Được sự cho phép của các cơ quan chức năng Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã đưa 1 kíp phẫu thuật sang hỗ trợ bệnh viện bạn thực hiện ca mổ. Đây là lần đầu tiên bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan thực hiện hoạt động hỗ trợ chuyên môn như vậy cho một bệnh viện tại địa bàn. 

 Ê kíp mổ của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thực hiện ca mổ.

Trưa 3-1, ngay khi nhận được yêu cầu từ bệnh viện MSF, Ban giám đốc Bệnh viện đã giao nhiệm vụ cho khoa Ngoại cử 1 kíp phẫu thuật khẩn cấp sang bệnh viện bạn hội chẩn. Kíp thực hiện nhiệm vụ gồm Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Ngoại; phẫu thuật viên chính - Thượng úy bác sĩ sản khoa Tống Vân Anh; Đại uý bác sĩ Nguyễn Văn Tú, Đại úy bác sĩ Ngô Quốc Hoàn cùng với ê kíp gây mê và phụ dụng cụ. Ngay sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ Tống Vân Anh xác định đây là 1 ca khó, có chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai. Bệnh nhân nữ 22 tuổi người Nam Sudan mang thai lần 2, thai 35 tuần có dấu hiệu vỡ ối chuyển dạ kéo dài tuy nhiên đầu bé  không lọt  gây suy thai.

Nữ bác sĩ Tống Vân Anh-phẫu thuật viên chính (bên trái). 

Do bà mẹ bị gù vẹo cột sống nặng nề do di chứng lao cột sống  gây khó khăn trong khi mổ cũng như không thể vô cảm bằng phương pháp gây tê tủy sống mà phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ, kíp gây mê phải liên tục bóp bóng bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ. Bé trai 4 kg được mổ bắt ra nhưng bé không khóc, trương lực cơ yếu, phải bóp bóng trợ thở. Tiến hành hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì bé khóc được, trương lực cơ tốt. Tiếng khóc đầu tiên của em bé làm vỡ òa niềm vui của mọi người trong phòng mổ.

Nữ bác sĩ Vân Anh bên em bé được cứu sống trong ca mổ lấy thai thành công. 

Ca mổ thành công một phần nhờ sự phối hợp nhiệt tình của đồng nghiệp bệnh viện MSF trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ trong phòng mổ không đầy đủ. Nữ bác sĩ trẻ Vân Anh chia sẻ: “Tôi thấy rất hồi hộp bởi đây là ca mổ sản đầu tiên mà tôi đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính ở Nam Sudan trong điều kiện dã chiến. Hình ảnh người bệnh nhân mới 22 tuổi mà thấp bé, gù vẹo biến dạng cột sống rất đáng thương là động lực để tôi cùng kíp mổ hạ quyết tâm cứu lấy đứa bé”.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam được các cơ quan chức năng của phái bộ giao nhiệm vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh viện MSF, nơi có trách nhiệm khám chữa bệnh cho trên 100.000 người dân ở khu tị nạn Bentiu nên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, biến chủng Omicron làm bùng phát dịch trở lại ở khu vực Bentiu, khiến nhiều nhân viên y tế bị nhiễm phải được cách ly và điều trị, trong đó có kíp phẫu thuật của bệnh viện MSF. 

Ê kíp mổ của bệnh viện dã chiến Việt Nam cùng các đồng nghiệp bệnh viện MSF vui mừng sau ca mổ được thực hiện thành công. 

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết, mặc dù bệnh viện đang trong thời gian thiếu hụt nhân lực do 25% quân số đang về nước nghỉ phép, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thông thường còn có vai trò chính trong sàng lọc và điều trị các ca Covid-19 trong phân khu Bentiu, nhưng khi được giao nhiệm vụ đột xuất hỗ trợ bệnh viện MSF, bệnh viện đã nhanh chóng bố trí nhân sự để thực hiện nhiệm vụ. 

Cùng phối hợp với ê kíp các bác sĩ Việt Nam trong phẫu thuật lấy thai, anh Pou James, nhân viên phòng mổ bệnh viện MSF bày tỏ: Tôi rất ấn tượng với kíp phẫu thuật của bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam. “Các bạn rất chuyên nghiệp, chúng tôi nể phục các bạn với hành động sẵn sàng cứu mạng sống người dân địa phương”, Pou James nói. 

Sau khi thực hiện ca mổ lấy thai thành công, Trưởng Y tế phái bộ (CMO) đã gửi thư đánh giá cao, ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện dã chiến Việt Nam và đề nghị bệnh viện tiếp tục tham gia hỗ trợ bệnh viện MSF trong những ca phẫu thuật tiếp theo khi được đề nghị, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. 

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy phái bộ, Ban giám đốc bệnh viện luôn xác định việc tham gia hỗ trợ bệnh viện MSF trong những ca bệnh cần thiết, trong phạm vi năng lực cho phép là một trong những yếu tố quan trọng nhằm khẳng định trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng tạo mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng hình ảnh của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại địa bàn Phái bộ.

Bài, ảnh: TIẾN PHÚC (từ Bentiu, Nam Sudan)