Ít ai biết rằng, ngày mới về nhận công tác tại Viện KHCNQS, anh phải bắt đầu từ việc làm quen với thực tế “mỏ hàn, con trở”. Nhưng anh xác định, việc chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và học qua thực tiễn nghiên cứu KHCN là chìa khóa mở ra sự hiểu biết và dẫn tới thành công.
 |
Đại úy Cao Việt Linh nghiên cứu về linh kiện khí tài radar (tháng 10-2019). |
Trung tá, Thạc sĩ Hà Huy Dũng, Trưởng phòng Thiết kế hệ thống, nhận xét: “Thông minh, nhanh nhạy, giỏi ngoại ngữ và đặc biệt là rất chịu khó nghiên cứu, học hỏi đã giúp đồng chí Linh nắm bắt và làm chủ công nghệ radar trong một thời gian ngắn. Nhận thấy đây là một cán bộ trẻ rất có tiềm năng, nên chỉ huy phòng mạnh dạn giao cho đồng chí Linh tham gia thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo vật tư thay thế cho khối nhân trong phân hệ lọc mục tiêu di động của đài radar KACTA-2E”. Sau gần một năm miệt mài vừa học hỏi, vừa nghiên cứu, Linh cùng các đồng đội đã chế tạo thành công được một khối nhân mới, gọn nhẹ, dễ sửa chữa, thay thế và giá thành lại rẻ hơn nhiều so với nguyên bản. Sản phẩm này đã đoạt giải nhì Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội. Tự tin với thành công đầu tay, sau đó đồng chí Linh chủ động đăng ký làm chủ nhiệm và tiếp tục thành công với đề tài “Nghiên cứu và thiết kế chế tạo thiết bị tính toán quỹ đạo bay mục tiêu cho radar hỏa lực MP-123”.
Cuối năm 2016, Cao Việt Linh được cử sang Nam Phi học tập, nghiên cứu, phát triển hệ thống radar biển. Dẫu đã có sự chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn phải đối mặt khi sang công tác, sinh hoạt ở môi trường mới, song có lúc những áp lực công việc và sự khác biệt văn hóa cũng gây khó khăn cho anh. Anh nhớ lại: “Lúc đầu tôi ở nhóm thiết kế điện và hỗ trợ phiên dịch, biên dịch, sau lại chuyển sang phụ trách nhóm phát triển phần mềm hiển thị radar. Khối lượng công việc lớn, lại phải nghiên cứu, học tập trong môi trường tiềm ẩn nhiều bất trắc, song trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tôi và các đồng nghiệp Việt Nam quyết tâm khắc phục bằng được khó khăn, gian khổ để nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới, làm hành trang trở về nước phục vụ nghiên cứu chuyên ngành radar".
Trung tá, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Radar đánh giá: Kết quả chuyển giao công nghệ mà nhóm nghiên cứu của Đại úy Cao Việt Linh mang về là cực kỳ hữu ích để viện có thể phát triển radar biển phục vụ hoạt động quân sự. Trước mắt, làm chủ được công nghệ này cũng có nghĩa là ta có khả năng chế tạo ra các chủng loại radar khác, giúp nâng cao năng lực giám sát, quản lý vùng biển, đảo cho hải quân. Với các thành tích đã đạt được, Đại úy Cao Việt Linh đã dần khẳng định năng lực và uy tín của bản thân trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN, góp phần giúp Viện Radar hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: BÙI HÀ