Gỡ khó để đồng bào an cư

Những tuyến đường bê tông hóa sạch, đẹp, uốn mình vắt qua các vườn cây ăn trái: Mận tam hoa, cam canh, xoài... xanh tốt và trĩu quả đã dẫn lối chúng tôi về với khu dân cư Trình Tường, thôn Pắc Cương, xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh).

Thoáng thấy màu áo xanh quen thuộc của cán bộ Lâm trường 156, Đoàn KT-QP 327, ông Doòng Chống Quay ngừng tay thu hoạch mận tam hoa và đưa một rổ quả đến mời.

Ông Quay phấn khởi: “Năm nay, mận bắt đầu cho thu hoạch. Một ki-lô-gam mận bán được khoảng 30.000 đồng. Vị chi mùa này, chúng tôi có thêm vài chục triệu đồng từ vườn mận”.

Trình Tường là một trong những khu dân cư khó khăn nhất của Pắc Cương, giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Hiện có 17 hộ với hơn 70 khẩu là người Dao Thanh Phán. Trước đây, cư dân chủ yếu đi làm thuê bên kia biên giới. Do vậy, khi tuyến rào dọc đường biên được xây dựng, người dân Trình Tường hầu hết rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì không có công ăn việc làm, nhiều hộ gia đình nảy sinh ý định di cư đi nơi khác.

 Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 hướng dẫn đồng bào khu dân cư Trình Tường chăm sóc, thu hoạch mận tam hoa.

Để giải bài toán thực tiễn ấy, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156, cho biết: “Giải pháp quan trọng để đồng bào yên tâm bám bản, xây dựng biên cương là phải kết hợp song song hai nhiệm vụ: Giúp đỡ đồng bào lúc khó khăn và hướng dẫn đồng bào xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả. Theo đó, thời gian qua, lâm trường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, làm đường bê-tông vào nhà cho 11 hộ dân, làm đường nội bản, làm sân, củng cố trường học; nghiên cứu, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào trồng mới hàng nghìn cây ăn quả và xây dựng các vườn rau; hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm...”.

Ông Chìu Tắc Dảu, một người dân khác ở khu dân cư Trình Tường vừa vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi dê, gà, vừa phấn khởi tâm sự: "Làm theo hướng dẫn của "Bộ đội 327", chúng tôi không những đủ ăn mà còn có của để tích lũy. Vừa rồi, nhờ thu hoạch từ chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ ở Trình Tường đã mua được xe máy, ti vi... Điện, đường giờ đã có đủ, Trình Tường hiện chỉ thiếu nước để sinh hoạt và nuôi trồng thôi”.

Cũng theo ông Dảu, khi thấy cái khổ của dân, Bộ đội Đoàn KT-QP 327 đã tổ chức nhiều hoạt động để phối hợp với các lực lượng lắp đặt hệ thống nước và xây bể chứa nước đầu nguồn cho bà con.

Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 kiểm tra, đánh giá hiệu quả của mô hình trồng mận tam hoa ở khu dân cư Trình Tường, bản Pắc Cương, xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh).

“Tròn khâu” trong giúp dân

Đoàn KT-QP 327 thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-QP, giúp dân giảm nghèo trên địa bàn 4 huyện, 1 thành phố của tỉnh Quảng Ninh; đây là những nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 63% tổng dân số. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội cơ bản ổn định, đời sống nhân dân được từng bước nâng lên, song còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc còn lạc hậu.

Trước thực tế đó, theo Đại tá Phạm Khắc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 327, để giúp dân hiệu quả, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 327 xác định phải có cách làm “tròn khâu” và đa dạng, sáng tạo. Ví như, khi xây dựng một mô hình kinh tế thì phải làm tốt tuyên truyền, vận động cho đồng bào hiểu và làm theo.

Sau đó, khi triển khai phải cầm tay, chỉ việc; trong suốt quá trình thực hiện, phải tiếp tục động viên, hỗ trợ, chỉ bảo đến khi mô hình cho “trái ngọt”... Bởi, nếu chỉ làm tốt một khâu thì khi bộ đội về, bà con sẽ lại bỏ mô hình, gây thất thoát, lãng phí lớn.

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn”, chính trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy của Bộ đội Đoàn KT-QP 327 đã giúp đồng bào từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cũng như đem lại hiệu quả, thành công cho các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ví như: “Mô hình phát triển kinh tế nông-lâm kết hợp vườn-chuồng-rừng (VCR)”, “Khu dân cư biên giới điển hình”; “Phát triển vườn cây ăn quả (cam vinh), kết hợp phát triển chăn nuôi gia cầm (ngan, gà) tại hộ gia đình”; “Bản văn hóa người Dao tại Sông Moóc B”; “Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo biên giới”; “Hỗ trợ trồng cây gỗ lớn”...

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông. 

Từ năm 2012 đến nay, Đoàn KT-QP 327 phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức mở 22 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ hoạt động cho 770 lao động nông thôn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; khảo sát và triển khai 1.928 hộ dân tham gia dự án giảm nghèo và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư với tổng kinh phí triển khai hơn 10 tỷ đồng; hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi và cấp cây, con giống, vật tư máy móc nông nghiệp...; xây dựng 10 mô hình bền vững vườn-ao-chuồng (VAC) với vườn-ao-chuồng-rừng (VACR); dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng chuồng trâu; mô hình nông-lâm kết hợp: Xây dựng 35 chuồng trâu ra xa nhà ở; xây 140 nhà vệ sinh tự hoại...

Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện ở các lâm trường tổ chức tập huấn đầu bờ cho 196 lượt người dân về chuyển dịch cơ cấu cây trồng như: Trồng lúa nước, cây ba kích, cây dong riềng...

Cùng với đó, đơn vị đã hoàn thành thi công, bàn giao, đưa vào sử dụng 4 công trình nhà văn hóa; 200m2 trường học; 200m2 nhà công vụ cho giáo viên; 9 công trình thủy lợi; 25 hạng mục giao thông với 46,7km đường giao thông nông thôn; 8,51km kênh mương thủy lợi; hoàn thành nhiều công trình, phần việc thiết thực khác hỗ trợ nhân dân.

Song song với đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 327 thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương tham mưu xây dựng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng. Trong đó tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt ở các xã, thôn, khe bản mới thành lập, tái thành lập.

Cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong công tác tham mưu giúp địa phương tổ chức lựa chọn, bầu 339 vị trí trưởng thôn (bản), cử lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tăng cường cho các xã làm phó bí thư đoàn xã để đưa hoạt động tổ chức đoàn ở địa phương đạt hiệu quả, cùng với địa phương tổ chức 9 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hành chính, quản lý nhà nước, quản lý địa bàn, kiến thức quân sự địa phương cho cán bộ xã, ban, ngành địa phương; cử giáo viên tham gia 15 lớp huấn luyện cho 715 lượt dân quân tự vệ... góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và điều hành của chính quyền cơ sở.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khẳng định: "Những kết quả trên của Đoàn KT-QP 327 đã góp phần tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới yên tâm, gắn bó, tích cực lao động, sản xuất giảm nghèo bền vững...  đưa vùng biên giới Đông Bắc của Tổ quốc phát triển".

Bài và ảnh: VIỆT HÀ