Theo lời kể của CCB Hà Văn Minh, thời điểm những năm 1947-1949, Việt Hòa nằm trong vùng địch tạm chiếm. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân trong xã đã thống nhất, đồng lòng, vùng lên đấu tranh chống trả quyết liệt các đợt tấn công càn quét và bình định của thực dân Pháp. Lực lượng du kích trong xã đã thường xuyên phối hợp hiệu quả với bộ đội huyện, tỉnh thực hiện phá tề, trừ gian, tiêu diệt các đồn, bốt.
 |
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ đón Huân chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các lão thành cách mạng tại xã Việt Hòa (tháng 1-2017).
|
Đầu năm 1950, với khẩu hiệu “diệt cán trừ thanh”, thực dân Pháp tăng cường vây ráp, trên địa bàn toàn huyện Khoái Châu, địch đã lập 86 đồn bốt, tháp canh trên tổng số 84 thôn, xóm. Bốt Lôi Cầu được thực dân Pháp xây dựng từ tháng 7-1950 nhằm phục vụ kế hoạch “dùng người Việt đánh người Việt” của chúng.
Tháng 12-1951, du kích xã Việt Hòa đã tích cực chủ động phối hợp với du kích các xã: Hồng Tiến (huyện Khoái Châu), Xuân Trúc (huyện Ân Thi), Nghĩa Dân (huyện Kim Động) cùng bộ đội chủ lực tỉnh, huyện thực hiện đánh nghi binh, tạo thời cơ thuận lợi để du kích thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa tiến thẳng vào sào huyệt địch tại bốt Lôi Cầu, uy hiếp và trực tiếp bắt sống 2 đại đội địch (đại đội Bảo An và đại đội Mê-lít); thu toàn bộ vũ khí trang bị, quân trang, quân dụng, điện đài của Pháp (gần 100 khẩu súng trường các loại, 10 khẩu tiểu liên, 4 khẩu súng cối). Đây là trận đánh ta giành được thắng lợi vang dội, bắt sống địch, thu nhiều vũ khí, điện đài…, song không tiêu tốn một viên đạn; ngay sau đó xã Việt Hòa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
 |
Thế hệ trẻ xã Việt Hòa tới tưởng niệm, tri ân các thế hệ cha anh tại nghĩa trang liệt sĩ xã.
|
Thời điểm năm 1953, bốt Vân Trì, xã Việt Hòa là bốt lớn nhất, tập trung lượng lớn quân địch. Bốt được xây dựng quy mô lớn với hệ thống lô cốt boong ke, nhiều lô cốt nửa chìm, nửa nổi do 1 tiểu đoàn hỗn hợp (2 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo, có 4 khẩu pháo 105mm, 1 phân đội chiến xa có 4 xe tăng và 4 xe bọc thép) đóng giữ. Để chuẩn bị thực hiện kế hoạch đánh bốt Vân Trì, lực lượng vũ trang xã đã tích cực phối hợp với bộ đội tỉnh, huyện tiến hành các bước từ trinh sát, nắm địch đến cách bố trí, sử dụng lực lượng, sử dụng vũ khí để chiến đấu. Kế hoạch đánh đồn Vân Trì được triển khai, chỉ đạo rất công phu. 20 giờ ngày 15-8-1953, bộ đội ta hành quân tới vị trí tập kết. Đến 24 giờ, khi cả 3 mũi đã ém sẵn lực lượng theo vị trí được phân công trong đồn, sẵn sàng chờ lệnh.
Lệnh “bắt đầu chiến đấu” của Tỉnh đội trưởng phát ra lúc 0 giờ ngày 16-8-1953, Đại đội 27 phát hỏa làm hiệu lệnh chung cho trận đánh. Bộ đội ta đồng loạt và liên tiếp đánh bộc phá, ném thủ pháo tới tấp vào đội hình địch còn đang ngủ say, tạo ra thế áp đảo quân địch ngay từ đầu. Kết quả trận đánh, ta diệt tại trận 75 tên (có nhiều sĩ quan và lính Âu - Phi), bắt sống 70 tên; thu 7 trọng liên 12,7mm, 5 đại liên, 10 trung liên, 30 tiểu liên, 9 súng trường tự động (Carbine), 150 súng trường và nhiều đồ quân dụng khác.
Lúc 4 giờ sáng, ta đã chủ động sử dụng bộc phá phá hủy các thứ không mang theo được gồm 3 xe thiết giáp, 10 xe kéo pháo, gần 30 xe vận tải, 4 khẩu pháo 105mm, một số khẩu trọng liên trên xe thiết giáp, một kho đạn lớn và công sự trong đồn. Đánh thắng trận Vân Trì, Bộ tổng tư lệnh đã khen ngợi và tặng thưởng ngay Huân chương Quân công cho các đơn vị tham chiến.
Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tả ngạn, sau một trận đánh, các đơn vị của ta đã được tặng thưởng ngay Huân chương cao quý. Đó vừa là một vinh dự lớn, vừa là sự ghi nhận bộ đội địa phương có bước phát triển nhanh cả về kỹ thuật, chiến thuật; cán bộ các cấp có tiến bộ rõ rệt về tổ chức, chỉ huy và thực hành chiến đấu; đã làm xuất hiện một khả năng mới: 1 thắng 1 trong tiến công vào cứ điểm địch phòng ngự vững chắc trên địa bàn địch hậu.
Chi bộ đảng xã Việt Hòa, lực lượng du kích và nhân dân trong xã cũng được đánh giá cao về việc phối hợp toàn diện, hỗ trợ tích cực giúp bộ đội đánh, tiêu diệt kẻ thù xâm lược, mỗi thôn, xóm ở Việt Hòa đã thực sự trở thành những “pháo đài”, “lũy thép” đánh đuổi thực dân xâm lược.
Ghi nhận thành tích của quân và dân xã Việt Hòa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cùng bằng khen các loại cho các cá nhân, tập thể trong xã.
Bài, ảnh: QUANG HUY