Đại tá Lê Bá Thành, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1 cho biết: "Hiện nay, quân đoàn có tổng số 5.540 con lợn thịt, phân bố ở tất cả các đầu mối đơn vị. Trên địa bàn các đơn vị đóng quân, dịch đang lây lan nhanh. Mặc dù vậy, đến nay, dịch vẫn chưa lan vào đàn lợn của các đơn vị". Để có được kết quả đó, ngay từ trung tuần tháng 9-2018, khi DTLCP có nguy cơ lây lan sang Việt Nam, nhận được các chỉ thị, công điện của trên, Cục Hậu cần quân đoàn đã ban hành Điện số 817/Đ-CHC về triển khai các biện pháp ngăn chặn DTLCP. Từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam đến nay, cục đã trực tiếp soạn thảo 5 công điện để truyền đạt các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi DTLCP lây lan trên diện rộng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đã thành lập nhiều đoàn công tác do thủ trưởng Bộ tư lệnh làm trưởng đoàn trực tiếp xuống đơn vị chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Cục Hậu cần cũng cử nhiều lượt cán bộ trực tiếp xuống "3 cùng", hướng dẫn kinh nghiệm, kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên với phương châm “lấy phòng bệnh là trên hết” và quan điểm “tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác để dịch lây lan vào đơn vị”.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn kịp thời nên các đơn vị đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch do một đồng chí chỉ huy đơn vị làm trưởng ban; triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh quanh chuồng trại, khu chăn nuôi. Hiện nay, tất cả đơn vị đều thực hiện không nhập thịt lợn từ bên ngoài, dừng nhập lợn giống để tái đàn, chỉ sử dụng nguồn giống tại chỗ; tổ chức các điểm sát trùng tại cổng chính để phun thuốc, tẩy trùng tất cả phương tiện từ ngoài vào.

Lữ đoàn 368 (Quân đoàn 1) tổ chức phun tẩy trùng phương tiện trước khi vào đơn vị.

Đi cùng đoàn công tác, chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn 368 (Quân đoàn 1), đứng chân ở địa phương đã công bố DTLCP từ nhiều ngày trước. Trò chuyện với Thượng úy QNCN Hoàng Văn Chính, nhân viên quân y, chúng tôi được biết, từ khi địa phương công bố dịch, lữ đoàn đã triển khai chốt phòng dịch tại cổng, hoạt động 24/24 giờ. Ngoài việc phun thuốc tẩy trùng, tổ còn tiến hành kiểm tra, yêu cầu mọi người không có nhiệm vụ tuyệt đối không được mang thực phẩm từ bên ngoài vào đơn vị, kể cả thực phẩm đã nấu chín.

Đi kiểm tra khu chăn nuôi, chế biến tập trung, nằm tách biệt khá xa nhà ở của bộ đội, từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy những lớp vôi bột rắc trắng xóa trước cửa khu chuồng nuôi. Đại tá Trần Trường Giang, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 368 cho biết, lữ đoàn hiện đang nuôi hơn 330 con lợn. Ngay khi nhận được hướng dẫn của trên, lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đề ra các giải pháp trong từng giai đoạn cụ thể, kể cả tình huống xử trí nếu dịch lan vào đàn lợn của đơn vị. Lữ đoàn cũng chỉ đạo tuyệt đối không giết mổ lợn theo kiểu “chạy dịch” mà phải tích cực phòng, chống, duy trì để phát triển ổn định đàn lợn, bảo đảm nguồn thực phẩm lâu dài, an toàn cho bộ đội. Từ mấy tháng trước, lữ đoàn đã tăng cường nuôi thả gà, vịt, cá… sẵn sàng bổ sung, thay thế nguồn thịt lợn bị giảm trong bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Thượng úy QNCN Mai Văn Hồ, nhân viên quân nhu, phụ trách khu chăn nuôi, chế biến tập trung của đơn vị, cho biết: “Trước khi địa phương công bố dịch, chúng tôi đã tham mưu cho chỉ huy lữ đoàn yêu cầu người ngoài hạn chế vào khu vực chuồng nuôi; tổ chức rắc vôi bột xung quanh chuồng, cổng, cửa ra vào, đường đi trong chuồng, tìm diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh, như: Chuột, gián, ruồi… Những ngày gần đây, khi dịch lan vào địa bàn lân cận, hằng ngày chúng tôi đều dọn vệ sinh, rửa chuồng, phun thuốc sát trùng CloraminB, Bencoxit… bổ sung thêm các loại vitamin vào thức ăn hoặc qua đường nước uống để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn. Các loại thức ăn thừa từ nhà ăn, nhà bếp đều được nấu chín kỹ sau đó mới chuyển xuống cho lợn ăn".

