Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng vươn sâu đến các mặt trận, các chiến trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược từ miền Bắc XHCN vào miền Nam ruột thịt và cho cách mạng Lào, Campuchia.
Từ những đường mòn nhỏ hẹp ở Đông Trường Sơn, chỉ sau 5 năm hoạt động, Đoàn 559 cùng các đơn vị vũ trang, TNXP, dân công hỏa tuyến đã xây dựng được tuyến hành lang vận tải, với tổng chiều dài gần 2.000km, gồm đường cơ giới, đường gùi thồ, đường giao liên và đường sông, hoạt động ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn xa tới Lộc Ninh (Bình Phước), gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, với tổng chiều dài gần 17.000km đường xe cơ giới, trên 3.000km đường giao liên, gần 1.400km đường ống dẫn xăng dầu; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… tạo thành một thế trận đường chiến lược xuyên Bắc-Nam, đi qua các nước bạn Lào, Campuchia, vươn tới các chiến trường, các địa phương một cách liên hoàn, đồng bộ, thông suốt, bắt kịp thời cơ “thần tốc” mở đường, đáp ứng yêu cầu vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam.
Khởi đầu từ Tiểu đoàn giao liên vận tải bộ 301-đơn vị vận tải bí mật, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, quy mô nhỏ, với lực lượng gần 500 cán bộ, chiến sĩ. Sau hai năm, Đoàn 559 đã phát triển thành lực lượng tương đương cấp sư đoàn, với quân số 6.000 người; sau 6 năm phát triển thành lực lượng tương đương cấp quân khu. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn phát triển lên đến gần 12 vạn người, với sự đa dạng về thành phần lực lượng, được tổ chức thành nhiều trung đoàn, sư đoàn binh chủng và các cục nghiệp vụ.
Từ phương thức hoạt động phòng tránh bị động, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tiến tới phòng tránh tích cực với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Từ vận tải chủ yếu vào ban đêm để tránh địch phát hiện, đánh phá, Bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang vận chuyển cả ban ngày trên hàng nghìn ki-lô-mét “đường kín”, được bao bọc bởi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ-Đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Bộ đội Trường Sơn.
Kính thưa các đồng chí!
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện, căn cứ chiến lược mà còn là một hướng chiến trường trọng yếu, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Từ năm 1959 đến năm 1975, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng trăm phương nghìn kế hòng cắt đứt tuyến đường, chia cắt hậu phương và các chiến trường. Chúng đã biến Trường Sơn thành trọng điểm đánh phá, là chiến trường thực nghiệm các chiến lược như “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh hóa học”, với đủ loại vũ khí, thiết bị, phương tiện chiến tranh tối tân. Đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã phải hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, cùng hàng chục triệu lít chất độc hóa học do địch trút xuống. Hơn thế nữa, Mỹ-ngụy còn huy động số lượng lớn binh lực và phương tiện chiến tranh, tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Vừa đối phó với kẻ thù, Bộ đội Trường Sơn vừa phải đối mặt với địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với những ngày “nắng như đổ lửa”, “mưa như trút nước” trên núi rừng Trường Sơn; đối mặt với những trận sốt rét kéo dài trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Sự khốc liệt, gian khổ, ác liệt, hy sinh đối với Bộ đội Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh là không kể xiết.
Nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là QUTƯ, BQP; được sự đùm bọc, chở che của nhân dân cả nước và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả, thiêng liêng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa trực tiếp tổ chức mở đường, sửa đường, bảo đảm giao thông, vận tải, đánh địch tại chỗ, vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường thực hiện nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt hàng vạn tên địch, bắn rơi hàng nghìn máy bay, phá hủy khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, bảo đảm cho Đường Hồ Chí Minh ngày càng “vươn sâu, vươn xa” tới các mặt trận, các chiến trường. Nhờ đó, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam hơn 1,5 triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men, và hơn 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào ra chiến trường miền Nam và các mặt trận.
