Do đó, việc xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) vững mạnh để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và sẵn sàng đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù là vấn đề hết sức cấp thiết, được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Thành công của việc xây dựng LLVT trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến là một trong những nét đặc sắc trong nghệ thuật lãnh đạo của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng chỉ đạo củng cố, tăng cường LLVT. Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng gồm Văn phòng và các cục chuyên môn.
Cùng với kiện toàn về tổ chức, công tác đào tạo cán bộ cho LLVT được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) chú trọng, giữa năm 1946, các trường: Quân chính Bắc Sơn, Võ bị Trần Quốc Tuấn, Lục quân Quảng Ngãi và tại các chiến khu, các trường quân chính bổ túc, đào tạo cán bộ trung đội, tiểu đội được thành lập. Nhờ đó kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược.
Nhằm thống nhất về tổ chức, biên chế LLVT, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh số 33/SL và số 71/SL, tổ chức các đơn vị LLVT thành tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn...; chuyển Vệ Quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Theo đó, các chi đội Vệ Quốc đoàn ở Bắc Bộ, Trung Bộ được chấn chỉnh về tổ chức, thống nhất biên chế theo từng đơn vị cấp trung đoàn và tiểu đoàn độc lập. Riêng Nam Bộ, do chưa đủ điều kiện chấn chỉnh các chi đội thành trung đoàn nên vẫn tổ chức 25 chi đội.
 |
Đội Cảm tử quân Hà Nội trong ngày thành lập với lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Ảnh tư liệu |
Ngày 29-6-1946, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập 3 trung đội pháo, gồm: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh. Ngoài ra, LLVT tập trung của các khu, tỉnh, mỗi huyện tổ chức một trung đội đến một đại đội tự vệ, mỗi thôn, ấp đều có trung đội dân quân du kích. Nhiều địa phương tổ chức các ban trinh sát, quân báo, công an xung phong... hoạt động ở các thành phố, thị xã.
Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng họp, quyết định đẩy mạnh hơn nữa công tác xây LLVT, chú trọng nhất là chất lượng để sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Đặc biệt, hội nghị nhấn mạnh việc tăng cường LLVT về chính trị. Để lãnh đạo kháng chiến sát với từng địa phương, Trung ương Đảng quyết định thành lập một số khu ủy...
Cuối tháng 11-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11).
Tại cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo Nghị quyết của Thường vụ: Một là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng ở Hà Nội càng lâu càng tốt, giúp cho các địa phương khác chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Hai là, phải thấu triệt chủ trương giữ gìn lực lượng của ta, lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài để cùng toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ba là, Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng, sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, công an, đoàn kết giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.
Ngày 13-12-1946, Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy triệu tập hội nghị các khu trưởng (từ Khu 4 trở ra) giao nhiệm vụ cụ thể cho LLVT ở từng khu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị xã. 4 ngày sau, quân Pháp gây hấn ở Thủ đô Hà Nội.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 17 và 18-12-1946, Hội nghị bất thường Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định phát động cả nước kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.
Tối 19 rạng sáng 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát động toàn quốc kháng chiến vào thời điểm đó là quyết tâm chiến lược đúng đắn, kịp thời và sáng tạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quyết định lịch sử này phản ánh đúng nguyện vọng và ý chí độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, phản ánh đúng quy luật. Hơn nữa, đến đây LLVT sau một thời gian củng cố, xây dựng đã lớn mạnh vượt bậc, sẵn sàng cho cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược.
Có thể nói, xây dựng LLVT chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến là một trong những thành tựu nổi bật, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. LLVT, nhất là bộ đội chủ lực phát triển cả về quân số và quy mô tổ chức, biên chế; đồng thời, bước đầu được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật.
Dù mới được xây dựng, trang bị còn thô sơ, lạc hậu và thiếu thốn, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nhưng LLVT có tinh thần chiến đấu cao, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc mới giành được.
Thực tiễn xây dựng lực lượng trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến để lại nhiều kinh nghiệm quý, đó là: Phải xác định đúng vị trí, nhiệm vụ xây dựng LLVT chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài; dựa chắc vào dân để xây dựng, phát triển LLVT ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng LLVT từng bước vững mạnh toàn diện, coi trọng trước hết là xây dựng lý tưởng, tinh thần chiến đấu...
Trong tình hình mới, việc vận dụng những bài học kinh nghiệm xây dựng LLVT trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, phải xác định đúng tầm quan trọng của việc xây dựng LLVT, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, xây dựng sức mạnh toàn diện và sức chiến đấu của quân đội và LLVT, bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội nói riêng và LLVT nói chung; giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của quân đội; nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm cho quân đội, LLVT tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, là cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam