Nhớ về trận đánh đầu tiên
Tháng 7-1974, chàng thanh niên Nguyễn Đình Thức (ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) theo tiếng gọi của non sông lên đường nhập ngũ. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả gốc Hà Nội, tuổi trẻ được cha mẹ yêu thương, chăm sóc nên anh Thức khá vất vả khi làm quen với môi trường quân ngũ. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, thanh niên Nguyễn Đình Thức đã vượt qua mọi khó khăn trong những ngày huấn luyện ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 3-1975, chiến sĩ Thức theo đơn vị Nam tiến.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thức cùng tấm hình kỷ niệm với các cựu chiến binh Đại đội 9. |
Tới chân đèo Hải Vân, anh được biên chế vào Tiểu đội Hỏa lực, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đơn vị anh Thức hành quân bất kể ngày đêm để theo đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam. Tuy không còn cảnh máy bay Mỹ ném bom, B-52 rải thảm nhưng chặng đường hành quân không kém phần gian khổ, mệt mỏi. Nhiều lúc, đôi chân người chiến sĩ cứ bước theo quán tính, còn người lả đi vì mệt và đói. Cứ người khỏe mang vác đồ đỡ đần người yếu, cùng động viên nhau vững bước quân hành.
Vượt qua nhiều chặng đường, Đại đội 9 được lệnh phối thuộc cho Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn Xe tăng 203 để tiến công giải phóng thị xã Phan Thiết. Đại đội 9 do đồng chí Dân, Chính trị viên phó đại đội trực tiếp chỉ huy. Đội hình mũi đột kích của đại đội được bố trí lên một xe thiết giáp K63. CCB Nguyễn Đình Thức cho biết: “Đây là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Ngày ấy, tôi mang theo nhiều quả đạn B41. Trước giờ ra trận, trong lòng rất hồi hộp, tất cả hình ảnh về quê hương, gia đình, bạn bè như một thước phim lóe lên trong trí óc...”.
Tuy sinh ra và lớn lên giữa thời chiến tranh và đã từng làm quen với tiếng bom đạn nhưng khi đối diện trực tiếp, ông Thức mới cảm nhận được sự khốc liệt của chiến trường. Là chiến sĩ hỏa lực B41, mỗi khi chỉ huy ra lệnh, anh Thức lại tì chắc súng B41 tiêu diệt hỏa lực và lô cốt của địch. 5 lần khai hỏa là 5 lần các điểm hỏa lực của địch câm lặng. Bằng những đòn tấn công như vũ bão, đội hình của ta nhanh chóng tiêu diệt địch phòng ngự vòng ngoài và tiến qua cầu vào giải phóng Phan Thiết.
Nén tiếc thương
“Tôi không nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh nữa. Bởi, chiến đấu cho đến khi đất nước hòa bình, thống nhất xong, tôi lại tiếp tục cùng Đại đội 9 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Chiến trận khốc liệt ở chiến trường, người chiến sĩ phải nêu cao quyết tâm chiến đấu và chấp nhận hy sinh”, CCB Nguyễn Đình Thức chia sẻ.
Quả thực, trước sự mất mát, hy sinh, nào có ai cầm được những tiếc thương trào dâng trong lòng. Trong trận đánh vào sân bay địch ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay thuộc tỉnh Bình Thuận), ông Thức đã phải vĩnh biệt anh Dân, Chính trị viên phó Đại đội 9. “Ngày đó là vào 22-4-1975, chúng tôi trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn Xe tăng 203, được lệnh giải phóng sân bay địch ở huyện Hàm Tân. Trong lúc tiến công, bỗng nhiên tôi thấy mặt ướt sũng, mùi máu tanh xộc vào mũi. Tôi ngồi sụp xuống, ôm đầu và nói: “Anh Dân ơi! Em trúng đạn rồi”.
Không thấy anh Dân trả lời, tôi ngước lên thì thấy anh từ từ ngã xuống. Hóa ra, anh bị một viên đạn bắn xuyên qua gáy do anh nhô lên cao hơn tôi nên máu của anh chảy tràn ra, tưới ướt cả đầu tôi. Tôi đỡ anh, người chỉ huy luôn bên tôi từ ngày đầu ra trận và đặt anh xuống với tâm trạng bàng hoàng, tiếc thương...”, ông Thức bồi hồi nhớ lại.
Sự ác liệt của chiến tranh là vậy, người chỉ huy thân thiết ra đi mà mình không thể khóc được, bởi còn phải tiếp tục chiến đấu và không được làm ảnh hưởng đến tinh thần của đồng đội. Đặc biệt, khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông Thức ở các vị trí chỉ huy từ cấp trung đội đến tiểu đoàn. Nhiều lúc phải kìm nén tâm trạng, chỉ dám rơi nước mắt lặng lẽ trong đêm tối.
Điển hình như từ tháng 4 đến tháng 11-1978, Đại đội 9 được lệnh lên chốt Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang) để ngăn quân phản động Pol Pot tiến công. Lúc đó, ông Thức là Trung đội trưởng Trung đội 3, có nhiệm vụ phòng ngự tuyến biển để địch không "chọc sườn". Trong 180 ngày đêm giữ chốt, nhìn thấy các đồng đội của mình bị thương vong, ông phải nuốt nỗi căm hờn và tiếc thương vào lòng để giữ vững "trận địa tinh thần" cho bộ đội đang căng mình trên trận địa phòng thủ để đánh tan nhiều đợt tiến công của địch...
“Những mất mát, đau thương và khó khăn đó, giờ đây lại được tuôn trào mỗi khi các cán bộ, chiến sĩ ở Đại đội 9 năm xưa gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về đồng đội, về chiến trận”, CCB Nguyễn Đình Thức khẳng định với chúng tôi như vậy.
Bài và ảnh: NGỌC GIANG