Chiến tích hào hùng
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được gặp các thành viên Ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ, những người từng là niềm tự hào của lực lượng vũ trang cách mạng và là nỗi kinh hoàng của kẻ thù trong các thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước. Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó trưởng ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ, tiền thân của Đội Biệt động Cần Thơ là các đơn vị vũ trang được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, như: “Thanh niên tiền phong”, “Sát gian Đảng” và đến tháng 12-1946 đổi tên là “Vệ thám phòng”, “Đội tự vệ thành”... Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức biệt động đã tham gia 185 trận đánh, diệt, làm bị thương gần 2.000 tên địch, thu 163 súng các loại, phá hủy 18 xe quân sự, 2 cây cầu, 14 kho vũ khí, kho xăng dầu của địch.
 |
Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ tổ chức lễ giỗ chung (năm 2022) cho các đồng đội đã hy sinh. Ảnh: DŨNG VÕ
|
Năm 1960, lực lượng biệt động được tổ chức thành Đội Biệt động vũ trang thị xã Cần Thơ. Giai đoạn 1965-1975, từ Đội Biệt động vũ trang thị xã Cần Thơ phát triển lên thành 5 đội biệt động. Ông Văn Đình Thanh, nguyên chiến sĩ Đội Biệt động Cần Thơ nhớ lại: “Các trận đánh của lực lượng biệt động đã thể hiện được tinh thần kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, bám đất, bám dân. Ví như: Năm 1968, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh vào Sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật. Tình hình tác chiến trong lòng địch cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.
Nhưng dưới sự hỗ trợ, đùm bọc của quần chúng nhân dân, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có trận đánh đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, chỉ 13 cán bộ, chiến sĩ với vũ khí hạn chế đã dũng cảm tấn công Bộ tư lệnh Vùng 4 của địch... Trong các trận đánh, nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Tấm gương của các đồng đội đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc trong đồng bào và nhân dân”.
Đến căn cứ Vườn Mận (Cần Thơ), chúng tôi rất xúc động khi được nghe câu chuyện về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi (má Hai Tiểu). “Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khu vực Vườn Mận của gia đình má Hai Tiểu được chọn làm Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 9. Đây là một trong những "căn cứ lõm" của lực lượng cách mạng, địch bố trí rất nhiều đồn bốt với nhiều lực lượng tinh nhuệ tuần tra, canh gác ngày đêm.
Ở trận đánh này, lực lượng biệt động chỉ có 45 người, nhưng với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, tắt lửa nấu cơm trước trời sáng”, qua 6 ngày đêm, chúng tôi đã bẻ gãy được 13 đợt tấn công, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 74 tên địch. Nhưng thật đau buồn, má Hai Tiểu đã anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ đội biệt động”, Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ, Trưởng ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ, bùi ngùi tâm sự.
Kết vòng tay ấm
Nhận được căn "Nhà đồng đội" do Ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ trao tặng mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Phú Lộc, xã Đông Phú, huyện Châu Thành (Hậu Giang) rất vui mừng và xúc động. Bà Hồng nguyên là cán bộ giao liên công khai thuộc Đội Biệt động Cần Thơ, có hoàn cảnh rất khó khăn về nhà ở. “Hơn 60 tuổi rồi, nếu không có sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới được ở trong căn nhà ấm cúng như ngày hôm nay”, bà Hồng rưng rưng nói.
Từ năm 2009 đến nay, Ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ đã vận động, quyên góp, hỗ trợ xây, sửa chữa được hơn 10 căn nhà tặng các hội viên, mỗi căn nhà từ 20 đến 35 triệu đồng. Ngoài ra, ban liên lạc còn tổ chức thăm hỏi hàng chục hội viên ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức thu thập thông tin 679 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ Thành đội, gia đình có công nuôi biệt động ở nội thành và ven thành phố; trong đó đã thu thập thông tin, lập xong danh sách 206 hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ.
Ban liên lạc còn thực hiện hiệu quả hoạt động giao lưu, 110 buổi nói chuyện truyền thống với 25.442 người tham dự. Để trực quan, sinh động, Ban liên lạc đã tái hiện diễn biến các trận đánh lớn của lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ qua trình chiếu Power Point như: Trận Ông Hào (ngày 8-6-1965); trận Ông Cửu (ngày 10-6-1968) của Tiểu đoàn Tây Đô; trận Vườn Mận (từ ngày 28-9 đến 3-10-1970)...
Đại tá Võ Tấn Dũng khẳng định: “Ban liên lạc truyền thống CCB Biệt động Cần Thơ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra: Giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân; là cầu nối gắn kết đồng chí, đồng đội, thân nhân liệt sĩ để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; động viên nhau gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia giáo dục truyền thống cho cán bộ, sinh viên, học sinh... giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó tích cực học tập, rèn luyện, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển”.
Bài và ảnh: CHÂU SA