Bắt đầu từ ngày 10 âm lịch hằng tháng, các tàu hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển lại trở vào đất liền, tuy nhiên, chuyến cập bờ lần này khác hẳn với những lần trước. Nếu trước đây thuyền trưởng khi vào trạm chỉ cần cầm sổ lên cho trạm kiểm tra, xong quay lại ghe và có thể vào cửa thì lần này tất cả thuyền viên trên tàu đều phải mang khẩu trang, giữ đúng khoảng cách để cán bộ, chiến sĩ đo kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, sau đó mới tiến hành làm thủ tục. Cùng với hoạt động khai báo y tế, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Ðốc, nhiều bảng, biển hướng dẫn phòng, chống dịch còn được treo nơi thuận lợi, dễ quan sát; các vạch vẽ khoảng cách trên nền sân, lối đi để ngư dân dễ nhớ, dễ hiểu.

Anh Nguyễn Văn Quân, ngụ tại khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), là thuyền trưởng của hai tàu đánh cá dài ngày trên biển cho biết, dù đánh bắt thủy sản ngoài biển nhưng nhờ hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng (BÐBP) và thiết bị di động nên các anh thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của dịch Covid-19. “Nhận thức rõ được sự nguy hiểm của dịch Covid-19, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em thuyền viên phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch; ăn uống, sinh hoạt trên tàu bảo đảm vệ sinh. Khi vào bờ, tuyệt đối chấp hành việc đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài và tập trung đông người”, anh Quân nói.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa (Sóc Trăng) phối hợp với các ban, ngành, địa phương đến điểm chùa tuyên truyền cách phòng, chống dịch Covid-19 tới các vị sư sãi.

Theo Ðại tá Võ Văn Sử, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BÐBP tỉnh Cà Mau, điều đáng lo ngại hiện nay chính là tình trạng người nhập cảnh trái phép vào địa phương bằng đường biển. “Tính đến nay, các đồn biên phòng đã phát hiện 54 trường hợp nhập cảnh trái phép từ đường biển vào địa phương; tình trạng này sẽ diễn biến phức tạp vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, do đó, đơn vị tăng cường lực lượng kiểm soát các cửa sông, cửa biển. Hiện tại, đơn vị đã bố trí 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các chốt chặn đi từ ngoài biển vào, đồng thời kiểm soát tất cả những tàu neo đậu ngoài biển, từ đó ngăn chặn tối đa tình trạng nhập cảnh trái phép vào địa phương”, Ðại tá Võ Văn Sử nhấn mạnh.

Đóng quân trên địa bàn có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, đặc biệt tập trung vùng biển Vĩnh Châu và Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), BÐBP tỉnh Sóc Trăng xác định nâng cao ý thức phòng dịch trong nhân dân và dựa vào nhân dân để kiểm soát tốt tình trạng nhập cảnh trái phép là khâu then chốt để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, BÐBP tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình “Tiếng loa biên phòng”. Chỉ với một chiếc loa di động, một chiếc USB có sẵn các nội dung và xe motor hai bánh, “Tiếng loa biên phòng” đã mang Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh và văn bản có liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19; hay cảnh báo, khuyến cáo về những nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng đến người dân các khu dân cư. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc, "Tiếng loa biên phòng" phát tiếng Việt kết hợp tiếng Khmer để bà con dễ hiểu, từ đó kịp thời nâng cao ý thức, nhận thức cùng chung tay phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả...

Ông Lý Phuông, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, từ khi có dịch bùng phát, bà con cũng nâng cao được nhận thức phòng bệnh. Tất cả là nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, rồi tiếng loa của BÐBP tuyên truyền hằng ngày. “Tiếng loa biên phòng” mang lại hiệu quả rất cao, nhất là đối với những nơi có địa bàn rộng, đường giao thông đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã không đáp ứng được nhu cầu thì tiếng loa của BÐBP dễ dàng mang những thông điệp phòng, chống dịch đến nhân dân”, ông Phuông nói.

Ngoài hình thức tuyên truyền lưu động, lực lượng BĐBP còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lai Hòa, đoàn thanh niên, ban nhân dân các ấp tuyên truyền cho sư sãi tại các nhà chùa; nhân dân các khu dân cư, chợ dân sinh... để cùng tham gia chống dịch hiệu quả nhất.

“Sau khi tuyên truyền, mấy ngày sau, anh em trong đơn vị quay lại, điều vui mừng là ai cũng thực hiện tốt, từ việc đeo khẩu trang khi ra đường đến việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, rửa tay, cẩn trọng trong ăn uống... Mọi người ai cũng cố gắng thực hiện tốt nhằm tự bảo vệ mình và gia đình. Không chỉ vậy, bà con nhân dân, nhất là các ngư dân hoạt động trên biển còn là "tai mắt" giúp lực lượng biên phòng kiểm soát tốt tình trạng nhập cảnh trái phép trên tuyến biển”, Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải  (Sóc Trăng) nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THÚY AN - KHOA LONG