Chiến thắng lịch sử

Trong một bài viết, tờ The Guardian cho biết, trước khi lực lượng Việt Minh bắt đầu tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954, quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Christian de Castries tin rằng với hỏa lực, không lực, pháo binh mạnh cùng hệ thống công sự kiên cố, họ có thể đưa đối phương vào bẫy. Thế nhưng theo bài viết, người Pháp đã hoàn toàn bất ngờ trước sức tấn công của Việt Minh. Họ không thể tưởng tượng được rằng Việt Minh lại có được hỏa lực mạnh như vậy. “Điện Biên Phủ là một thảm họa đối với Pháp. Điện Biên Phủ là 3 từ mà tại Pháp hiện vẫn đồng nghĩa với một thất bại”, tờ The Guardian nhấn mạnh.

Báo Người Paris số ra ngày 8-5-1954 đưa tin Điện Biên Phủ thất thủ. Ảnh tư liệu.

Hãng tin AFP gọi Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 là một "chiến thắng lịch sử”, "chiến thắng vàng” của dân tộc Việt Nam. Theo AFP, “trận chiến ác liệt kéo dài 56 ngày đêm tại thung lũng xa xôi ở Tây Bắc Việt Nam đã mở đầu cho sự sụp đổ chế độ thực dân của Pháp, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập”. “Đó là lần đầu tiên một phong trào đấu tranh giành độc lập ở ngoài châu Âu được phát triển qua nhiều giai đoạn, từ các nhóm du kích đến một đội quân có tổ chức, vũ trang, đã có thể đánh bại quân xâm lược phương Tây hiện đại”, AFP dẫn lời sử gia người Anh Martin Windrow nhận xét.

Trong cuốn sách có tựa đề From prologue to epilogue in Vietnam (tạm dịch: Từ khởi đầu cho đến kết thúc ở Việt Nam), tác giả Mortimer Theodore Cohen nhận xét Điện Biên Phủ là “một trận đánh nữa mà người Việt Nam đã đánh bại quân xâm lược”. Theo tác giả, Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam: “Hầu hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, tầng lớp xã hội, kể cả những người từng phục vụ trong quân đội Pháp, đều tự hào về chiến thắng này”.

Cú sốc với phương Tây

Tờ The Diplomat bình luận Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi lịch sử khi “đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là bất bại”, đồng thời “khơi nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh chống thực dân trên phạm vi toàn cầu”. Trong khi đó, tờ South China Morning Post đánh giá Chiến thắng Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình về “quyết tâm của một quốc gia tự đứng trên đôi chân của mình để “đánh chắc thắng”.

Trang mạng GlobalSecurity.org nhận xét việc Việt Minh đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ “về bản chất cũng đồng nghĩa với việc Pháp thất bại trong trò chơi do chính mình tạo ra”. Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ là một cú sốc vang dội khắp thế giới phương Tây. “Điện Biên Phủ hay DBP đã trở thành một biểu tượng hoặc từ viết tắt cho thất bại của phương Tây trước phương Đông... Điện Biên Phủ đã kéo theo nhiều hệ lụy chính trị nghiêm trọng. Thất bại này là một thảm họa cho cả Pháp lẫn Mỹ, vì cho đến năm 1954, Mỹ đã cung cấp 80% chiến phí cho quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương”, trang mạng GlobalSecurity.org khẳng định.

Nguồn cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức

Chiến thắng Điện Biên Phủ báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Tờ The Guardian dẫn lời sử gia Pháp Jean-Pierre Rioux cho rằng Điện Biên Phủ là “trận chiến đầu tiên mà một đội quân châu Âu bị thất trận trong lịch sử phi thực dân hóa và báo hiệu ngày tàn của đế chế Pháp đã đến”. Cùng chung nhận định, tờ The Age của Australia nhận xét Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Theo đó, Điện Biên Phủ là nơi mà “hồi chuông báo tử đã vang lên đối với chủ nghĩa thực dân của Pháp ở châu Á” và là nơi “khởi đầu cho nỗi ê chề của cường quốc quân sự số một thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Vì vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Kết quả là gần hai thập niên sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Theo trang mạng globalpolicy.org, vào năm 1974, Jean Pouget, một cựu sĩ quan trong lực lượng viễn chinh Pháp đã phải thốt lên đầy cay đắng: “Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực dân và khởi đầu cho kỷ nguyên độc lập của thế giới thứ ba. Không cuộc nổi dậy nào ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ mà không viện dẫn tới chiến thắng của tướng Giáp”. Trong khi đó, tờ Frontline của Ấn Độ nhận xét Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy “một nước châu Á nhỏ bé đã đánh bại một cường quốc thực dân châu Âu hùng mạnh” và là “động lực to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới”.

HOÀNG VŨ