Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công) được lệnh cấp tốc hành quân xuống phía Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 29-4-1975, đơn vị được giao nhiệm vụ tập kích 3 mục tiêu là cầu Bông, cầu Sáng và thành Công Binh. Thành Công Binh nằm trên Đường số 22 (từ Tây Ninh về Sài Gòn), cách Sài Gòn-Gia Định khoảng 15km về phía bắc. Địa thế bằng phẳng, nhiều sông suối, đồng ruộng, đầm lầy. Lực lượng địch tại đây có khoảng 600 tên, chủ yếu là công binh; công sự kiên cố, hỏa lực khá mạnh, xung quanh mục tiêu có nhiều lớp hàng rào, địa hình trống trải nên khó khăn trong cơ động tiếp cận.

Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 1 vượt đường 16 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu Bảo tàng Binh đoàn Quyết thắng. 

Sau khi trinh sát nắm địch, địa hình, Tiểu đoàn 5 (trước là Tiểu đoàn 37) thuộc Trung đoàn Đặc công 198 được phân công tập kích thành Công Binh. Tiểu đoàn xây dựng phương án tác chiến: Bí mật cơ động lực lượng luồn qua các tuyến canh phòng của địch để tiếp cận mục tiêu, chuẩn bị trận địa xuất phát tiến công. Đến giờ hiệp đồng, sử dụng hỏa lực đánh phá mục tiêu chủ yếu, quan trọng; dùng mìn định hướng nhanh chóng mở cửa đưa lực lượng vào trong thực hiện thọc sâu, chia cắt đội hình địch, tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại phản kích, chiếm giữ mục tiêu.

Theo phương án tác chiến, 3 giờ ngày 29-4, các lực lượng của Tiểu đoàn 5 vào chiếm lĩnh, bố trí binh, hỏa lực. Hai tiếng đồng hồ sau, các chiến sĩ đặc công dùng súng B40, B41 bắn vào các lô cốt phía cổng chính, sau đó thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt địch. Khi Đại đội 3 (Tiểu đoàn 5) men theo mép kênh Sáng đánh mũi vu hồi thì địch tập trung hỏa lực ngăn chặn. Đến 8 giờ 30 phút, địch cho xe bọc thép ra phản kích nhưng bị ta bắn cháy. Với sự chi viện kịp thời của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), 14 giờ ngày 29-4, Tiểu đoàn 5 làm chủ trận địa, chiếm giữ mục tiêu.

Trận này ta tiêu diệt 54 tên, bắt sống 225 tên, phá hủy, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện của địch. Thắng lợi của trận đánh cho thấy ý chí, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5. Mặc dù công tác tổ chức rất gấp, không có điều kiện trinh sát kỹ, phương tiện chiến đấu hoàn toàn khác với sở trường của đơn vị nhưng cán bộ, chiến sĩ đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hiệp đồng chặt chẽ về thời gian, địa điểm, đánh đúng mục tiêu được giao, nhanh chóng làm chủ mục tiêu để mở hành lang cho các cánh quân của Quân đoàn 3 và các đơn vị chủ lực thọc sâu vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy vào ngày 30-4-1975.  

CHÍ DŨNG

(Theo cuốn “Một số trận chiến đấu của lực lượng đặc công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”)