Đầu năm 1954, Trung đoàn Công binh 151, Sư đoàn Công pháo 351 được lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nhiệm vụ mở đường, phá núi, kéo pháo vượt đèo, leo dốc vào trận địa.
Trực tiếp thực hiện tại thực địa trong đội hình của đơn vị, đồng chí Bạch Văn Tuyển (quê ở thôn Yên Phúc, thị xã Hà Đông-nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội)-người đã từng tham gia tự vệ thành Hà Nội, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, sau đó được biên chế về Trung đoàn Công binh 151-hằng ngày nhìn những khẩu đại bác nặng hàng tấn được bộ đội, dân công kéo đẩy bằng tay vượt dốc cao vô cùng khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Đường kéo pháo là đường mới mở xuyên qua núi, vượt qua nhiều đèo cao, dốc đứng, có đoạn đi qua triền núi của đỉnh Pha Sông cao 1.450m, nhiều đoạn quanh co bên bờ vực thẳm. Mỗi khẩu pháo phải có hàng chục người kéo, riêng các khẩu 105mm phải có từ 80 đến 100 người, vừa kéo, vừa chèn một đêm cũng chỉ đi được vài trăm mét. Những buổi trời mưa, đường trơn, máy bay địch bắn phá, việc cơ động gặp muôn vàn khó khăn. Trước thực tế đó, với trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo, đồng chí Bạch Văn Tuyển đã tự chế thành công chiếc tời đầu tiên trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, đồng chí Tuyển lại trực tiếp cải tiến chiếc tời kéo pháo cho chắc chắn hơn bằng cách đục xuyên suốt trục giữa và đóng tay quay tời xuyên ngang để khi tời không trật trẹo và tăng thêm lực gò dây. Sáng kiến tời kéo pháo của đồng chí Bạch Văn Tuyển nhanh chóng được nhiều đơn vị pháo binh (kể cả pháo cao xạ) áp dụng, dùng tời ở đỉnh dốc kéo pháo làm giảm rất nhiều nhân công và giúp cho các khẩu pháo vào trận địa nhanh hơn...
Được sáng tạo từ thực tiễn chiến trường và tình thương yêu, chia sẻ khó khăn với đồng chí, đồng đội, những chiếc tời kéo pháo của đồng chí Bạch Văn Tuyển đã góp phần đưa hàng chục khẩu pháo lớn vào chiếm lĩnh trận địa, trút bão lửa xuống đầu quân Pháp, góp phần cùng quân và dân ta làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
VŨ HÙNG