Hệ thống đường ống dẫn khí trên biển đang đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng/năm, cung cấp khí để sản xuất 50% sản lượng điện, gần 30% phân bón và 40% khí hóa

BĐBP phối hợp công nhân dầu khí tuần tra bảo vệ đường ống.

lỏng.Tuy nhiên, để bảo vệ đường ống dài hàng trăm km trên biển không đơn giản. Câu chuyện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành lực lượng nòng cốt giữ an toàn tuyệt đối đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn nhiều năm qua gợi mở kinh nghiệm quý trong bảo vệ các công trình dầu khí ở nước ta hiện nay.

Bài toán khó

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dẫn khí thiên nhiên từ ngoài khơi Vũng Tàu vào đất liền có chiều dài 370km, công suất vận chuyển 19,8 triệu m3 khí/ngày, hiện là đường ống dài nhất thế giới, được hoàn thành vào cuối năm 2002 với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ đô-la Mỹ. Cùng với đường ống Bạch Hổ, đây là hai hệ thống chính cung cấp khí cho thị trường Đông Nam bộ. Tính đến đầu năm 2008, hai hệ thống dẫn khí này đã cung cấp cho thị trường hơn 30 tỉ mét khối khí khô, gần 3,5 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và hơn 1 triệu tấn xăng nhẹ, tạo nguyên liệu sản xuất 40-50% sản lượng điện, 40% sản lượng phân bón, 10% sản lượng xăng và đáp ứng 40% nhu cầukhí hóa lỏng cho các ngành sản xuất khác. Đây là công trình kinh tế trọng điểm, có tầm ảnh hưởng chiến lược đến an ninh năng lượng của đất nước. Mùa hè năm ngoái, đường ống này chỉ tạm ngừng phục vụ để bảo dưỡng một thời gian ngắn nhưng hệ thống điện quốc gia bị thiếu hụt tới 1.000 MW điện mỗi ngày.

Trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) cho biết: Trên thế giới, đã từng xảy ra sự cố nổ đường ống dẫn khí như vụ cháy đường ống dẫn khí ở A-rập Xê-út làm chết 28 người, vụ nổ đường ống dẫn khí tại U-crai-na làm hoạt động vận chuyển khí đốt trên toàn tuyến Nga sang Tây Âu bị ngưng trệ. Hệ thống ống dẫn khí Nam Côn Sơn có chiều dài hàng trăm km, lại chạy qua vùng biển có trữ lượng hải sản cao, nhiều tàu ghe hoạt động nghề cá. Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 5.000 tàu, thuyền đánh cá và hơn 2.000 tàu, thuyền của các tỉnh (khoảng 50.000 người) thường xuyên đánh bắt hải sản. Trong khi đó, hầu hết hoạt động dầu khí, công trình dầu khí và đường ống dẫn khí cũng triển khai trên biển và thềm lục địa, có cả những tàu lặn, khai thác phế liệu đe dọa sự an toàn của đường ống. Đặc biệt, việc khai thác hải sản bằng lưới cào, dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho đường ống. Từ năm 2004 về trước, chưa có sự vào cuộc của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Tổng công ty khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) chưa đủ lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát. Ngay việc tuyên truyền vận động ngư dân cũng rất khó khăn để “tập hợp” được hàng ngàn ghe tàu rải rác ngoài khơi xa. Năm 2003, vụ đường ống dẫn khí condensate ở huyện Long Đất bị khoan thủng một lỗ để lấy cắp khí đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ chặt chẽ hơn tuyến đường ống.

Khi “dầu khí” bắt tay... biên phòng

Theo thống kê của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, năm 2004, đã có 1.413 lượt phương tiện vi phạm, năm 2005 có 996 lượt phương tiện vi phạm, năm 2006 có 503 lượt vi phạm hành lang an toàn tuyến đường ống trên vùng biển này. “Số lượng vi phạm giảm nhanh rõ rệt nhờ từ năm 2004, chúng tôi đã có chương trình ký kết liên tịch bảo vệ hệ thống ống dẫn khí trên biển” - Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Đại tá Bùi Nam Đĩnh, Chính ủy BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Hoạt động của ngành dầu khí luôn gắn bó mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của BĐBP và chỉ có BĐBP mới có thể tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tuần tra bảo vệ tuyến đường ống một cách hiệu quả nhất”.

