Với tinh thần cảnh giác cao, sau khi phát hiện tàu khu trục Ma-đốc, số hiệu 731 xâm phạm từ vùng biển Quảng Bình đến khu vực biển Hòn Mê (Thanh Hóa), có lúc cách bờ 6 hải lý, để vừa do thám điện tử, vừa uy hiếp thuyền đánh cá của nhân dân ta, Quân chủng Hải quân đã báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ đạo Tiểu đoàn 135 điều Phân đội 3 gồm các tàu phóng lôi: 333, 336 và 339 hiệp đồng với biên đội 2 tàu tuần tiễu 140 và 146 (Khu Tuần phòng 1) tiến công đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc.

Tàu hải quân bắn máy bay Mỹ trên vùng biển Quảng Ninh ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu

Sau khi tiến hành mọi công tác chuẩn bị, tổ chức chờ thời cơ ở vùng biển Hòn Mê, chiều 2-8-1964, Phân đội 3 nhận được lệnh xuất kích tiến công tàu khu trục Ma-đốc đang ở Đông Nam Hòn Nẹ 10 hải lý. 14 giờ 52 phút, ra-đa tàu ta phát hiện tàu khu trục và được lệnh cơ động tiếp cận đánh địch. Ngay sau đó, tàu Ma-đốc cũng phát hiện được tàu ta, vừa bắn pháo dồn dập vào tàu của Phân đội 3, vừa tăng tốc độ chạy ra xa, đồng thời gọi máy bay trên tàu sân bay ở ngoài khơi biển Đà Nẵng chi viện đánh phá các tàu của ta. Quyết không để tàu địch chạy thoát, các tàu phóng lôi tăng tốc chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công và phóng ngư lôi. Quá trình chiến đấu, các tàu phóng lôi vừa vận động tránh đạn, sử dụng súng máy bắn quét lên mặt boong tàu Ma-đốc và bắn máy bay địch, vừa tổ chức dập lửa, sửa máy tàu, cấp cứu thương binh, cứu kéo lẫn nhau. Các tàu của Phân đội 3 tuy bị thương, nhưng đều về cập bến ở vùng ven biển Lạch Trường (Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Đây là trận chiến đấu đầu tiên của hải quân ta với hải quân và không quân hải quân Mỹ. Mặc dù thua kém địch rất nhiều về vũ khí trang bị, nhưng Phân đội 3 đã thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên và ý chí dám đánh, biết đánh và đánh thắng quân xâm lược.

Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 4-8-1964, vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam “cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế một lần nữa” để lấy cớ dùng không quân mở cuộc tập kích lớn ra miền Bắc, từ trưa đến chiều 5-8-1964, đế quốc Mỹ huy động 64 lần chiếc máy bay các loại mở cuộc tập kích mang tên “Chiến dịch Mũi tên xuyên” (Pierce Arrow Operation), chia thành 3 đợt tập trung đánh phá các căn cứ, khu trú đậu và tàu thuyền của Hải quân ta ở các khu vực Cảng Gianh (Quảng Bình); ven biển Vinh, Cửa Hội (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy-Quảng Ninh.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức cho bộ đội sơ tán kịp thời, giảm đáng kể thiệt hại do bom đạn địch gây ra cho người và cơ sở vật chất kỹ thuật; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng pháo cao xạ, công an vũ trang, dân quân, tự vệ và nhân dân ven biển các địa phương chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bảo vệ các mục tiêu được phân công, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc A4D Skyhawk, bắt sống phi công Mỹ. Đây là trận đánh có ý nghĩa lớn về chính trị và quân sự, cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta.

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 có ý nghĩa khẳng định hải quân và quân, dân ta dám đánh Mỹ và giành thắng lợi. Từ kết quả và kinh nghiệm chiến thắng trận đầu, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc trên chiến trường sông, biển của ông cha, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nên Bộ đội Hải quân trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, nhất là về bản lĩnh, mưu trí sáng tạo, kiên cường bất khuất, dám đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đang xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có đủ thành phần lực lượng, bảo đảm tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trên hướng biển, đảo. Những bài học về đánh thắng trận đầu vẫn còn nguyên giá trị, được nghiên cứu vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến hải quân, xây dựng lực lượng hải quân làm nòng cốt cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

DƯƠNG HÀ