Trong lúc lực lượng không quân đang tìm cách đối phó với địch thì tháng 9-1963, một phi công ngụy lái máy bay T-28 của Mỹ được trang bị vũ khí bay từ Lào sang Việt Nam, hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai đầu hàng. Cục Không quân chỉ đạo sử dụng chiếc máy bay T-28 làm nhiệm vụ đánh địch.

Tổ kỹ thuật gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tuấn, Đặng Đình Ninh, Lê Bá Phúc, Nguyễn Xuân Cầu và Dương Niết được giao nhiệm vụ nghiên cứu chiếc máy bay này. Sau hai tuần mày mò, tổ kỹ thuật xử lý hệ thống động cơ, hệ thống điện, vũ khí để đưa vào hoạt động. Cục Không quân giao nhiệm vụ cho hai phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước tập lái, có sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính viên phi công đã lái chiếc máy bay T-28 sang hàng ta.

Tư lệnh Lê Văn Tri (người đang đứng) báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn kế hoạch đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Ảnh tư liệu. 

Chỉ trong thời gian ngắn, hai phi công của ta đã làm chủ được máy bay T-28. Nhưng do máy bay cũ, chất lượng kém nên bay được ít giờ đã phát sinh nhiều trục trặc. Mọi việc tưởng như dừng lại ở đây thì đúng thời gian đó, một đơn vị cao xạ ở phía tây Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay T-28 của địch. Nhận được tin báo, Cục Không quân giao cho Xưởng A33 cử người vào nơi máy bay địch bị bắn rơi tiến hành tháo gỡ linh kiện, phụ tùng, vũ khí đưa ra Hà Nội dồn lắp để có một máy bay hoàn chỉnh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, chiếc T-28 chính thức được đưa vào hệ thống trang bị của Không quân nhân dân Việt Nam, mang số hiệu 963.

Đêm 15 rạng ngày 16-2-1964, địch cho một máy bay chở toán biệt kích bay theo dãy núi Trường Sơn hướng ra Thanh Hóa, định nhảy dù xuống khu vực này để phá hoại. Theo dõi đường bay của địch, đến cự ly thích hợp, sở chỉ huy ra lệnh cho các phi công lái máy bay 963 xuất kích. Đến vùng trời huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, dưới ánh trăng, phi công Nguyễn Văn Ba phát hiện chiếc C-123 của địch đang bay trước mặt. Anh cho máy bay áp sát mục tiêu, nhằm thẳng và siết cò. Chiếc máy bay địch trúng đạn, nghiêng hẳn về bên trái, mất độ cao và rơi xuống một khu rừng gần biên giới Việt-Lào. Máy bay 963 nhận lệnh trở về căn cứ an toàn. Một tên biệt kích sống sót bị quân và dân ta bắt tại chỗ.

Chiến công bắn rơi chiếc máy bay C-123 của địch tạo niềm tin, động lực để bộ đội không quân tiếp tục lập nên nhiều chiến công vẻ vang. 

ĐỨC NAM

(Theo cuốn "65 năm Không quân nhân dân Việt Nam", NXB Quân đội nhân dân, năm 2020)