Sau khi làm việc tại Quân đoàn 1, đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra công tác phòng DTLCP tại Trung đoàn 762 (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) và Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4). Đây là những đơn vị nằm trong địa bàn "điểm nóng" của DTLCP. Mặc dù vậy, do nhận thức tốt tính chất nguy hiểm của bệnh dịch nên lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, đề ra nhiều biện pháp quyết liệt để phòng ngừa. Nhờ đó, đàn lợn của các đơn vị hiện vẫn đang bảo đảm an toàn. Từ kết quả kiểm tra, Đại tá Phạm Tuấn Linh, Phó cục trưởng Cục Quân nhu cho biết: "Hiện nay, DTLCP đang diễn biến hết sức phức tạp, trên thế giới chưa tìm ra vắc-xin đặc trị. Vì vậy, việc chủ động làm tốt công tác phòng ngừa là biện pháp tối ưu mà các đơn vị cần tập trung thực hiện. Cục Quân nhu sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhất là đối với các đơn vị đứng chân trên địa bàn đang là "điểm nóng" của dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ổn định công tác tăng gia, chăn nuôi, bảo đảm đời sống bộ đội". 

* Ngày 5-6, đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần đã hoàn tất chương trình kiểm tra công tác bảo đảm quân nhu, phòng chống DTLCP tại Quân khu 9, Quân khu 7 và Quân đoàn 4. Trong thời gian từ ngày 3 đến 5-6, đoàn đã thực hiện kiểm tra tại các đơn vị: Sư đoàn Bộ binh 330 (Quân khu 9), Sư đoàn Bộ binh 302, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26 (Quân khu 7), Lữ đoàn Pháo binh 434, Lữ đoàn Công binh 550 (Quân đoàn 4).

Các đơn vị đã triển khai nghiêm túc các chỉ thị, công điện của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần trong công tác phòng, chống DTLCP; rà soát, khoanh vùng và đánh giá tình hình, nguy cơ cụ thể để có phương pháp phòng, chống dịch. Đến thời điểm này chưa phát hiện cá thể lợn bị nhiễm DTLCP. Các đơn vị đầu mối thuộc Quân đoàn 4 hiện tổ chức nuôi, thả hơn 7.400 con lợn; có đơn vị nằm giáp ranh vùng dịch thuộc hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nhưng đã tổ chức phòng, chống tốt. Sư đoàn Bộ binh 302, Quân khu 7, đơn vị đóng quân ở địa bàn nóng về DTLCP là tỉnh Đồng Nai đã cử cán bộ tham gia tập huấn các kỹ năng phòng, chống DTLCP tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ; thực hiện rắc vôi, khử trùng ở các khu vực chuồng trại, cách ly khu vực chuồng trại... Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác phòng, chống DTLCP ở các đơn vị. Các đơn vị đã có những sáng kiến, cách làm chủ động trong phòng chống dịch, đồng thời lưu ý các đơn vị nêu cao tính chủ động, phân cấp trách nhiệm trong phòng chống dịch, bảo đảm cao nhất an toàn cho đàn lợn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi các đơn vị đóng quân trong công tác phòng, chống dịch. (BẢO MINH)

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN