Tổng kho Long Bình là căn cứ hậu cần dự trữ chiến lược quan trọng nhất miền Nam của địch. Ngoài bom đạn, xăng dầu, đây còn là nơi tập trung nhiều loại phương tiện chiến tranh khác của địch. Để bảo vệ kho, địch bố trí từ 7 đến 9 lớp, có hướng lên tới 12 lớp hàng rào các loại. Xen kẽ giữa các lớp rào, chúng còn bố trí nhiều bãi mìn vướng nổ, đè nổ để ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài. Lực lượng tại đây có khoảng 2.000 tên. Kho 53 nằm trong Tổng kho Long Bình có 18 dãy kho gồm 200 gian chứa hàng (hầu hết là bom đạn) với việc canh phòng vô cùng nghiêm ngặt.
 |
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Trước đây, các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã nhiều lần tổ chức đánh Kho 53 nhưng chưa đạt được ý định. Vì thế, địch luôn đề phòng, tăng cường nhiều biện pháp đối phó. Để chắc thắng trận này, Trung đoàn Đặc công 113 tổ chức mũi trinh sát đột nhập mục tiêu, nắm chắc quy luật tuần tra, canh gác của địch, số lượng, kết cấu nhà kho... xây dựng phương án tác chiến. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, trung đoàn đã xác định cách đánh là phá hủy bí mật; tổ chức sử dụng 57 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Đặc công 113, chia làm hai bộ phận, gồm bộ phận đánh nội tuyến và bộ phận bảo vệ hành lang.
Đêm 12-8-1972, bộ phận đánh Kho 53 bí mật cơ động tiếp cận mục tiêu, khắc phục các lớp hàng rào, luồn sâu lót sát những nhà kho. 1 giờ 40 phút ngày 13-8, các chiến sĩ đã đặt xong bộc phá hẹn giờ vào các kho theo thứ tự từ trong ra ngoài, từ xa đến gần cửa mở. 3 giờ sáng, bộc phá phát nổ, kích hoạt bom đạn trong Kho 53 phát nổ tạo thành biển lửa trùm lên toàn bộ khu Kho 53, kéo dài đến chiều 15-8. Trận đánh làm cả thị xã Biên Hòa náo động, khiến địch hoảng loạn. Các lực lượng bảo vệ kho, cứu hỏa, cảnh sát... ùn ùn kéo đến nhưng không dám lại gần, bất lực nhìn kho dự trữ chiến lược của mình chìm trong biển lửa.
Kết quả trận đánh, ta phá hủy 130 nhà kho chứa 5.430 tấn bom đạn, 200 tấn chất nổ, thiêu cháy hàng triệu lít xăng dầu, diệt và làm bị thương 300 tên địch. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ta rút về căn cứ an toàn trong niềm vui mừng khôn xiết của nhân dân vùng hậu cứ. Thắng lợi của trận đánh đã cho chúng ta bài học: Trong khi đối phương tự mãn cho rằng Tổng kho Long Bình là nơi “bất khả xâm phạm” thì bị bộ đội đặc công bằng sự kiên trì, lòng dũng cảm, kỹ chiến thuật tinh thông đã giáng cho kẻ thù đòn chí tử.
PHẠM HẢI MINH (Theo Lịch sử Đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công)