Dự buổi làm việc có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ngài Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và Thượng tướng Lê Huy Vịnh; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc duyệt Đội danh dự của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Ảnh: TUẤN HUY 

Sau khi tham quan khu trưng bày các sản phẩm khoa học, công nghệ tiêu biểu và trồng cây lưu niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã nghe lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga báo cáo một số kết quả nổi bật của trung tâm trong những năm gần đây, phương hướng trong thời gian tới. Theo đó, trong những năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học trên các hướng như: Sinh thái nhiệt đới, độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: TUẤN HUY
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học, công nghệ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Ảnh: TUẤN HUY

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga. Ảnh: TUẤN HUY 

Đặc biệt, trung tâm đã đưa các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại do Chính phủ Liên bang Nga tài trợ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả tại các địa phương. Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng của trung tâm có tính cấp thiết, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh tổng hợp của hai nước, chống lại các nguy cơ về hóa học, y sinh học, phát triển các giải pháp y tế, giảm thiểu hậu quả của thảm họa nhân tạo, duy trì hoạt động, kéo dài tuổi thọ của các trang thiết bị và nâng cao sức khỏe nghề nghiệp cho quân nhân trong điều kiện lao động đặc thù.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi đến thăm, làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Ảnh: TUẤN HUY

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trải qua hơn 33 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, cùng sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc. Năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ được nâng cao, hoạt động khoa học, công nghệ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, hiệu quả; công tác xây dựng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành được coi trọng. Trung tâm đã thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ. Công tác đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trung tâm đã nghiên cứu thành công và được Bộ Y tế công nhận quy trình xét nghiệm SAR-CoV2.

Ngài Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TUẤN HUY

Đồng chí Chủ tịch nước khẳng định, những kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã đóng góp quan trọng vào phát triển khoa học, công nghệ nói chung, khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự nói riêng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Liên bang Nga. Những kết quả to lớn này cũng góp phần tích cực vào sự củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, sâu sắc, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

 Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: TUẤN HUY

Để Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiếp tục phát triển đúng hướng, trở thành cơ sở khoa học, công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới, có khả năng tham gia và triển khai các chương trình khoa học trọng điểm của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, tiếp tục là địa chỉ tin cậy trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trung tâm cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại và phát triển khoa học, công nghệ của Đảng, Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Ủy ban Phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Cùng với đó, trung tâm cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn hoạt động của trung tâm với công tác kỹ thuật của quân đội; huy động, mở rộng sự tham gia của các trường đại học, tổ chức khoa học, công nghệ chuyên gia hàng đầu của Nga trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của Việt Nam, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa hai nước. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu; phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, các lĩnh vực trung tâm có thế mạnh, tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu tổng hợp sinh thái, môi trường biển, nghiên cứu nâng cao độ bền nhiệt đới các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới, các thách thức an ninh phi truyền thống...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cán bộ, nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Ảnh: TUẤN HUY

Cùng với yêu cầu phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ trong giai đoạn mới, nhất là thời cơ, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cần đầu tư, xây dựng các công trình, các trạm quan trắc sinh thái, phòng thí nghiệm mới với những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; tăng cường hợp tác nghiên cứu, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ, phát huy lợi thế hợp tác trực tiếp và cầu nối giữa các đơn vị, tổ chức khoa học, công nghệ và sản xuất của Việt Nam, Liên bang Nga và các nước khác; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhiệt đới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cần phải được tiếp tục xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả; có kế hoạch đào tạo, thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là nguồn đào tạo từ Nga, có trình độ chuyên môn sâu và hình thành đội ngũ kế cận bảo đảm đủ nguồn lực cho sự phát triển.

Đối với những kiến nghị của trung tâm, đồng chí Chủ tịch nước giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Phân ban Việt Nam tổng hợp, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền để trao đổi, thống nhất với các đối tác có thẩm quyền phía Nga trong Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với những kết quả đạt được trong hơn 33 năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần tích cực xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt đẹp.

HOÀNG HÀ