Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông, Ban CHQS huyện Tuy Đức và Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đã và đang chung sức cùng địa phương trong rất nhiều phần việc. Trong đó phải kể đến việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi và giúp dân xóa nhà tạm; hướng dẫn đồng bào M'nông trồng lúa nước, cà phê, phát triển chăn nuôi, mở hướng thoát nghèo bền vững.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 và dân quân xã Quảng Trực hỗ trợ bà con bon Bu Dăr thu hoạch cà phê. |
Chỉ riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông đã triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Quảng Trực, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hoặc như Trung đoàn 726, ngoài việc huy động đầu tư hạ tầng vùng dự án kinh tế kết hợp quốc phòng còn tổ chức định canh, định cư ổn định đời sống cho hơn 400 hộ đồng bào diện di dân kinh tế mới theo kế hoạch tại xã Quảng Trực.
Ngay trong thời điểm đầu năm 2022 này, 31 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 (Ban CHQS huyện Tuy Đức) phối hợp với lực lượng dân quân thường trực xã đang tiến hành giúp bà con thu hoạch và chăm sóc cà phê, nạo vét kênh mương thủy lợi, tu sửa nhà cửa; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch Covid-19... “Sự chung tay, góp sức của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã giúp địa phương có được sự phát triển nhảy vọt như ngày hôm nay, đặc biệt là với đồng bào M'nông, bà con đã thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu!”, ông Nguyễn Hải Lý khẳng định.
Những năm qua, xã Quảng Trực nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Đắc Nông. Chỉ tính trong thời gian 5 năm trở lại đây, Quảng Trực đã được đầu tư hơn 500 tỷ đồng để triển khai các dự án định canh, định cư, phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế. Nhờ vậy, đến nay, trong tổng số 11 bon trên toàn xã, 100% bon đã cứng hóa hệ thống đường giao thông đến trung tâm; 100% bon có đường điện sinh hoạt với 64% hộ dân được sử dụng điện; bệnh xá xã và trường học các cấp cơ bản đạt chuẩn. Đến nay, Quảng Trực đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Song điều đáng mừng hơn là Quảng Trực đã thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cách đây khoảng 20 năm, đói nghèo tưởng như trở thành căn bệnh kinh niên ở địa phương này với hơn 90% hộ dân trong diện đói, nghèo; trong đó, ở vùng đồng bào dân tộc M'nông, hộ đói nghèo lên đến 100%.
Thế nhưng, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và sự chung tay, góp sức của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, Quảng Trực đã giảm nhanh hộ nghèo. Đến nay, trong tổng số 2.670 hộ dân, với gần 10.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Trực giảm còn 54%. Mục tiêu của Quảng Trực trong năm 2022 này và những năm tiếp theo là mỗi năm giảm từ 3 đến 5% hộ nghèo, riêng vùng dân tộc thiểu số phấn đấu giảm từ 5 đến 10%. Kinh tế phát triển, ở Quảng Trực cũng dần xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi. Điển hình như gia đình anh Điểu Sra ở bon Bu Dăr có 7ha cà phê xen hồ tiêu, mỗi năm thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng; gia đình bà Trần Thị Lâm, bon Bu Dăr, có hơn 15ha cà phê xen cây ăn trái, mỗi năm thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng...
Chúng tôi cùng Thiếu tá Trần Văn Tú, trợ lý chính trị phụ trách dân vận Ban CHQS huyện Tuy Đức đến bon Bu Dăr-nơi Đại đội 3 và lực lượng dân quân thường trực xã Quảng Trực giúp dân thu hoạch cà phê. Sau hơn một tháng cơ động về các thôn, bon của xã Quảng Trực, bộ đội cùng dân quân đã hỗ trợ bà con thu hoạch được hơn 100ha cà phê. Anh Điểu Sra tâm sự: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lại vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên chúng tôi rất khó thuê lao động. May mà có sự giúp sức của bộ đội không thì cà phê hỏng hết. Bà con M'nông bon Bu Dăr cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!”.
Những đổi thay hôm nay đang mở ra hướng để Quảng Trực phát triển toàn diện trong giai đoạn mới, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, gắn thế trận biên phòng toàn dân trên vùng biên giới cực Nam Tây Nguyên.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH