* Một số thông tin cơ bản liên quan đến sự kiện 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ hy sinh:
- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước tình hình đế quốc Mỹ sử dụng không quân leo thang đánh phá miền Bắc, Đại đội dân quân pháo phòng không Lam Hạ (thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) đã được thành lập tháng 8-1965.
- Trong biên chế của đại đội có 1 trung đội nữ, gồm 24 đồng chí, thuộc 3 thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm.
- Nhiệm vụ của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ là tổ chức huấn luyện các vị trí pháo thủ từ số 1 đến số 6, sẵn sàng thay thế kịp thời khi bộ đội pháo cao xạ hiệp đồng tác chiến trên địa bàn bị thương vong; ngoài ra còn làm nhiệm vụ tiếp đạn, cứu thương, phục vụ chiến đấu.
- Trong những trận đối đầu quyết liệt với không quân Mỹ, 6 nữ dân quân đã hy sinh ngày 1-10-1966, 3 nữ dân quân hy sinh ngày 9-10-1966 và 1 nữ dân quân hy sinh ngày 7-7-1967, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh và Đặng Thị Chung.
- Năm 2010, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân; cá nhân liệt sĩ Nguyễn Thị Thi được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
|
Tiến sĩ Nguyễn Minh San, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam:
Lịch sử cần có những trang vàng vinh danh 10 nữ liệt sĩ
Tầm vóc và ý nghĩa chiến công của 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ rất lớn lao, song rất tiếc, trong một thời gian dài vừa qua, hình ảnh và chiến công của mười cô Lam Hạ hầu như vắng bóng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh San. Ảnh: Hoàng Hà.
Có thể nói, chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ dân quân Lam Hạ là một trong những chiến công mở đầu cho những trang huyền thoại về những nữ dân quân, thanh niên xung phong đã hy sinh cả tuổi xuân để bảo vệ những tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, như: 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (hy sinh ngày 24-7-1968); 13 cô gái thanh niên xung phong mở đường ở Truông Bồn (hy sinh ngày 31-10-1968); 8 cô thanh niên xung phong làm đường hy sinh trong Hang Tám cô, Quảng Bình (ngày 14-4-1972)...Chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ là tấm gương sáng về sự kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam có từ thuở Hai Bà Trưng, Bà Triệu.
Chiến tranh không có gương mặt đàn bà là câu chuyện ở đâu, chứ ở Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mấy nghìn năm qua, không có cuộc chiến nào là không có gương mặt phụ nữ. Và trong cuộc đối đầu với các loại phi cơ hiện đại của không quân Mỹ, 10 nữ dân quân Lam Hạ không chỉ làm chủ được các loại pháo 37 ly, 57 ly, 100 ly, mà còn là những người gan dạ, dũng cảm, xem thường cái chết, nhìn thẳng vào những “thần sấm”, “con ma”, bình tĩnh đạp cò tiêu diệt chúng.
Thiết nghĩ, lịch sử Phụ nữ Việt Nam cần phải có những trang vàng vinh danh 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cần có một vị trí xứng đáng để giới thiệu hình ảnh và chiến công của 10 cô; lịch sử Phòng không-Không quân Việt Nam cần phải ghi mốc son chói lọi chiến công của 10 liệt nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.
Đại tá Nguyễn Thành Hữu, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử, Bộ Tổng tham mưu:
Cần bảo tồn, phục dựng, tôn tạo một số địa danh gắn với sự kiện
Chiến tranh đã lùi xa, những tháng năm khốc liệt mà hào hùng dần đi vào lịch sử. Để tiếp tục động viên sức mạnh vật chất cũng như tinh thần, khơi dậy niềm tự hào về mảnh đất Hà Nam giàu truyền thống anh hùng cho các thế hệ mai sau, chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn, phục dựng, tôn tạo một số địa danh gắn với sự kiện lịch sử hào hùng của quê hương.
Đại tá Nguyễn Thành Hữu. Ảnh: Hoàng Hà.
Chúng ta biết rằng, cầu xe lửa và cầu đường bộ qua sông Châu, vốn là mục tiêu quan trọng bậc nhất, hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của Mỹ, nay đoạn sông có những cây cầu ấy bắc qua đã bị lấp đi. Di tích này cần được phục dựng, vinh danh bằng cách xây dựng bia ghi danh, hay làm biểu trưng, hoặc bức phù điêu mang đầy đủ nội dung, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được sự kiện lịch sử hào dùng đã ghi dấu tại nơi đây.
Đặc biệt, các trận địa phòng không năm xưa cần phải được tôn tạo và phục dựng; đồng thời nghiên cứu dựng bia nêu khái quát về các trận đánh và ghi danh những người đã ngã xuống tại các trận địa.
