Ban đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch chuẩn bị phương án tiến công ở khu vực Dầu Tiếng nhằm kéo quân địch đến tiếp viện để tiêu diệt. Quá trình chuẩn bị, việc trinh sát nắm địch do Sư đoàn bộ binh 9, cùng Đại đội trinh sát 2 tiến hành. Ngày 10-11, trong khi ta đang hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến thì nhận được tin 2 tiểu đoàn bộ binh thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1 quân Mỹ hành quân càn quét từ Lai Khê theo đường 13 lên ấp Bàu Bàng, tạm dừng đóng quân dã ngoại ở khu vực Bàu Bàng - Đồng Sổ. Sau khi nắm tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Sư đoàn bộ binh 9 triển khai tiến công tiêu diệt lực lượng này. Như vậy, công tác chuẩn bị ban đầu của chiến dịch là tiêu diệt quân địch ở chi khu Dầu Tiếng, nhằm khêu ngòi, kéo lực lượng ứng cứu của chúng ra để tiêu diệt bên ngoài công sự, nhưng do diễn biến mới về địch, Bộ chỉ huy chiến dịch nhanh chóng quyết định thay đổi mục tiêu, thay đổi quyết tâm và cách đánh, tổ chức lực lượng tập kích hai cụm quân địch tạm dừng ở Bàu Bàng và Đồng Sổ.

Trong khi Bộ chỉ huy chiến dịch thực hiện thay đổi quyết tâm và triển khai kế hoạch tiêu diệt địch thì đến 22 giờ ngày 11-11, quân địch lại di chuyển cụm quân ở phía bắc xuống phía tây nam ấp Bàu Bàng. Cụm quân ở nam chuyển lên phía bắc ấp Đồng Sổ... Do chủ động trong nắm địch và biết được vị trí địch di chuyển, Bộ chỉ huy chiến dịch lại nhanh chóng điều chỉnh quyết tâm và kế hoạch tác chiến, sử dụng toàn bộ lực lượng đang có tổ chức tiêu diệt 2 cụm quân địch vừa di chuyển đến vị trí mới...

leftcenterrightdel
Sư đoàn 9 làm lễ tuyên thệ diệt địch trong Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng tháng 11-1965. Ảnh tư liệu 

Lúc 24 giờ ngày 11-11, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Vì cách xa vị trí địch nên các đơn vị vừa cơ động, vừa bổ sung nhiệm vụ. Do tiến hành công tác chỉ huy tham mưu song song với quá trình cơ động tiếp cận địch nên đến 4 giờ 15 phút ngày 12-11, mới có Tiểu đoàn 1 đến được vị trí triển khai, các đơn vị khác cách vị trí triển khai từ 5 đến 15 phút vận động. Thế nhưng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 vẫn quyết định cho Tiểu đoàn 1 nổ súng, vì để chậm sẽ mất thời cơ. Sư đoàn tin rằng, khi nghe tiếng súng, các đơn vị trên từng hướng sẽ chủ động cơ động đánh vào mục tiêu được phân công.

Được lệnh của sư đoàn, 5 giờ 3 phút ngày 12-11, Tiểu đoàn 1 nổ súng, nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Khoảng 5 giờ 10 phút, khi nghe tiếng súng trên hướng Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 5 nhanh chóng đánh thẳng vào khu vực mục tiêu do tiểu đoàn đảm nhiệm. Sau 45 phút, Tiểu đoàn 5 làm chủ mục tiêu, chia cắt 2 cụm quân địch, không cho chúng chi viện lẫn nhau. Tiểu đoàn 9 cũng nhanh chóng chia cắt cụm quân thứ hai của địch. Tiểu đoàn 6 cắt cụm quân thứ nhất. Các tiểu đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện chia cắt, bao vây, tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận đánh, tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp, 1 đại đội pháo cối, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy 39 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều vũ khí trang bị.

Thắng lợi của trận Bàu Bàng xuất phát từ sự nhạy bén của người chỉ huy chiến dịch trong tổ chức bám nắm và đánh giá đúng về địch. Trong tổ chức điều hành chuẩn bị chiến đấu, đơn vị đã nắm chắc thời cơ, kịp thời cơ động thực hiện đúng phương châm “bám thắt lưng địch” mà đánh. Chỉ huy chiến dịch đã hiệp đồng chặt chẽ giữa các hướng, mũi, các lực lượng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Thắng lợi của trận Bàu Bàng là thành công nổi bật của nghệ thuật giành và phát triển quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch luôn nắm chắc địch, dự kiến đúng khu vực đánh địch và tình huống tác chiến. Khi thời cơ xuất hiện, ta điều động lực lượng nhanh chóng, tạo ưu thế và yếu tố bất ngờ để tiêu diệt các mục tiêu.

Đại tá MAI VĂN QUANG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam