Trong đó, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Kon Tum được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đánh giá cao trong hỗ trợ địa phương và trực tiếp xây dựng mô hình, cách làm giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
“Nhờ bộ đội, cái nghèo sẽ đi khỏi nhà em”
Trước đây, gia đình ông Lò Văn Nguyện, người dân tộc Thái, ở thôn Tân Bình, xã Đăk Kan (Ngọc Hồi, Kon Tum) phải chi một khoản tiền để mua rau, quả ăn hằng ngày, trong khi đó vườn nhà rộng lại bỏ hoang. Thực hiện cuộc vận động, Ban CHQS xã Đăk Kan cử cán bộ, chiến sĩ dân quân cùng các lực lượng đến tuyên truyền, vận động gia đình ông Nguyện cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình tăng gia, trồng cây ăn quả.
Hiện gia đình ông Nguyện đã không phải mua rau ăn hằng ngày nữa, ông đã có tiền mua thịt, cá nên chất lượng bữa ăn được cải thiện hơn trước. Theo anh Trần Sinh Hưởng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đăk Kan, đã có 10 gia đình thuộc diện hộ nghèo được lực lượng dân quân phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn, giúp đỡ cải tạo vườn tạp để trồng rau, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy một số gia đình chưa thoát nghèo nhưng họ đã có những thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Ngọc Hồi thăm, trao quà tặng đồng bào nghèo ở xã Đăk Kan. |
Nghe tin có cán bộ Ban CHQS huyện Ngọc Hồi đến thăm, chị Y Thị, người dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Gia Tun, xã Đăk Ang, ra đón từ xa. Không đợi ai hỏi, chị Thị vui mừng nói như khoe với người thân đi xa về: “Bò giống đã sinh được một con bê và đang mang thai. Em sẽ chăm sóc tốt để nó phát triển thành đàn, tạo nguồn vốn sản xuất.
Nhờ bộ đội, cái đói, cái nghèo sẽ đi khỏi nhà em”. Sau khi kiểm tra lại nguồn thức ăn cho bò, chuồng trại và hướng dẫn chị Thị những công việc cụ thể, Thiếu tá Cao Cử Cườm, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Ngọc Hồi cho biết, gia đình chị Thị thuộc diện đặc biệt khó khăn, chồng sức khỏe yếu, hai con nhỏ dại, mọi công việc, chi tiêu hằng ngày đều do một tay chị lo liệu.
Hưởng ứng cuộc vận động, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã tặng gia đình chị Thị một con bò giống, đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ dân quân có kinh nghiệm chăn nuôi giúp gia đình làm chuồng, hướng dẫn trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn cho bò. Cũng theo anh Cườm, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến cuộc vận động, nhất là việc triển khai các mô hình giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vì vậy, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Ngọc Hồi triển khai linh hoạt các biện pháp, như: Cử cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân bám từng thôn, làng để tuyên truyền, hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; trao bò giống, cây giống và kinh phí xây nhà tặng hộ nghèo; giúp đồng bào cải tạo vườn tạp để trồng rau, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi...
“Ngay trong tháng 7 này, Ban CHQS huyện Ngọc Hồi sẽ khảo sát, nắm rõ điều kiện, thực lực của từng hộ đồng bào nghèo ở xã Đăk Kan, trên cơ sở đó, giúp người dân tạo sinh kế, tăng thu nhập. Gia đình có rẫy thì hướng dẫn, hỗ trợ phát triển vườn cây phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương; gia đình ở gần ao, hồ thì có thể giúp họ đào ao và hướng dẫn nuôi cá; những gia đình khác thì phát triển mô hình trồng rau kết hợp với chăn nuôi nhỏ hoặc chăn nuôi bò, dê, heo đen...”, anh Cườm nhấn mạnh.
 |
Cháu A Hân ở xã Ya Xiêr được Ban CHQS huyện Sa Thầy đỡ đầu đến khi học hết trung học phổ thông. |
Giúp dân là trách nhiệm và sự tri ân
Tìm hiểu ở các địa phương chúng tôi ghi nhận, nhiều mô hình hay được LLVT tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như mô hình: “Giảm hộ nghèo bền vững”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “Giúp đỡ học sinh nghèo tới trường”, phân công cán bộ, cơ quan, đơn vị giúp các thôn, làng đồng bào DTTS...
Qua đó, đã có 26 hộ nghèo được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Kon Tum giúp đỡ để thoát nghèo bền vững; 47 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu đến khi học hết trung học phổ thông với kinh phí 300.000 đồng/cháu/tháng, cùng nhiều quà tặng khác; tiết kiệm và trao 720kg gạo tặng 60 hộ đồng bào nghèo; huy động hàng nghìn ngày công giúp nhân dân làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, cải tạo vườn tạp, trồng rau, cây ăn quả, cây cà phê, cao su, thu hoạch mùa...
Khi chúng tôi nhắc đến những mô hình giúp dân của Ban CHQS huyện Sa Thầy (Kon Tum), anh A H'Mão, Phó chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, nói ngay: “Những việc làm và nghĩa cử của bộ đội với nhân dân không gì đong đếm được. Ya Xiêr là một xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lên đến 32,7% nên chúng tôi trân trọng mọi nguồn lực, mọi hoạt động hỗ trợ, giúp dân thoát nghèo. Nhiều thôn, làng có đường sá sạch đẹp, cháu A Hân, A Háo không phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn, vườn cây của chị Y Rưới, ông A Hiểu, A Nhức và nhiều hộ gia đình khác luôn xanh tốt là nhờ công sức của các anh bộ đội. Các anh tận dụng mọi thời gian để về từng thôn làng, đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Thực hiện cuộc vận động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn cho thấy quyết tâm chính trị cao và cách làm hiệu quả, tạo niềm tin, động lực cho đồng bào phấn đấu”.
Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết: Cuộc vận động được tỉnh Kon Tum triển khai chưa lâu nhưng có sức lan tỏa sâu rộng. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và LLVT, các đoàn thể chính trị-xã hội đã tuyên truyền, hỗ trợ, khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo của đồng bào DTTS. Toàn tỉnh Kon Tum đã huy động hơn 18 tỷ đồng để hỗ trợ 1.357 hộ nghèo, 897 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 |
Lãnh đạo xã Ya Xiêr và cán bộ Ban CHQS huyện Sa Thầy đến thăm, động viên hai cháu A Hân, A Háo. |
Đối với LLVT tỉnh Kon Tum, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định, thực hiện cuộc vận động không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là tình cảm và sự tri ân đối với nhân dân. Từ đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương lựa chọn nội dung, hình thức, mô hình phù hợp để giúp nhân dân. Tập trung vào tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào từ bỏ tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Kết hợp cuộc vận động với Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị để phát huy sức mạnh tổng hợp và tối ưu hóa các nguồn lực giúp dân. Nhờ đó, LLVT tỉnh cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tuyên truyền, vận động 9.346 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 36,27%) thay đổi nếp nghĩ, cách làm; 8.660 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 33,55%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất...
NGUYỄN ANH SƠN