Chúng tôi có mặt tại cảng Bến Đầm, huyện đảo Côn Đảo trong một buổi chiều muộn. Biển động, có tới gần 1.000 tàu cá ghé vào tránh bão làm cảng tấp nập khác thường. Chọn đúng thời điểm này, Thượng úy Đặng Kiều Hưng, Trạm trưởng trạm kiểm soát Bến Đầm bắt đầu cho mở loa phát thanh tuyên truyền về bảo vệ hệ thống đường ống dẫn khí. Anh Lê Tài, chủ ghe QNG 98569, sau khi vào đăng ký thủ tục được phát ngay một tờ rơi có in rõ sơ đồ hệ thống đường ống dẫn khí, nói: “Tôi từ tận Quảng Ngãi vô đây đánh cá, qua BĐBP mới biết vùng biển này có hệ thống đường ống quan trọng vậy!”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thống, Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm: Chúng tôi đã in hơn 6.000 tờ rơi, 6.000 tờ bản đồ ghi rõ tọa độ tuyến ống dẫn khí từ biển vào bờ; khu vực cấm đánh bắt, tần số liên lạc khi xảy ra sự cố. Bản đồ, tờ rơi được cấp phát để dán vào ca bin từng tàu, ghe đi biển. “Từ nay xin chừa” là tiểu phẩm văn nghệ nói về tác hại của việc vi phạm các công trình dầu khí được BĐBP tỉnh xây dựng. Ngoài ra, BĐBP còn xây dựng phóng sự, chiếu phim về các sự cố về dầu khí trên thế giới; trong phim có lồng ghép các câu hỏi và giải đáp câu hỏi về cách phát hiện, bảo vệ đường ống dẫn khí dưới biển, khi xảy ra sự cố thì phải làm gì v.v.. Trong mỗi buổi tuyên truyền, BĐBP còn có mục “đố vui có thưởng”, tạo không khí sôi nổi và phát nhiều quà tặng như áo phao, áo mưa đi biển để khuyến khích ngư dân đến dự đông đủ. BĐBP cùng Tổng công ty khí không chỉ tuyên truyền ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn cử đội văn nghệ xuống tận Cà Mau để tuyên truyền cho ngư dân.

Đẩy lùi nguy cơ

BĐBP đã phối hợp với Tổng công ty khí xây dựng phương án bảo vệ từng mục tiêu, từng khu vực có tuyến ống dẫn khí. Tổng công ty bố trí phòng làm việc cho BĐBP tại cảng dầu khí, cảng dịch vụ dầu khí, hỗ trợ một phần nhiên liệu và một số trang thiết bị tuần tra. Hai bên còn thường xuyên tổ chức những chuyến tuần tra chung. Hồ sơ bảo vệ đường ống dẫn khí còn ghi nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được BĐBP phát hiện và ngăn chặn.

Chẳng hạn, ngày 9-4-2005, tàu tuần tra của Hải đội 2 tuần tra, mật phục phát hiện, bắt giữ tàu BV 8225TS tàng trữ, vận chuyển 110 kíp nổ và 02 bao tải đựng 186 vỏ lon thiếc các loại cùng một số dụng cụ, cưa để cắt đầu đạn lấy thuốc nổ chế tạo mìn sử dụng khai thác sắt phế liệu chìm đắm dưới biển. Tháng 10-2005, đồn BP 500 và đồn BP 518 tuần tra, phát hiện Nguyễn Văn Dũng thuyền trưởng tàu BV8093 đang chuẩn bị sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản. Bị phát hiện, Dũng ôm xô nhựa đựng thuốc nổ nhảy xuống biển để tiêu hủy phi tang vật nhưng tổ tuần tra kịp thời thu giữ tang vật.

Đến nay, sự vào cuộc của BĐBP đã đẩy lùi hiện tượng dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản, tránh được nguy cơ đe dọa hệ thống đường ống.

Tuy nhiên, theo Đại tá Bùi Nam Đĩnh, hiện nay nhận thức của ngư dân về bảo vệ các công trình dầu khí vẫn còn hạn chế. Nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên có những trường hợp vẫn cố tình vào vùng biển khu vực dầu khí để khai thác. Trên vùng biển phía Nam hiện có 3 hệ thống đường ống dẫn khí: Đường ống dẫn khí Bạch Hổ dài 107km, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dài 370km và đường ống dẫn khí Cà Mau dài 298km. Thời gian tới, sẽ có thêm một số công trình đường ống dẫn khí khác. Vì vậy, mô hình BĐBP phối hợp với Tập đoàn Dầu khí bảo vệ an toàn tuyệt đối đường ống dẫn khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu cần được phát huy, nhân rộng trong công tác bảo vệ các công trình kinh tế trọng điểm nói chung, các công trình trên biển nói riêng.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH