Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Liên khu 3 thành lập Ban chỉ huy Mặt trận đồng bằng và xác định kế hoạch đông xuân 1951-1952: Phối hợp với mặt trận chính tiêu diệt địch và nhân cơ hội địch đưa quân cơ động ra ngoại tuyến, tập trung đánh mạnh ở sau lưng, phá vỡ hệ thống chiếm đóng của chúng; vận động nhân dân, phục hồi cơ sở, mở rộng và củng cố các khu du kích, căn cứ du kích, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, công tác địch vận...

Đợt hoạt động của liên khu được chia thành hai bước: Bước thứ nhất, tập trung toàn bộ lực lượng của Đại đoàn 320 cùng lực lượng vũ trang (LLVT) tại chỗ tăng cường hoạt động ở Hà Nam, Ninh Bình, phá ngụy quân, ngụy quyền, tạo địa bàn đứng chân để tiếp tục đưa chủ lực vào sâu hơn.

Bước thứ hai, Đại đoàn 320 vượt sông Hồng sang Thái Bình cùng Trung đoàn 42 và bộ đội địa phương, dân quân du kích đẩy mạnh tác chiến, khôi phục và mở rộng các khu du kích, căn cứ du kích, uy hiếp Đường 5. Đồng thời, sử dụng 2 trung đoàn chủ lực cùng LLVT địa phương đánh địch ở Hà Nam, Nam Định, tạo thế căng kéo, phối hợp với chiến trường chính, tiếp tục mở rộng các vùng giải phóng. 

Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3, phê duyệt quyết tâm chiến đấu trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định năm 2021. Ảnh: DUY ĐÔNG 

Ngày 10-12-1951, Chiến dịch Hòa Bình mở màn. “Chia lửa” với mặt trận chính, hai trung đoàn 48 và 52 tác chiến ở hướng Phát Diệm (Ninh Bình); Trung đoàn 64 tác chiến ở Hà Nam. Bộ đội địa phương, dân quân du kích toàn mặt trận đẩy mạnh đánh nhỏ, phối hợp với chủ lực và hỗ trợ đồng bào nổi dậy phá tề, giành lại quyền làm chủ thôn, xã.

Sau hơn nửa tháng hoạt động ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, tiêu diệt 2/3 quân chiếm đóng của địch, phá 128/138 ban tề, giải phóng phần lớn huyện Yên Mô, một phần huyện Kim Sơn, xây dựng nhiều cơ sở trong đồng bào theo đạo Thiên chúa ở Phát Diệm. Thắng lợi làm rung chuyển hệ thống chiếm đóng của quân Pháp, ngụy ở phía nam Ninh Bình, trực tiếp mở đường cho ta vượt sông Đáy, tiến sâu vào vùng địch hậu.

Ở Hà Nam, sau gần một tháng hoạt động, các lực lượng đã phối hợp tiêu diệt, bức rút, bức hàng gần 40 cứ điểm, diệt 45/50 vị trí tề vũ trang, hương tổng dõng, phá 312/380 ban tề, thu gần 1.000 súng, mở rộng các cơ sở chính trị, thành lập nhiều khu du kích mới ở các huyện.

Tại Hà Đông, cuối tháng 12-1951, nhân dân vùng dậy tổng phá tề, phục hồi cơ sở, mở các khu du kích ở nhiều huyện. Ở Sơn Tây, Hòa Bình, ngoài trực tiếp phối hợp đánh địch tại mặt trận chính, quân và dân hai tỉnh còn tăng cường quấy rối, tiêu hao, bao vây đồn bốt, đánh phá giao thông vận chuyển của địch và tham gia phục vụ chiến dịch.

Cùng thời gian này, sau khi mở rộng vùng giải phóng, tạo bàn đạp đứng chân ở Ninh Bình, Trung đoàn 52, Trung đoàn 48 tiến sâu vào vùng địch hậu phía nam tỉnh Nam Định cùng LLVT tại chỗ tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng các khu du kích, mở đường chuẩn bị đưa chủ lực vượt sông Hồng sang tả ngạn. Để chống đỡ những hoạt động mạnh của ta ở vùng đồng bằng và tại mặt trận chính, ngày 8-1-1952, quân Pháp rút lực lượng khỏi phân khu sông Đà về tăng cường phòng thủ khu vực thị xã Hòa Bình-Đường số 6, đồng thời đưa một phần lực lượng cơ động về đồng bằng.

Thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy về việc đưa chủ lực sang tả ngạn, đẩy mạnh củng cố cơ sở, chống càn quét, phát triển chiến tranh du kích, phối hợp với Mặt trận Hòa Bình-Đường số 6, Thường vụ Liên khu ủy và Ban chỉ đạo Mặt trận đồng bằng quyết định đưa toàn bộ Đại đoàn 320, các trung đoàn 42, 46 vào vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân tiêu diệt sinh lực địch, phá ngụy quân, ngụy quyền, bảo vệ nhân dân, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích sau lưng địch. 

Bằng đòn tiến công quân sự của LLVT ba thứ quân, kết hợp với đòn tiến công chính trị, binh vận, chỉ sau một thời gian ngắn, ta đã bức rút, bức hàng 40 vị trí, diệt và phá bỏ 87/103 ban tề vũ trang, mở được các khu du kích, căn cứ du kích rộng lớn ở phía nam tỉnh Nam Định. Ở khu vực phía bắc tỉnh Nam Định, ta cũng mở lại các khu du kích ở nhiều huyện và nối liền với các khu du kích, căn cứ du kích ở Hà Nam, đưa phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn tỉnh chuyển sang một bước phát triển mới.

Từ ngày 18-1-1952, các đơn vị thuộc Đại đoàn 320 vượt qua sự phong tỏa của địch, tiến sang Thái Bình. Qua những đợt hoạt động đầu tiên, bộ đội chủ lực và địa phương đã tiêu diệt, bức hàng, bức rút 75 vị trí; giải phóng hoàn toàn huyện Tiền Hải, Kiến Xương, một phần diện tích các huyện Thụy Anh, Đông Quan; phục hồi khu du kích liên huyện Vũ Tiên, Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Quỳnh Côi, Phụ Dực. Hệ thống tề dõng, chính quyền cơ sở của địch ở Thái Bình cơ bản bị tan rã.

Ở Hải Dương, Hưng Yên, cuối tháng 1, đầu tháng 2-1952, các trung đoàn 42, 174 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích tiêu diệt nhiều vị trí của địch, tổ chức đánh phá giao thông, mở rộng khu du kích, căn cứ du kích. Khu du kích, căn cứ du kích bắc sông Luộc được mở rộng với 7 huyện đã trở thành căn cứ liên tỉnh, nối liền với các khu du kích, căn cứ du kích ở phía bắc tỉnh Thái Bình.

Ở Kiến An, LLVT địa phương kiên trì bám đất, bám dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và vận động chính trị, phục hồi được cơ sở chính trị tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Cuối tháng 1, đầu tháng 2-1952, đảng bộ địa phương phát động nhân dân đứng lên phối hợp cùng LLVT bao vây, bức hàng, bức rút toàn bộ 46 đồn hương dõng trong vùng, giải phóng 22 xã. Khu du kích, căn cứ du kích Tiên Lãng-Vĩnh Bảo được phục hồi, giữ vững, đã trở thành căn cứ chính và là bàn đạp tiến công quan trọng của ta tại tỉnh Kiến An và TP Hải Phòng.

Kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, binh vận, quân và dân Liên khu 3 đã đánh mạnh vào tinh thần binh lính địch, làm hàng nghìn lính ngụy, vệ sĩ bỏ ngũ trở về nhà. Trước Đông Xuân 1951-1952, hầu như toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng nằm dưới sự kiểm soát của địch, đến đầu năm 1952, ta đã giải phóng hơn 2 triệu đồng bào, 4.800 km2 (bằng 2/3 diện tích vùng châu thổ); khu du kích được mở ở hầu hết các huyện đồng bằng, nhiều khu du kích, căn cứ du kích liên huyện, liên tỉnh rộng lớn xuất hiện.

Cơ sở chính trị và vũ trang của ta cũng đã phát triển khá mạnh ở các vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Âm mưu chia rẽ lương-giáo, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp sụp đổ.

Bị thất bại trên cả mặt trận chính và đặc biệt là trên mặt trận sau lưng địch, ngày 23-2-1952, quân Pháp bỏ Hòa Bình rút chạy. Tỉnh Hòa Bình được giải phóng. “Chia lửa” với mặt trận chính, quân và dân Liên khu 3 đã tiêu diệt, bắt sống hơn 10.000 quân địch, tiêu diệt 160 cứ điểm, diệt khoảng 1.000 vị trí tề dõng, thu và phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh. Thắng lợi to lớn của ta ở mặt trận sau lưng địch làm thay đổi tình thế Đồng bằng Bắc Bộ, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Hòa Bình. 

Trung tướng NGUYỄN QUANG NGỌC, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3