Riêng trận địa pháo phòng không tại thôn Đường Ấm (Lam Hạ), nay là nơi đứng chân của Trường Tiểu học Lam Hạ, có thể coi là nơi giáo dục truyền thống vô cùng ý nghĩa cho các thế hệ học sinh. 50 năm trước, trận đánh ngày 9-10-1966 diễn ra tại trận địa này, chính là nơi các cháu tập trung khai giảng, chào cờ, mít tinh, liên hoan văn nghệ, vui chơi ngày nay. Nên chăng, tại khu trung tâm của sân trường, chúng ta dựng một tượng đài chiến thắng hay một bức phù điêu trang nghiêm thể hiện khái quát hoạt động chiến đấu, sự hy sinh anh dũng của các dân quân và chiến sĩ pháo cao xạ ngay trên sân trường này.
Địa phương cũng cần đánh giá tổng quan, chính xác toàn bộ thành tích chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các nam, nữ dân quân để vinh danh xứng đáng. Ngoài ra, khi tôn vinh 10 liệt nữ dân quân Lam Hạ, cũng cần tôn vinh các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trận đánh và các nam dân quân đã hy sinh, cũng như các nam, nữ dân quân khác đã tham gia chiến đấu trong những ngày khói lửa cách đây 50 năm.
Nhà báo Thế Vĩnh, Báo Hà Nam:
Chốt thép sông Châu và Trận thắng ở tọa độ lửa Đình Tràng
Trong thời gian không quân Mỹ leo thang mở rộng đánh phá miền Bắc (1965-1972), với vị trí vô cùng hiểm yếu, xã Tiên Hòa (gồm các thôn Lạc Tràng, Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm. Sau đó Tiên Hòa sáp nhập với xã Tiên Hồng thành xã Lam Hạ, nay là phường Lam Hạ - pv) được coi như một “cánh cung phòng không” vững chắc bảo vệ bầu trời phía Bắc thị xã Hà Nam. Đặc biệt, các trận địa phòng không Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm được ví như những “mũi lao thép” chọc thẳng vào bụng máy bay địch mỗi khi chúng từ hướng Tây Bắc bổ nhào trút bom xuống các trọng điểm của thị xã. Có những thời gian cao điểm, tất cả các trận địa pháo từ 37 đến 100ly, các loại súng máy 12 ly 7, 14 ly 5, súng trường đều chốt ở các vị trí trên địa bàn Tiên Hòa, tạo thành “Chốt thép tả ngạn sông Châu”. Hơn 8 năm làm nhiệm vụ giữ cầu đường bộ, cầu đường sắt qua sông Châu, giữ ga, giữ Quốc lộ 1A, các trận địa ở “Chốt thép tả ngạn sông Châu” đã nổ súng hàng trăm trận, đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của máy bay địch, bảo vệ àn toàn các mục tiêu.
Nhà báo Thế Vĩnh. Ảnh: Hoàng Hà.
07 giờ sáng ngày 7-11-1965, năm tốp máy bay Mỹ từ sau dãy núi phía Tây huyện Kim Bảng (Hà Nam) ngược lên phía Bắc rồi đồng loạt tập kích cầu và ga Phủ Lý. 2 tốp máy bay phản lực khác từ phía Đông Bắc tập kích trận địa pháo 37 ly tại Đình Tràng. Do dự báo đúng và chuẩn bị chu đáo, tất cả các trận địa phòng không đều nhất loạt nhả đạn, khiến hàng trăm trái bom có trọng lượng từ 300-750kg ném trượt mục tiêu. Một máy bay địch trúng đạn, tên thiếu tá phi công kịp nhảy dù song bị dân quân Kim Bảng bắt sống; trong khi xác máy bay cắm xuống sân Nhà thờ Phủ Lý.
Trong trận đánh ngày 7-11-1965 đã xuất hiện nhiều tấm gương dân quân chiến đấu dũng cảm quên mình. Xạ thủ Đỗ Văn Kính bị thương vào tay phải nhưng vẫn cắn răng dùng ngón tay trỏ của tay trái tiếp tục bóp cò súng đánh trả địch. Xạ thủ dự bị Vũ Tranh Đấu dùng hai tay nắm chặt hai càng súng, dùng thân thay bệ tì để đồng đội nhả đạn vào phi cơ địch...
“Chiến thắng trận đầu” của trận địa phòng không Lam Hạ ngày 7-11-1965 còn được gọi bằng cái tên đầy tự hào: “Trận đánh thắng máy bay Mỹ của tọa độ lửa Đình Tràng”.
HOÀNG HÀ (lược ghi)