Mực nước trên sông Bùi trưa 30-7 tại trạm đo Yên Duyệt (Chương Mỹ) là 7,5m vượt báo động 3 là 0,51cm. Do nước sông dâng cao, toàn bộ diện tích nông nghiệp, khu dân cư được tiêu úng trước đó của huyện Chương Mỹ bị ngập trở lại. Nước ngập xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã làm 1.664 hộ gia đình và 4 trạm bơm tiêu ở các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên, Hạ Dục, Hoàng Diệu bị ngừng cấp điện; 2.262ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 170m2 nhà ở và 1.479m tường bao bị sập đổ; 3.290m đường giao thông nông thôn, 9.385m kênh mương, 9.470m đê và 33 cầu, cống, đập bị sạt lở, hư hỏng; 49.190 gia cầm, 339 gia súc bị chết… Đặc biệt, trong đêm 29-7, tại xã Phú Nghĩa đã xảy ra sự cố sập nhà khiến 2 người bị thương… Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT &TKCN TP Hà Nội, trong ngày 30-7, trên địa bàn thành phố còn có 2.730ha sản xuất nông nghiệp bị ngập nước thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... Để tiêu úng cứu lúa, giảm ngập úng khu dân cư, trong ngày 30-7, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 218 trạm, với 485 máy bơm các loại…
 |
Lực lượng quân đội tham gia bảo vệ đê sông Bùi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: SÔNG NHUỆ. |
Để giúp bảo vệ hệ thống đê điều, bảo vệ thành phố từ đêm 29 đến chiều 30-7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã được huy động để chống tràn 1.100m đê tả Bùi, đoạn cầu Bến Cốc. Bên cạnh đó, hơn 100 học viên của Trường Sĩ quan Đặc công đã tỏa xuống các khu dân cư ngập úng để hỗ trợ nhân dân kê kích, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn… Huyện Chương Mỹ cũng đã hỗ trợ bà con 4.340 thùng mì ăn liền, hàng nghìn bình nước, 5.100 cây nến, 10.400kg gạo, 1.850 gói lương khô, 110 thùng sữa tươi… (SÔNG NHUỆ)
* Trước tình trạng ngập úng tiếp tục diễn ra và dự báo còn tiếp tục kéo dài, ngày 30-7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT-Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) đã có Công điện số 25 gửi ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, ban chỉ huy PCTT&TKCN các bộ: NN&PTNT, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải... đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, ven suối, vùng thấp trũng, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập úng, lụt, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Triển khai phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ theo cấp báo động, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò... để hướng dẫn người và phương tiện qua lại. Thông báo cho các chủ đầu tư công trình đang xây dựng trên sông, ven sông biết thông tin về mưa, lũ để chủ động ứng phó và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Rà soát chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm... sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ, ngập úng nhiều ngày.
Cũng trong ngày 30-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công điện số 24 gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình yêu cầu đóng cửa xả đáy lúc 10 giờ ngày 30-7. (PHÚC THÁI)
* Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tại tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn trên địa bàn từ ngày 27-7 đến nay đã khiến 95 ngôi nhà ở bị sập, 76,6ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 16 hộ dân buộc phải sơ tán khẩn cấp. Ngoài ra, mưa lũ, sạt lở đất cũng khiến các tuyến đường: ĐT.432, ĐT.433, ĐT.438 bị sạt lở ta luy dương và ngập sâu trong nước gây tắc giao thông. Ngay sau khi sạt lở, mưa lũ xảy ra, địa phương đã chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả; cắm biển cảnh báo; thường xuyên cử người xuống xã để hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở. (HOÀNG XUÂN)