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng với quân, dân cả nước làm nên những chiến thắng oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9-Nam Lào. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng bảo đảm đưa các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của ta vào chiến trường để làm nên Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, là hậu phương trực tiếp, căn cứ của chiến trường miền Nam Việt Nam, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh còn đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia. Cũng trong quá trình ấy, nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng các nước bạn Lào, Campuchia đã hết lòng giúp đỡ, đùm bọc và sát cánh cùng bộ đội Việt Nam anh dũng chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ tuyến đường, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt để ba nước cùng vui chung niềm vui toàn thắng.
Kính thưa các đồng chí!
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là đỉnh cao của nghệ thuật chi viện chiến lược trong chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc; là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; đồng thời, là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết thủy chung, trong sáng giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.
Chiến công của Bộ đội Trường Sơn cùng hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã làm cho Đường Hồ Chí Minh trở nên huyền thoại, là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Huyền thoại đó được viết nên bằng xương máu của hơn 2 vạn liệt sĩ, hơn 3 vạn thương binh, cùng mồ hôi, công sức, tuổi thanh xuân của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn.
Hôm nay, mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần khi phải mang trong mình di chứng chất độc da cam, bởi hậu quả cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên ở Việt Nam. Những cống hiến, hy sinh của Bộ đội Trường Sơn là không gì có thể bù đắp được. Đúng như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Những cống hiến lớn lao, hy sinh cao cả của Bộ đội Trường Sơn thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi công những người lính Trường Sơn cùng biết bao TNXP, dân công gái trai, các văn nghệ sĩ… đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của Đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh Mỹ”.
Với những chiến thắng vẻ vang, những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn xứng đáng được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
QUTƯ, BQP và cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn trân trọng, ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; mãi mãi tự hào và không ngừng phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong thời kỳ mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được.
Kính thưa các đồng chí!
Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bước vào giai đoạn mới, Đường Hồ Chí Minh lại mang trong mình trọng trách mới vô cùng lớn lao đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đầu tư xây dựng xa lộ-Đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3.000km từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).
Đến nay, sau gần 20 năm xây dựng, Đường Hồ Chí Minh đã to đẹp hơn, hiện đại hơn, trở thành con đường hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, con đường đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, đồng thời là con đường hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Trong tương lai, Đường Hồ Chí Minh sẽ ngày càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thưa các đồng chí!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, QUTƯ, BQP giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh. Tháng 10-1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng của Bộ đội Trường Sơn.
Những năm đầu, nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn 12 là xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn, góp phần quy hoạch lại dân cư, phát triển kinh tế các địa phương. Trên đất bạn Lào, một số đơn vị thuộc binh đoàn đã xây dựng cơ bản hàng chục tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét và một số công trình kinh tế, văn hóa, xã hội; vận chuyển giúp bạn hàng nghìn tấn lương thực. Ở trong nước, Binh đoàn 12 đã thi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đầu năm 1989, theo quyết định của Nhà nước và BQP, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải. Từ đây, cùng với phiên hiệu Binh đoàn 12, đơn vị còn mang tên Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đứng trước những khó khăn, thử thách trong sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường. Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã vượt qua khó khăn, thử thách, duy trì sự ổn định và phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Trải qua 30 năm xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, tự hạch toán kinh doanh, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trở thành một trong những doanh nghiệp lớn, có thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, sân bay, bến cảng, khắc phục bom mìn, vật nổ; có đủ năng lực xây dựng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn trong nước và quốc tế.
Với thành tích xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng thời kỳ đổi mới, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và nhiều tập thể, cá nhân thuộc Binh đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Đặc biệt, tại buổi lễ trọng thể này, Binh đoàn 12 vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận thành tích đóng góp và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là QUTƯ, BQP đối với binh đoàn trong những năm qua.
Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới. QUTƯ, BQP yêu cầu Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cần nhận rõ vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn; nêu cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; tích cực đầu tư, xây dựng nguồn lực con người, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đổi mới cơ chế quản lý để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Binh đoàn 12 ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Nhân dịp này, QUTƯ, BQP trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và sự giúp đỡ to lớn của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói riêng.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Diễn văn kỷ niệm do Thượng tướng PHAN VĂN GIANG đọc tại buổi lễ
--------------------
(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân.