Thực hiện kế hoạch trên, ta mở chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn với 4 đợt tiến công từ ngày 20-2-1968 đến 15-7-1968, ta làm chủ quận lỵ Hướng Hóa, diệt các cứ điểm Huội San, Làng Vây; vây lấn cứ điểm Tà Cơn suốt 50 ngày đêm; đánh địch ứng cứu, giải tỏa, giữ vững các khu vực Làng Khoai, Cu Bốc, các điểm cao 698, 622, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, làm thất bại các cuộc hành quân “Ngựa bay” và “Lam Sơn 207” của quân Mỹ và quân Sài Gòn giải tỏa, buộc địch phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 quân địch, bắn cháy 197 máy bay, 80 tàu vận tải, nhiều phương tiện chiến tranh khác… Với quy mô chiến dịch và cách đánh của ta, đặc biệt là lần đầu tiên ta sử dụng nhiều binh chủng kỹ thuật mạnh, nhất là pháo binh và xe tăng, tạo sức ép lớn, buộc quân Mỹ phải điều động gần 3 sư đoàn ứng cứu giải tỏa. Ta đã thành công trong việc kéo được quân Mỹ ra khỏi đô thị, “nhử” chúng lên rừng núi để tiêu diệt.

Bộ đội Pháo binh trong chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh. Ảnh tư liệu

Trong lúc địch đang dồn hết sức để giữ bằng được Đường 9-Khe Sanh, thì đêm 30 và 31-1-1968 (đêm Giao thừa và Mồng Một Tết Mậu Thân), quân và dân ta đồng loạt tổng tiến công đánh thẳng vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần). Đòn đánh liên hoàn, hiểm hóc này đã làm cho quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó… Thắng lợi trên đã thể hiện nghệ thuật quân sự đỉnh cao trong chỉ huy, chỉ đạo chiến dịch; nghi binh, lừa địch…, góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

TRẦN BÌNH