Trước khi địch mở chiến dịch tiến công lên Việt Bắc, lực lượng của ta trên địa bàn chiến dịch tương đương 10 trung đoàn bộ binh và 5 tiểu đoàn chủ lực (của cả Bộ và các khu) cùng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân, du kích các châu, huyện trong khu vực tác chiến… Địa bàn khu vực tác chiến rộng, chủ yếu là rừng núi, cơ động khó khăn, phương tiện thông tin liên lạc thiếu và lạc hậu... Do đó, việc phân chia, chỉ huy các chiến trường, tổ chức sử dụng lực lượng, chỉ đạo phương pháp tác chiến, cách đánh như thế nào cho hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh của ta, hạn chế điểm mạnh của địch là một yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến dịch.

leftcenterrightdel
Du kích xã Mộc Hạ (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trong Chiến dịch Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2 

Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Quân ủy đã nhận định: Địch mạo hiểm nhảy dù xuống Bắc Kạn, trung tâm của khu căn cứ địa Việt Bắc, địch đã giành được những bất ngờ, nhưng rõ ràng là chúng hành động mạo hiểm. Quân địch tuy đông nhưng phải tác chiến trên địa bàn Việt Bắc rộng lớn, lực lượng của chúng dàn mỏng nên khó phát huy được sức mạnh. Do vậy, trước mắt ta sử dụng lực lượng bộ đội, dân quân du kích và toàn dân bao vây, giam chân địch, không để cho chúng đánh rộng ra; thực hiện tiêu thổ kháng chiến ngăn cản bước tiến của quân địch; tổ chức đánh phục kích, đánh địa lôi tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; không cho chúng liên kết, phối hợp với nhau; nhanh chóng tổ chức bộ đội, dân quân ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch trên các hướng, không cho chúng hợp điểm, hợp vây để tiêu diệt lực lượng đầu não của ta ở vùng trung tâm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy nhanh chóng xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch; đồng thời, triển khai phân tán các trung đoàn chủ lực thành 18 tiểu đoàn tập trung và 30 đại đội độc lập. Các tiểu đoàn tập trung đã trở thành lực lượng nòng cốt cho các mặt trận; các đại đội độc lập xuống các châu, huyện làm nòng cốt để cùng với LLVT địa phương và dân quân, du kích thực hiện chiến tranh du kích…

Việc phân tán các trung đoàn chủ lực thành các tiểu đoàn tập trung và đại đội độc lập là một chủ trương sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể lúc đó, vì ta cần phải đẩy mạnh tác chiến du kích ở khắp các địa phương để buộc địch phải phân tán đối phó, kìm giữ chân địch, phá thế “hợp vây” của địch. Đồng thời, hoạt động rộng khắp của các đại đội độc lập và LLVT địa phương, dân quân du kích còn tạo điều kiện tổ chức các trận tác chiến tập trung để tiêu diệt từng bộ phận, bẻ gãy từng gọng kìm của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét của quân Pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu kế hoạch hành quân của địch, ta đã phân tích và nhận rõ chỗ yếu cơ bản ngay trên chỗ mạnh của hai “gọng kìm” của địch là: Quân đông, phải cơ động trên đường vừa độc đạo, vừa hiểm trở, đội hình hành quân buộc phải kéo dài… Do đó, thực hiện “đại đội độc lập”, ta đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, tạo được sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích tại chỗ để thực hiện đánh địch rộng khắp với nhiều trận đánh nhỏ lẻ nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt quân địch. Các tiểu đoàn chủ lực tập trung có điều kiện cơ động, hình thành thế trận phục kích, tập kích và vận động phục kích, vừa thực hiện chia cắt đội hình địch, vừa phá tan ý đồ “phân tuyến” của chúng, tạo thế trận có lợi cho ta. Do đó, địch muốn tiến công nhanh, nhưng trên từng hướng khi bị ta chặn đánh, chúng buộc phải phân tán lực lượng hoặc dừng lại đối phó.

Với việc tổ chức lực lượng phân tán các trung đoàn chủ lực thành các đơn vị nhỏ lẻ để đánh địch rộng khắp, tạo thời cơ để tổ chức các trận đánh tập trung, đây thực sự là một chủ trương chiến lược đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo của Bộ Tổng chỉ huy nhằm đánh bại cuộc hành quân của quân Pháp. Tổ chức lực lượng hợp lý, phù hợp nên ta đã phát huy được ưu thế, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân tham gia đánh giặc. Đồng thời, quân ta có thể vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật với những cách đánh sáng tạo để ngăn chặn, bẻ gãy từng cánh quân của địch; từng bước tiêu hao, tiêu diệt tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét của chúng, bảo vệ, giữ vững căn cứ địa của cuộc kháng chiến...

Đại tá MAI VĂN QUANG