Sau tiếng kêu cứu vọng lên từ phía sông Cu Đê, các chiến sĩ “sao vuông” Ban CHQS xã Hòa Liên nhanh chóng dùng phương tiện cứu hộ, cứu nạn cơ động ra cứu người gặp nạn đang chới với giữa dòng. Đây là buổi luyện tập xử lý tình huống cứu người trôi sông được lực lượng dân quân thường trực xã luyện tập khá nhuần nhuyễn.

Chia sẻ với chúng tôi sau buổi tập, đồng chí Nguyễn Văn Nhung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hòa Liên cho biết: “Nội dung huấn luyện cứu đuối có phương tiện; cứu đuối không có phương tiện và phương pháp cấp cứu người bị nạn trên sông được chúng tôi chuẩn bị kỹ về mọi mặt, từ khâu tổ chức bồi dưỡng đội mẫu, chuẩn bị bãi tập thực hành đến tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn... Vào mùa mưa bão, mực nước ở sông Cu Đê lên nhanh; bà con thường chủ quan sử dụng xuồng, ghe đánh bắt cá, vớt củi trên sông rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Năm trước, có hôm xảy ra chìm xuồng vào giữa đêm, may mà chúng tôi ứng cứu kịp thời…”.

leftcenterrightdel

 Ban CHQS huyện Hòa Vang huấn luyện cứu vớt người trôi sông. 

Đối với lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ, tai nạn đuối nước, không những phải có trình độ, kỹ năng bơi, lặn giỏi mà phải có phương pháp bơi cứu người đúng cách mới đưa được nạn nhân vào bờ an toàn. “Sao vuông” Lê Viết Thanh chia sẻ: “Tham gia huấn luyện giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn; để khi có vụ việc xảy ra, được sự điều động của cấp trên, chúng tôi sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ an toàn tính mạng người dân trong thiên tai bão lũ”.

Theo Thượng tá Đặng Văn Tám, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hòa Vang, do đặc thù địa hình đồi núi, độ dốc cao, nhiều sông suối, hồ đập, vào mùa mưa bão có nguy cơ sạt lở đất đá ở các khu vực triền núi; ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông. Ban CHQS huyện xác định khu vực trọng điểm về sạt lở đất gồm các xã: Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Sơn; ngập lụt ở các xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Bắc… Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp với Công an huyện và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động xử lý khi có tình huống xảy ra; duy trì nghiêm chế độ trực ban cứu hộ, cứu nạn, nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết trên địa bàn; tổ chức quản lý chặt chẽ vật chất, duy bảo dưỡng thường xuyên ca nô, xuồng máy phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN); chỉ đạo các địa phương lập bản đồ địa bàn, xác định khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất để có phương án di dời, chốt chặn.

leftcenterrightdel
 Dân quân thường trực Ban CHQS xã Hòa Liên thực hành phương pháp sơ cứu người đuối nước.

Cùng với đó, Ban CHQS tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng công tác cứu hộ, cứu theo đúng kế hoạch, với đầy đủ quân số được triệu tập. Quá trình tập huấn, bên cạnh nội dung lý thuyết về công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn, đơn vị tổ chức huấn luyện thực hành về sử dụng ca nô, xuồng cứu hộ, kỹ thuật bơi, cứu vớt người bị nạn và triển khai luyện tập các phương án đã được xây dựng. Qua tập huấn, huấn luyện đã giúp cho các lực lượng cứu hộ cứu nạn nâng cao ý thức và trình độ, khả năng xử lý, làm chủ phương tiện được biên chế, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

“Ban CHQS huyện Hòa Vang xác định rõ nhiệm vụ PCTT, TKCN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, trong kế hoạch PCTT, TKCN, đơn vị bám sát phương châm “4 tại chỗ”, tập trung đầu tư kinh phí mua sắm, bổ sung trang thiết bị chuyên dụng phục vụ nhiệm vụ. Phương thức di dời ưu tiên bảo đảm an toàn cho người dân trước, di dời tài sản sau; tổ chức cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh, tàn tật sơ tán trước, phụ nữ mang thai sắp sinh được đến trú tại Trạm y tế xã hoặc bệnh viện tuyến huyện”, Thượng tá Đặng Văn Tám nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LÊ TÂY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.