Bà Dòn nghẹn ngào: “Những năm tháng cuối đời, ông nhà tôi thu thập tất cả những bài thơ, câu chuyện còn lưu giữ rồi gửi về Nhà xuất bản Hội Nhà văn xin phép xuất bản để lưu giữ lại những ký ức chiến tranh. Một thời gian sau, “Khoảnh khắc chiến tranh” đến với bạn đọc. Giờ ông ấy đã đi xa, tôi vẫn gìn giữ cẩn thận tập thơ cùng các kỷ vật của ông”.
 |
Ông Đỗ Tiến Ruyện và tập thơ “Khoảnh khắc chiến tranh” (năm 2019). Ảnh do gia đình cung cấp
|
Đọc kỹ từng bài thơ, chúng tôi càng cảm nhận đầy đủ hơn tâm ý của ông Ruyện gửi gắm từ những ngày đầu lên đường nhập ngũ: “Tháng ba một chín năm tư/ Lên đường chiến đấu đồn thù còn giăng”. Ngày ấy, ông là chiến sĩ trinh sát thuộc Trung đoàn 50 (Khu Tả ngạn) tham gia chiến đấu ở vùng Thái Bình, Hưng Yên. Những ký ức và kỷ niệm về cuộc đời quân ngũ được ông Ruyện chuyển tải thành những câu thơ chân thực, giản dị. “Phục đường ba chín Hưng Yên/ Chặn xe bắt được một tên Tây xù”... Đây là trận phục kích quân ta không mất một viên đạn mà bắt được tên quan Pháp cùng lính hộ tống đang đi thị sát ở Hưng Yên. Trận này, tổ trinh sát thu được toàn bộ vũ khí rồi bàn giao tù binh cho bộ đội địa phương, sau đó cải trang thành lính Pháp, chạy xe khảo sát vị trí đồn trú của địch làm cơ sở vẽ sơ đồ tác chiến và giành thắng lợi.
Điều thú vị là nhìn, nghe thấy cái gì, tác giả cũng ứng tác thành thơ. Từ chiếc gậy, áo trấn thủ, mũ nan đến bật lửa, xác máy bay, vỏ đạn của địch, thậm chí cả vắt cơm, củ sắn, cọng rau cũng được gieo vần thành những câu thơ hết sức chân thực. Đọc thơ của ông, độc giả như đang nghe kể chuyện để cảm nhận bước chân rầm rập hành quân, mùi khói súng nồng khét, tiếng bom đạn xé trời: “Quanh mình pháo nổ, bom san/ Máy bay từng đàn gầm rít bốn bên”. Gian nan, vất vả là vậy nhưng vượt lên trên hết là tinh thần lạc quan, tin tưởng. Giữa chiến trường Thừa Thiên Huế, ông hân hoan niềm vui chiến thắng: “Khi đi vai nặng đạn xanh/ Khi về hoa nặng vai anh công đầu”.
Tây Nguyên ghi dấu nhiều kỷ niệm của người lính pháo binh Đỗ Tiến Ruyện. Ông đã làm bài thơ “Tây Nguyên” với hai câu mở đầu: “Tây Nguyên ơi, ai đã từng đến đó/ Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau”. Bài thơ được ông đọc trong buổi liên hoan văn nghệ của Nông trường 10 (Sư đoàn 10) năm 1966, sau đó đăng trên Báo Mặt trận Tây Nguyên. Hai câu thơ đầu được nhiều người truyền đọc cho nhau nghe. Hầu như bộ đội Tây Nguyên ai cũng thuộc như câu cửa miệng, giản dị nhưng chứa đầy cảm xúc, nhớ thương. Lâu dần, hai câu thơ trở thành khuyết danh, là món quà tinh thần chung của những người lính chiến đấu ở Tây Nguyên.
Biết bao kỷ niệm chiến trường đã được Đại tá Đỗ Tiến Ruyện gom góp lại trong tập thơ, với lời nhắn nhủ chân thành tới con cháu: “Cha để lại cho các con/ Những kỷ vật của ông bà/ Xương máu của đời cha/ Và một tình yêu vô hạn... Mong sao trong phút đợi chờ/ Câu thơ ghi lại, trước giờ hành quân/ Gửi về con cháu, người thân/ Hậu phương hiểu được một phần chiến tranh/ Cảm ơn các chị, các anh/ Bạn bè chân thành nghe đọc thơ tôi”.
ĐỨC NAM