Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu
Đường Kênh Nông Trường nối liền 4 xã của huyện Giang Thành với huyện Kiên Lương là một trong những con đường huyết mạch về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và QPAN trên tuyến biên giới tỉnh Kiên Giang. Theo Đại tá Nguyễn Văn Nhân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 915, đây là công trình mà đơn vị xác định cần đầu tư làm ngay nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại và làm ăn, sinh sống của người dân. Dù thi công trong điều kiện khó khăn về thời tiết, nhất là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song đến nay, Đoàn KT-QP 915 và các đơn vị đã hoàn thành hơn 13km đường đưa vào sử dụng. Cũng từ đó, nhiều cơ sở sản xuất và những ngôi nhà mới của người dân bắt đầu mọc lên đông đúc. Đó là một trong nhiều công trình được Đoàn KT-QP 915 đầu tư trên địa bàn đảm nhiệm nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn về hạ tầng cơ sở cho nhân dân. Ưu tiên làm trước các hạng mục như cầu, đường, trường học và hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các cơ sở y tế địa phương. Giao thông đi lại dễ dàng, giáo dục, y tế được cải thiện là điều kiện tiên quyết để ổn định, phát triển KT-XH và ngày càng hình thành được nhiều cụm, tuyến dân cư trên địa bàn biên giới.
Ở xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, y tế chưa được bảo đảm vì nơi đây chỉ có một cơ sở duy nhất, lại thiếu nhiều trang thiết bị, máy móc. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Đoàn KT-QP 915 đã đầu tư máy siêu âm, máy đo điện tim, tủ thuốc, giường bệnh và nhiều trang bị khác. Cũng tại xã đảo này, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng toàn bộ khu vực sân và hai cột mốc chủ quyền tượng trưng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trường Tiểu học và THCS Sơn Hải giúp các em có chỗ vui chơi sạch sẽ, kiên cố trong giờ giải lao. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Đoàn KT-QP 915 đã giúp đỡ địa phương rất nhiều từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực. Qua đó góp phần cùng với địa phương chăm lo tốt hơn đời sống người dân và hiện nay, số lượng cư dân sinh sống lâu dài trên đảo đã lên đến hơn 2.000 hộ”.
 |
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 915 trao gà giống tặng người dân trên địa bàn. |
Xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản gắn với tạo việc làm ổn định cho người dân là nhiệm vụ kép của Đoàn KT-QP 915 hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các khu dân cư trên địa bàn biên giới. Đóng quân ở địa bàn có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, không chỉ vậy, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng không thuận lợi, nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng nên việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân gặp không ít khó khăn. Để từng bước giúp người dân nâng cao đời sống, đơn vị đã nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và năng lực của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi bò và cá bớp, đoàn đã triển khai thêm các mô hình nuôi heo, gà, vịt cho thu nhập ổn định. Gia đình chị Dương Thị Màu ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành là một ví dụ. Trước đây, kinh tế nhà chị Màu chỉ phụ thuộc vào việc trồng lúa. Thiếu vốn và kỹ thuật chăn nuôi nên ngoài mỗi năm một vụ lúa, vợ chồng chị chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn của đoàn, cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định. Chị Màu bộc bạch: “Lúc trước nhà tôi khó khăn lắm. Nhờ các anh ở Đoàn KT-QP 915 hỗ trợ tôi nuôi gà, vừa rồi lại hỗ trợ tôi nuôi thêm 200 con vịt nữa nên thu nhập của gia đình cũng tạm ổn”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Nhân, do phần lớn các hộ nghèo không có tư liệu sản xuất nên trước mắt, đoàn tập trung hỗ trợ bằng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy, hải sản nhỏ lẻ, từng bước giúp người dân tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế khi đã có nền tảng vững chắc. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, đơn vị cử cán bộ, nhân viên đội sản xuất thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện các biện pháp phòng dịch khi cần thiết.
Chúng tôi được biết, thời gian tới, Đoàn KT-QP 915 sẽ đầu tư tiếp 3,7km đường Kênh Nông Trường còn lại để nối liền với huyện Kiên Lương. Đồng thời xây dựng cầu chữ y tại rạch Nha Sáp nối liền với đường đi ra cột mốc 290 có nguồn vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng; xây trường học tại xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành với 14 phòng học, vốn đầu tư khoảng 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật nuôi trồng, con giống, cây giống cho bà con phát triển kinh tế gia đình. “Đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả sẽ là điều kiện cần và đủ cho người dân an tâm làm ăn, sinh sống lâu dài, để mỗi gia đình, mỗi khu dân cư trở thành những cột mốc, những vành đai bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, Đại tá Nguyễn Văn Nhân khẳng định.
Bài và ảnh: THÚY AN