Bà trở thành niềm tự hào của lực lượng Tình báo Quốc phòng Việt Nam”-Đó là lời khẳng định của Trung tướng Phan Văn Việt, Chính ủy Tổng cục II tại Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung, vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Thượng úy, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) sinh năm 1932, trong một gia đình tiểu tư sản, buôn bán ở chợ Bến Thành (Sài Gòn), nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Năm 16 tuổi, bà theo cha mẹ về Vĩnh Long, rồi tìm ra vùng chiến khu và được giao nhiệm vụ ban đầu là lái đò đưa cán bộ qua sông. Sau đó, bà được đưa vào nội thành Sài Gòn làm giao thông viên bí mật. Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, 93 tuổi, nguyên Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn-Chợ Lớn, kể:
- Một trong những chiến công xuất sắc của Tám Thảo là vận chuyển 24 cuốn phim Kodak từ nội thành ra Củ Chi vào năm 1961. Sau khi nhận tài liệu từ điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo giấu kín trong giỏ, ăn mặc tươm tất trong vai tiểu thư đài các về quê ăn giỗ. Tám Thảo bắt xe đò ra Củ Chi, khi xe chạy tới địa phận Hóc Môn thì bị địch chặn lại, khám xét. Lúc này, Tám Thảo bình tĩnh, ứng biến mau lẹ trước tình huống nguy cấp. Khi bị yêu cầu xuống xe, Tám Thảo lại gần đứng bên tên chỉ huy, chủ động gợi chuyện khiến hắn không chú ý đến mình… Nhờ vậy, Tám Thảo đã bảo vệ an toàn tài liệu, đưa về căn cứ giao tận tay cho tôi. Đây là những tài liệu hết sức quan trọng, giúp ta nắm được ý đồ, biện pháp thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” cũng như kế hoạch phối hợp của Mỹ với ngụy quyền đàn áp cách mạng miền Nam.
 |
Thượng úy, CCB Nguyễn Thị Mỹ Nhung cùng đồng đội, người thân trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
|
Năm 1966, do đặc thù nhiệm vụ, cấp trên yêu cầu Tám Thảo phải tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, Tám Thảo xin được vào làm thông dịch trong bộ tư lệnh hải quân Việt Nam cộng hòa. Ở đó, Tám Thảo lần lượt giúp việc, thông dịch cho các đời trưởng phòng là cố vấn tình báo Mỹ. Để giữ mình, che mắt địch, trong sinh hoạt, công tác hằng ngày, Tám Thảo phải luôn tỉnh táo, khéo léo tạo niềm tin với “sếp” và những người xung quanh. Cách mà nữ tình báo Tám Thảo dùng để tạo vỏ bọc qua mặt hàng loạt mật thám, CIA Mỹ trong suốt thời gian dài chính là thái độ thân thiện, tính cách “phớt ăng-lê” và hơi “chảnh” của tiểu thư con nhà tư sản. Tám Thảo từng đập tay xuống bàn cự lại “sếp” khi bị yêu cầu làm việc thêm ngoài giờ, ngày nghỉ để được tăng lương. Nhớ lại chi tiết đó, bà kể:
- Hôm ấy là ngày làm việc cuối tuần, tên sĩ quan trưởng phòng bảo tôi làm thêm giờ, nhưng tôi nhất định không chịu. Hắn giận dữ, đập tay xuống bàn, quát: “Đi làm có thêm tiền, tại sao cô không đi?”. Tôi đứng phắt dậy, cũng đập bàn, đáp: “Ông có ngày chủ nhật của ông, tôi cũng có ngày chủ nhật của tôi. Tôi không cần tiền làm thêm giờ. Lương cả tháng không bằng tôi ở nhà buôn bán trong hai ngày”. Nghe vậy, tên trưởng phòng im bặt, lặng lẽ bỏ đi…
Trong con mắt của những nhân viên cùng phòng và người dân, tiểu thư Mỹ Nhung đi làm chỉ để kiếm chồng Mỹ và khoe sắc, khoe của. Bởi vậy, Mỹ Nhung được sĩ quan Mỹ tin tưởng, thậm chí còn bảo vệ khi có ai đó tỏ ý nghi ngờ cô. Chính sự khéo léo, tự tin đã giúp Mỹ Nhung vượt qua nhiều thử thách cam go, chuyển tài liệu ra ngoài trót lọt, nhất là sau khi cô vượt qua thử thách của chiếc máy kiểm tra nói dối. Nữ tình báo hồi tưởng:
- Sáng đó, khi tôi vừa đến sở làm việc thì tên thiếu tá “sếp” của tôi bảo lên xe jeep và chở đến một tòa nhà có căn phòng rất rộng. Ở đó, tôi thấy có chiếc máy khá lạ. Tôi chợt nhớ lời anh Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63) đã căn dặn và đoán chắc đó là chiếc máy kiểm tra nói dối. Tự nhủ lòng phải thật bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, tôi ngồi rất thoải mái trên ghế. Tên thiếu tá bước ra ngoài cửa đứng đợi. Một tên sĩ quan khác bước vào. Hắn bảo tôi: “Cô chỉ được nói tiếng Việt, không quá 3 từ”. Tôi liếc qua bản danh sách có khoảng hơn 20 câu hỏi. Cuộc khảo sát bắt đầu: “Cô người Bắc hay Nam?”. “Bắc”. “Anh cô tập kết ra Bắc phải không?”. “Phải”. “Một năm cô gửi mấy lá thư ra Bắc?”. Thoáng chút đắn đo, nếu nói không gửi hoặc gửi nhiều quá đều sẽ rất nguy hiểm, Mỹ Nhung quyết định trả lời: “Hai”…
Cứ thế, chúng hỏi Mỹ Nhung khá nhiều với thái độ thoải mái dần, không quá căng thẳng, nghiêm túc như lúc đầu. Quá trình kiểm tra, chúng kết hợp quay phim. Mỹ Nhung cũng đấu trí bằng cách nhớ lại tên các nhân vật trong những bộ phim đã từng xem, không còn quan tâm đến câu hỏi của chúng để tinh thần tỉnh táo cao độ, không bộc lộ một chút lo sợ. Với sự thông minh, khéo léo, nữ tình báo Tám Thảo đã chiến thắng chiếc máy hiện đại bậc nhất của tình báo Hoa Kỳ…
Còn biết bao việc làm thầm lặng của nữ tình báo Tám Thảo. Chính những chiến công của bà đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Cụm tình báo H63 anh hùng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, giúp non sông thu về một mối.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH