Trên cơ sở phân tích tình hình địch-ta, địa hình, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ rõ: Sài Gòn là một thành phố lớn, trung tâm kinh tế, chính trị, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, địch tổ chức phòng ngự nhiều tầng, nhiều lớp, lực lượng lớn, ở vòng ngoài cách trung tâm thành phố 30-50km, quân chủ lực bố trí rất mạnh (5 sư đoàn và 2 lữ đoàn) để ngăn chặn lực lượng của ta từ xa; các tuyến phòng ngự bảo vệ trung tâm đầu não rất vững chắc, các vùng quan trọng xung quanh Sài Gòn chúng xây dựng các căn cứ liên hợp hải-lục-không quân. Đây là hệ thống phòng ngự có sức đề kháng độc lập cao, thế liên hoàn chặt chẽ, có điều kiện hỗ trợ, chi viện, ứng cứu cho nhau khi một tuyến nào bị tiến công.
Để giành thắng lợi nhanh, làm tan rã, sụp đổ ngụy quyền trong thời gian ngắn nhất, ít thiệt hại về người và cơ sở vật chất, giữ nguyên vẹn những công trình kinh tế, văn hóa, Bộ chỉ huy chiến dịch đã vận dụng và thực hiện cách đánh rất sáng tạo: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành thế bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh của địch phòng ngự vòng ngoài; phối hợp chặt chẽ các lực lượng đặc công, biệt động, tự vệ... đánh chiếm trước các cầu, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến công, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy, tổ chức ngoài đánh vào, trong đánh ra, kết hợp "quả đấm mạnh" của bộ đội chủ lực với đánh nhỏ, đánh hiểm của các lực lượng tại chỗ, làm cho lực lượng địch bị chia cắt, phân tán. Đồng thời dùng lực lượng mạnh nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu trong nội đô (sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát).
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu |
Thực hiện kế hoạch tác chiến, quân ta đã nhanh chóng cơ động lực lượng, hình thành thế trận bao vây, chia cắt địch từ nhiều hướng. Hướng đông, đông bắc: Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4, cắt Đường số 1, áp sát Trảng Bom, sẵn sàng cắt đứt Đường số 15, Long Bình và sông Lòng Tàu, uy hiếp Biên Hòa, Vũng Tàu, làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Hướng tây và tây nam: Đoàn 232 và chủ lực Khu 8 cắt Đường số 4 ở nhiều đoạn từ Minh Hải, Cần Thơ, Mỹ Tho; Sư đoàn 5 áp sát Đường số 4 đoạn từ Tân An đến Cai Lậy, Sư đoàn 3 ở tây và đông sông Vàm Cỏ Đông để tiến công Đức Hòa-Hậu Nghĩa... Trên hướng bắc và tây bắc: Quân đoàn 1 (để lại Sư đoàn 308 bảo vệ miền Bắc) hành quân thần tốc từ miền Bắc vào triển khai đội hình ở nam Sông Bé (hướng bắc Sài Gòn). Quân đoàn 3 (thành lập ngày 26-3-1975) gấp rút hành quân vào khu vực Dầu Tiếng. Các đơn vị đặc công, biệt động vào ém sẵn tại các vị trí quy định ở vùng ven và cả trong nội thành, sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu, mở và bảo vệ đường tiến cho các binh đoàn cơ động tiến công; đường vận chuyển chiến dịch, chiến thuật đã được nối liền, nhiều bộ phận lãnh đạo và chính quyền cách mạng đã vào nội thành chuẩn bị cho việc nổi dậy của quần chúng vào tiếp quản thành phố.
Sau khi thực hiện bao vây, chia cắt, cô lập Sài Gòn, 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trên các hướng đồng loạt nổ súng tiến công, tiêu diệt lực lượng địch phòng ngự vòng ngoài theo kế hoạch đã thống nhất. Chiều 28-4-1975, các sư đoàn địch phòng ngự ở vòng ngoài bị tiêu diệt và tan rã. 5 giờ ngày 29-4-1975, ta tổng tiến công trên toàn mặt trận; sáng 30-4-1975, các cánh quân của ta trên các hướng đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt qua cầu Đồng Nai, cầu Sài Gòn, tiến thẳng vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện; Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, một bộ phận phối hợp với Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy; Quân đoàn 4 đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3 của ngụy ở Biên Hòa, thọc sâu vào trung tâm nội đô đánh chiếm cảng Bạch Đằng; Đoàn 232 đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát ngụy. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại bài học sáng tạo về nghệ thuật quân sự. Đó là, bao vây, chia cắt địch ra từng mảng, không cho chúng hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau, kết hợp chặt chẽ việc tập trung lực lượng ưu thế tuyệt đối đột phá tuyến phòng ngự bên ngoài với tiêu diệt quân địch ứng cứu, đồng thời thọc sâu vào trung tâm thành phố đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
ĐÀO VĂN ĐỆ