Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đại biểu trò chuyện với các cựu nữ dân quân Lam Hạ.
Tới dự hội thảo có các đồng chí: nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; đại diện Cục Dân quân Tự vệ (Bộ Tổng tham mưu); đại diện gia đình và đồng đội của 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử và nhà khoa học.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo là một trong các hoạt động trọng tâm trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ hy sinh (1-10-1966/1-10-2016).
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tiếp tục làm rõ hơn nữa về tinh thần chiến đấu hy sinh của quân và dân tỉnh Hà Nam, trong đó có 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm tuyên truyền để cán bộ, nhân dân Hà Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời để đồng bào và chiến sĩ cả nước hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của quê hương Hà Nam anh hùng .
30 tham luận gửi về hội thảo và các tham luận được trình bày trực tiếp đã làm rõ hơn quá trình xây dựng, chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước tình hình đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Đại đội dân quân pháo phòng không Lam Hạ (thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) đã được thành lập (tháng 8-1965), trong đó 1 trung đội nam và 1 trung đội nữ. Trung đội nữ có 24 đồng chí, thuộc 3 thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm. Các dân quân được huấn luyện các vị trí pháo thủ từ số 1 đến số 6, sẵn sàng phối hợp kịp thời với bộ đội pháo cao xạ trong tác chiến. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Trung đội nữ còn tích cực tiếp đạn, cứu thương và thực hiện các nhiệm vụ phục vụ chiến đấu khác. Trong những trận đối đầu quyết liệt ấy, đã có 10 nữ dân quân đã hy sinh trong các ngày 1-10-1966, 9-10-1966 và 7-7-1967, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh và Đặng Thị Chung.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của Hà Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ địa bàn Phủ Lý và tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc; khẳng định truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của quê hương Lam Hạ chính là ngọn nguồn sức mạnh của 10 cô gái Lam Hạ; làm rõ tầm vóc và ý nghĩa chiến công của 10 cô gái dân quân pháo phòng không Lam Hạ trong kháng chiến chống Mỹ.
Các cựu nữ dân quân phòng không Lam Hạ tham dự hội thảo.
Hội thảo cũng đánh giá cao hoạt động tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ Hà Nam nói chung, 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ nói riêng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Hà Nam trong những năm qua. Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cấp quy mô đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ; nâng cấp và mở rộng Khu di tích - Văn hóa tâm linh và phục dựng trận địa pháo cao xạ của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ; đề nghị các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tấm gương chiến đấu, hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân của 10 cô gái Lam Hạ; kiến nghị cần phát động cuộc Cuộc vận động sáng tác Văn-Thơ-Ca khúc và Tượng đài “Mười liệt nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ” ...
Trước đó, vào tối 1-10, Thành đoàn Phủ Lý đã tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Phủ Lý.
Tin, ảnh: HOÀNG HÀ